Gắn kết hợp tác Mekong với các mục tiêu phát triển của ASEAN

Việc gắn kết các chương trình, phối hợp các nguồn lực giữa các tiểu vùng trong ASEAN sẽ tạo ra sự cộng hưởng, đem đến kết quả cao hơn.

Ngày 14/7, Diễn đàn ASEAN về phát triển tiểu vùng Mekong với chủ đề “Gắn kết hợp tác Mekong với các mục tiêu của ASEAN” đã diễn ra tại Hà Nội.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Diễn đàn được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với sự tham gia của đại diện các nước ASEAN và các đối tác.

Diễn đàn ASEAN về phát triển tiểu vùng Mekong

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau 25 năm hội nhập kinh tế, ASEAN đã trở thành một trong những nền kinh tế năng động. Đặc biệt, việc Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức được thành lập cuối năm 2015 là một cột mốc quan trọng trong chương trình hội nhập kinh tế khu vực của ASEAN, đưa ASEAN trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với GDP 3 nghìn tỷ USD (năm 2018), thương mại khu vực đạt 2,8 nghìn tỷ USD (năm 2019) và là điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn.

Nhấn mạnh sự cần thiết của việc gắn kết tương hỗ giữa Mekong và ASEAN, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, ASEAN cần đặt trọng tâm ưu tiên tăng cường kết nối, phát triển bền vững và bao trùm, cũng như nâng cao vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng, trong đó có hợp tác Mekong.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, Mekong được đánh giá là một trong những tiểu vùng năng động nhất khu vực ASEAN, đóng vai trò là hành lang chiến lược kết nối Đông Á và Nam Á, là cầu nối đất liền giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. “Tiểu vùng Mekong thể hiện mình là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và mạng lưới giao thông khu vực”, ông nói.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, vai trò chiến lược của tiểu vùng Mekong và khẳng định sự phát triển của một khu vực Mekong hòa bình, thịnh vượng và bền vững sẽ giúp củng cố vị thế của ASEAN trong cấu trúc khu vực, và xây dựng cộng đồng ASEAN.

Thảo luận tại diễn đàn, các ý kiến đánh giá, hợp tác trong khuôn khổ tiểu vùng Mekong là một sáng kiến thành công nhất trong ba thập kỷ qua, đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế và tiến trình xóa đói giảm nghèo trong khu vực.

Tuy vậy, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khu vực Mekong cũng đang phải đối mặt với những hệ lụy nghiêm trọng.

Để vượt qua thách thức này, các nước Mekong cần có những thay đổi nhằm bắt kịp xu thế mới của kinh tế thế giới, tận dụng tốt hơn thành quả của khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phổ biến ngày càng sâu rộng của kỹ thuật số.

Trên cơ sở các nghiên cứu của mình, Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) đề xuất, để đạt phát triển bền vững, các nước Mekong cần điều chỉnh chính sách theo hướng ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm như kết nối, công nghiệp hóa, phúc lợi xã hội và phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam

Chia sẻ bên lề diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Việt Nam muốn gắn kết các chương trình phát triển của tiểu vùng Mekong với các chương trình, kế hoạch phát triển của ASEAN.

Vấn đề là làm sao gắn kết các chương trình đó với nhau, phối hợp các nguồn lực đó để trở thành chương trình cộng hưởng, tạo ra các hành lang kinh tế phù trợ lẫn nhau để đem đến kết quả cao hơn, Thứ trưởng nói.

Ông Dũng cho rằng, các con đường, hành lang cơ bản đã có, nhưng để thông suốt thì các nước cần phải phối hợp với nhau về chính sách, xử lý các vấn đề ở cửa khẩu. ASEAN đã có thỏa thuận qua lại biên giới với nhau, tuy nhiên để áp dụng một cách thông suốt, cần phải cụ thể hóa từng chính sách, biện pháp của từng quốc gia, làm sao đồng bộ, thống nhất, cải cách các thủ tục, quy trình ở cửa khẩu nhanh hơn.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc khẳng định, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng các thành viên ASEAN và các đối tác thúc đẩy cách tiếp cận đa lĩnh vực, đa đối tác, đa tầng nấc vì một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường, thích ứng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về kết quả của Diễn đàn, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, các diễn giả đánh giá rất cao các hợp tác đang diễn ra ở tiểu vùng Mekong và gắn nó với xây dựng cộng đồng ASEAN nói chung.

Tiểu vùng Mekong có rất nhiều diễn đàn bổ trợ cho nhau để thúc đẩy khu vực phát triển như Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng(GMS), Lan Thương - Mekong, Ủy hội sông Mekong, diễn đàn của ASEAN với các nước đối thoại. Điểm chung của các diễn đàn này là muốn phát triển bền vững, kết nối trong khu vực, bảo đảm xóa bỏ khoảng cách phát triển, trong đó có câu chuyện xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế, an ninh nguồn nước, phát triển năng lượng được tạo thành một kế hoạch tổng thể.

Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, đại dịch Covid-19 thực sự khiến các nước trong khu vực và thế giới gặp nhiều khó khăn. ASEAN nói chung và tiểu vùng Mekong nói riêng đã có những tham vấn câu chuyện này. Qua những ý kiến trao đổi tại diễn đàn, Đại sứ Phạm Quang Vinh nêu 4 vấn đề được các chuyên gia tập trung thảo luận và thống nhất:

Thứ nhất là tăng cường tham vấn để phòng chống dịch. Các nước cần hỗ trợ nhau, tiểu vùng Mekong đã thúc đẩy hợp tác đó.

Thứ hai là chia sẻ trong phòng chống dịch. Các nước thấy phải hợp tác với nhau chân thành và tích cực, đóng góp vào nỗ lực chung.

Thứ ba là rút ra khỏi đại dịch và phục hồi sau đại dịch thế nào. Làm sao khôi phục được chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu để các nước có thể dần vừa mở cửa, vừa phòng chống dịch. “Đây là nhiệm vụ kép rất lớn”, ông nói.

Cuối cùng, trong bối cảnh vừa phòng chống đại dịch nhưng đồng thời hướng tới mục tiêu lâu dài của khu vực là phát triển bền vững, bảo đảm cho đời sống người dân cũng như các chương trình hợp tác trong tiểu vùng Mekong và ASEAN.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/gan-ket-hop-tac-mekong-voi-cac-muc-tieu-phat-trien-cua-asean-d125836.html