Gắn kết nghĩa tình quân dân

Mô hình 'Tết quân dân' do LLVT tỉnh An Giang triển khai, giờ đây đã trở nên gần gũi, quen thuộc với người dân trên địa bàn và được các cấp, các ngành đánh giá cao. Hiệu quả của mô hình không chỉ là những công trình, phần việc bộ đội giúp dân mà còn là sợi dây gắn kết nghĩa tình quân dân thêm bền chặt.

Thông qua mô hình, LLVT tỉnh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đã huy động nhiều nguồn lực chung sức xây dựng quê hương, giúp các địa phương hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Thành quả đó có đóng góp tích cực của Đại tá Chau Chắc (người dân tộc Khmer), Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh An Giang trong tham mưu, triển khai thực hiện mô hình.

 Đại tá Chau Chắc (thứ ba, từ phải sang) thăm, tặng quà gia đình chính sách. Ảnh: HỮU ĐẶNG

Đại tá Chau Chắc (thứ ba, từ phải sang) thăm, tặng quà gia đình chính sách. Ảnh: HỮU ĐẶNG

Đại tá Chau Chắc nhớ lại: “Năm 2015, trong quá trình tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện mô hình, chúng tôi gặp khó khăn trong khâu vận động các nguồn lực, kinh phí. Bản thân tôi đã tham mưu và cùng Phòng Chính trị phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức vận động, tuyên truyền tới các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn về ý nghĩa của mô hình, từ đó huy động được sự tham gia ủng hộ rất nhiệt tình của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Để tổ chức “Tết quân dân” đạt hiệu quả cao, chúng tôi đã tham mưu thống nhất đưa mô hình trở thành một nội dung chính trong kế hoạch tổ chức các ngày lễ, kỷ niệm của tỉnh hằng năm. Từ đó, nội dung mô hình được kết hợp với các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, nhà đồng đội, nhà đại đoàn kết, hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Theo đó, năm 2015, Bộ CHQS tỉnh tổ chức “Tết quân dân” tại ấp Ô Tà Sóc (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn), với chủ đề “LLVT địa phương về với cội nguồn”, huy động gần 200 cán bộ, chiến sĩ, hơn 3.000 lượt người dân tham gia, với kinh phí hơn 4 tỷ đồng, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực”.

Trên cơ sở kinh nghiệm tổ chức “Tết quân dân” tại xã Lương Phi, năm 2016, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục triển khai với quy mô lớn hơn ở địa bàn xã Khánh Bình (huyện An Phú), với chủ đề “Nghĩa tình biên giới”, huy động gần 300 cán bộ, chiến sĩ tham gia ăn Tết với đồng bào dân tộc Chăm; xây tặng 37 căn nhà, tổng trị giá gần 5,1 tỷ đồng; tham gia làm đường giao thông nông thôn và thực hiện nhiều hoạt động an sinh xã hội thiết thực.

Năm 2017, “Tết quân dân” do Bộ CHQS tỉnh tổ chức tại xã Thới Sơn (huyện Tịnh Biên), với chủ đề “Truyền thống anh hùng”, nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiều hơn của các cấp, các ngành và sự ủng hộ nhiệt tình của các doanh nghiệp, cá nhân, với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Các đơn vị còn tạo việc làm ổn định tại chỗ cho 900 lao động là người dân tộc Khmer nghèo; hỗ trợ 22.840 tấn lúa giống, trao 24 con bò giống sinh sản (trị giá hơn 300 triệu đồng) tặng người dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo; giúp người dân tộc Khmer vùng biên phát huy tốt làng nghề truyền thống, làm ra sản phẩm chất lượng, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Từ năm 2018 đến nay, Bộ CHQS tỉnh giao cho ban CHQS 11 huyện, thị xã, thành phố tổ chức mô hình “Tết quân dân” đạt hiệu quả cao, góp phần thực hiện thắng lợi Phong trào thi đua “LLVT tỉnh An Giang chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020, vinh dự được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng gặp mặt, động viên, Đại tá Chau Chắc tâm niệm: “Tôi nguyện tiếp tục rèn luyện, không ngừng phấn đấu, đoàn kết, cùng cấp ủy các cấp, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống đồng bào các dân tộc Việt Nam, góp phần tô thắm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ-bộ đội của dân”.

KHÁNH MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/gan-ket-nghia-tinh-quan-dan-645419