Gắn kết gia đình thời 'ở nhà chống dịch'

Cuộc sống hằng ngày bận rộn, hối hả với công việc ngoài xã hội khiến nhiều người không thể có đủ thời gian chăm sóc cho mái ấm gia đình. Trong những ngày cách ly toàn xã hội, mọi sinh hoạt, công việc đều diễn ra dưới mái nhà đã khiến họ có cơ hội nhiều hơn cho điều đó.

Học sinh tiểu học tự học ở nhà mùa chống dịch Covid-19. Ảnh: LAM NGỌC

Học sinh tiểu học tự học ở nhà mùa chống dịch Covid-19. Ảnh: LAM NGỌC

NDĐT - Cuộc sống hằng ngày bận rộn, hối hả với công việc ngoài xã hội khiến nhiều người không thể có đủ thời gian chăm sóc cho mái ấm gia đình. Trong những ngày cách ly toàn xã hội, mọi sinh hoạt, công việc đều diễn ra dưới mái nhà đã khiến họ có cơ hội nhiều hơn cho điều đó.

Gần hơn với con

Những ngày thường trước khi có dịch, gia đình chị L.T.Q ở Tây Hồ gần như không có ngày nghỉ, kể cả cuối tuần. Lịch đi học thêm, đi biểu diễn năng khiếu của cô con gái nhỏ khiến cuối tuần nào cả nhà chị cũng “trên từng cây số”, hết Ninh Bình, Bắc Ninh đến Nam Định…, có những hôm tới rất khuya mới về tới nhà. Khi dịch Covid-19 lan rộng khắp nơi, người dân được lệnh cách ly toàn xã hội, cơ quan chị cũng nghỉ không lương, con gái nghỉ đi diễn và tự học ở nhà, chị mới có thời gian chăm chút thêm cho nhà cửa, theo đuổi thú vui của mình là công việc làm bánh, cũng như dành thời gian chỉ dẫn thêm cho các con những kỹ năng sống cần thiết.

Nghỉ ở nhà, thu nhập giảm, chị hướng dẫn con cùng làm bánh và rao bán, một công đôi việc, vừa thỏa mãn đam mê, vừa có thêm đồng ra đồng vào đi chợ. Anh T.T, chồng chị dành thời gian rảnh rỗi đi ship bánh cho khách hàng, hoặc giúp vợ dọn dẹp mớ đồ làm bánh mỗi khi xong việc.

Anh T.Đ.C là một kỹ sư xây dựng, công việc thường ngày của anh luôn gắn với những công trình, cho nên anh cũng ít có thời gian dành cho hai con. Chỉ đến cuối tuần nào được ở nhà, anh mới có được chút thời gian hiếm hoi ít ỏi hỏi han, hướng dẫn các con việc học hành, bày ra dăm trò chơi nhẹ nhàng cho các con. Những ngày dịch bệnh, các công trình xây dựng tạm ngừng hoạt động, nghỉ ở nhà có thời gian hơn, anh Cường đã tự “khai sáng” mình với những môn học quen thuộc mà anh luôn đứng đầu thời đi học, nhưng giờ đã khó hơn rất nhiều trong chương trình học của các con. “Tôi tự mò mẫm tìm các bài tập, bài học toán nâng cao dành cho lớp 4 và lớp 6, bằng tiếng Anh để giảng và cho các con luyện thêm. Công việc hằng ngày vào mỗi buổi sáng của tôi là ghi một số đề bài mới bằng tiếng Anh lên chiếc bảng mica ở nhà, và các cháu sẽ tìm cách giải. Con gái tôi đã rất ngạc nhiên khi biết ngày xưa bố cũng từng là cây toán ở lớp”.

Không chỉ vậy, anh còn tìm hướng dẫn trên mạng để tự lắp một sân bóng rổ nho nhỏ trên tầng thượng, với đầy đủ lưới chắn bóng ra ngoài, thảm tập, cột treo bảng rổ… để các con có thời gian vận động thể chất khi học xong.

Đó là hai thí dụ trong số rất nhiều gia đình ở hoàn cảnh làm việc tại nhà, cách ly toàn xã hội hiện nay. Nhiều người cho rằng, làm việc ở nhà còn bận hơn nhiều so với tại nơi làm việc, bởi vừa phải tập trung vào công việc, vừa lo con cái học hành, nấu ăn, cùng rất nhiều công việc không tên khác tại gia. Tuy nhiên, khoảng thời gian ở nhà cũng đã giúp cho các thành viên trong gia đình thấu hiểu nhau hơn, con cái hiểu hơn về công việc của bố mẹ, cha mẹ gần gũi con hơn, vợ chồng đặt mình vào địa vị của nhau và thông cảm hơn cho nhau.

Chăm sóc người già

Cũng giống như nhiều phụ nữ công sở khác, chị K.C.V (quận Ba Đình) trước đây không có nhiều thời gian sau một ngày làm việc bận rộn. Nhà ông bà ngoại của chị ở cùng trong thành phố nhưng cũng tương đối xa. Đầu năm nay, ông ngoại ốm, vợ chồng chị phải chạy đi chạy lại, vừa chăm ông, vừa lo việc nhà, việc cơ quan khá vất vả. Đến khi có lệnh cách ly xã hội, vợ chồng chị quyết định xuống hẳn nhà ông bà ngoại ở, vừa tiện chăm sóc ông, vừa giúp bà việc nhà. Những ngày ở cùng ông bà, chị đã tìm nhiều phương thức chăm sóc sức khỏe người già, như các bài tập vật lý trị liệu, massage, cách nâng cao sức khỏe bằng thảo mộc, dược liệu, rau củ quả có sẵn…

Khác với gia đình chị K.C.V, nhà chị N.P.H (quận Cầu Giấy) may mắn hơn ở chỗ ông bà ngoại ở cùng trong một khu chung cư. Trước đây, bà ngoại đi chợ là mua đồ ăn luôn cho cả mấy gia đình anh chị em. Nhưng kể từ ngày dịch bệnh xuất hiện ở Hà Nội, chị N.P.H đã làm nhiệm vụ này thay cho mẹ. Khoảng 2-3 ngày một lần, chị xuống siêu thị hoặc đặt mua đồ online rồi mang lên phòng cho bố mẹ. Đôi khi chị nấu nhiều thêm một chút các món ăn rồi mang cho ông bà đỡ phải nấu. Thời gian nghỉ chống dịch, ông bà chỉ ở trong nhà, không ra ngoài đi tập thể dục được, anh chị đã lắp đặt một số dụng cụ tập thể dục nhẹ nhàng, đơn giản trong nhà cho các cụ. Chị P.H cũng đã lên mạng tìm kiếm những bài tập thể dục nhẹ nhàng phù hợp với người già để ông bà tiện tập.

Còn với nhà chị T.H.T, cũng ở khá xa ông bà ngoại, chỉ cuối tuần hoặc nghỉ lễ mới chạy về ông bà. Chị T.H.T làm việc cho một công ty du lịch, cho nên khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng, chị nghỉ không có thu nhập. “Mẹ tôi rủ, về đây làm mấy món ăn cùng mẹ rồi bán, cũng giúp có thêm chút thu nhập. Thế là tôi về làm cùng mẹ, trước đây mẹ tôi nấu bếp ăn cho công ty nên mày mò được nhiều món rất ngon”. Cứ như thế, nào là bánh, xôi, pate, thịt quay… ban đầu chỉ là giới thiệu và bán cho bạn bè, người quen, sau mở rộng dần bán cho cả người ngoài. Chị T nói: “Không phải mình chăm mẹ, mà ngược lại, mẹ giúp mình vượt qua khoảng thời gian khó khăn này. Lúc nghỉ tránh dịch, mẹ con mình mới có thời gian gần gũi, chia sẻ với nhau. Những lúc như thế này, không gì bằng gia đình”.

Dịch bệnh đã gây ra những xáo trộn không nhỏ trong đời sống xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người. Nhưng dịch bệnh cũng là cơ hội để nhiều người tìm về với giá trị gia đình, làm ấm thêm mái ấm, và có thời gian gần gũi với cha mẹ, con cái, những việc mà ngày thường bận rộn họ không thể đủ thời gian làm được.

ĐỖ QUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/44087202-gan-ket-gia-dinh-thoi-%E2%80%9Co-nha-chong-dich%E2%80%9D.html