Gắn kết gia đình - nhìn từ dịch COVID-19

Hơn một năm qua, diễn biến của dịch COVID-19 đã có những tác động đến hoạt động thường nhật, thói quen sinh hoạt của hàng triệu gia đình. Nhiều người phải điều chỉnh các hoạt động của bản thân và gia đình để 'thích ứng' với dịch bệnh. Song ở một góc nhìn khác, dịch COVID-19 cũng mang đến cơ hội để chúng ta 'sống chậm' lại và thêm gắn kết nhiều hơn với gia đình của mình.

Hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa, trước đây vợ chồng anh chị Nguyễn Hồng Quang và Võ Thị Ngọc Huyền ở Khu đô thị Thanh Hà, quận Hà Đông (Hà Nội) thường có rất ít thời gian dành cho gia đình. Những chuyến công tác, những hợp đồng làm ăn... như cuốn họ đi và những bữa cơm gia đình thường ít khi có đủ cả hai vợ chồng. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, công ty điều chỉnh kế hoạch làm việc nên cách thức tổ chức cuộc sống cho gia đình nhỏ của anh Quang, chị Huyền cũng đã có nhiều thay đổi. Thực hiện hình thức làm việc trực tuyến (online), hai vợ chồng đã có nhiều thời gian ở nhà hơn trước. Chị Huyền chủ động sắp xếp để vừa làm được việc công ty giao, vừa có thời gian quan tâm, chăm sóc các con. Chồng chị cũng không còn phải đi công tác thường xuyên mà có thêm nhiều thời gian dành cho vợ con hơn; nhiều hôm, anh còn giành phần vào bếp để nấu ăn. Chị Võ Thị Ngọc Huyền chia sẻ: “Những tác hại tiêu cực của dịch COVID-19 là rất lớn, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội. Song bên cạnh những tiêu cực, chúng ta lại có nhiều thời gian hơn để dành cho gia đình, người thân. Cuộc sống gia đình vì vậy cũng ấm cúng, gắn bó hơn”.

 Làm việc online ở nhà, chị Huyền có nhiều thời gian hơn để chăm sóc con nhỏ.

Làm việc online ở nhà, chị Huyền có nhiều thời gian hơn để chăm sóc con nhỏ.

Tương tự như vậy, cuộc sống gia đình chị Lê Thu Hà ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa (Hà Nội) cũng đã từng có khá nhiều xáo trộn khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Mọi hoạt động làm việc và học tập đều chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thời gian đầu, các thành viên trong gia đình đều có cảm giác khác lạ nhưng rồi niềm vui, tình cảm gia đình đã trở nên khăng khít khi mọi người được ở bên nhau nhiều hơn. Chị Hà chia sẻ, ngoài những lúc giúp các cháu học online tại nhà, gia đình có thời gian gần gũi nhau hơn, cùng nhau nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa. Nhà tôi lại có khu vườn rau trên sân thượng; thực hiện khuyến cáo hạn chế ra ngoài để tránh nguy cơ dịch bệnh, tôi tranh thủ hướng dẫn con chăm sóc các loại rau, nhờ đó các con cũng có thêm hiểu biết và được trang bị những kỹ năng bổ ích.

Còn đối với chị Nguyễn Hà Thương ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương), dịch bệnh COVID-19 đã cho chị cơ hội để “sống chậm” và gắn bó nhiều hơn với cha mẹ. Từng đi du học nước ngoài và đang làm việc cho một công ty du lịch nhưng khi dịch COVID-19 tái bùng phát, chị Thương quyết định tạm nghỉ việc và về quê ở cùng cha mẹ. Ở bên gia đình, người thân, chị Thương như được sống lại những tháng ngày thơ ấu và cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của cuộc sống gia đình. “Nói thật, những năm trước khi chưa có dịch, tôi nghĩ cứ cố gắng đi làm rồi mỗi tháng gửi về cho cha mẹ vài triệu là đủ. Nhưng giờ có nhiều thời gian ở bên gia đình, tôi nhận ra một điều, cuộc sống không chỉ có công việc, cha mẹ không chỉ cần tiền mà quan trọng hơn đó là sự quan tâm, tình cảm của các con đối với những bậc sinh thành, nhất là khi họ đã ở tuổi xế chiều”, chị Nguyễn Hà Thương xúc động chia sẻ.

Đây chỉ là một số ví dụ nổi bật về sự gắn kết gia đình trong mùa dịch COVID-19. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, có nhiều thời điểm, tất cả các trường học đều cho học sinh nghỉ học và thực hiện học trực tuyến tại nhà. Nhiều cơ quan, công ty cũng tổ chức cho cán bộ, nhân viên làm việc trực tuyến. Khách quan nhìn nhận, để thích ứng với dịch bệnh COVID-19, làm việc ở nhà có thể khiến cho nhiều người cảm giác bận hơn nhiều so với làm việc tại cơ quan. Bởi vừa phải tập trung vào công việc, vừa lo hướng dẫn con cái học hành; vừa phải làm công việc nhà, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa... Tuy nhiên, chính khoảng thời gian đó cũng đã giúp cho các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau nhiều hơn, con cái hiểu thêm về công việc của bố mẹ; cha mẹ quan tâm, gần gũi con hơn; vợ chồng đặt mình vào địa vị của nhau và thông cảm, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Mỗi người dường như có trách nhiệm hơn với tổ ấm của mình.

Dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế đó là dịch COVID-19 đã gây ra những xáo trộn không nhỏ trong đời sống xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình. Việc phòng, chống, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 là trách nhiệm chung của mọi người, của toàn xã hội. Song ở góc nhìn khác, dịch bệnh cũng là cơ hội để nhiều người tìm về với giá trị gia đình, sưởi ấm tình cảm gia đình thiêng liêng, và có thời gian gần gũi với cha mẹ, con cái... Những việc vốn bình dị nhưng trong ngày thường bận rộn, không phải ai cũng có thể làm được.

Và vì vậy, chính trong dịch bệnh COVID-19, khi có nhiều thời gian dành cho gia đình thì mỗi chúng ta như có thêm cơ hội để tự nhìn nhận lại bản thân, thêm trân trọng những giá trị cốt lõi của cuộc sống, cùng sẻ chia yêu thương và gắn bó nhiều hơn với gia đình của chính bản thân mình./.

Bài, ảnh: Phạm Minh Hà

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/gan-ket-gia-dinh-nhin-tu-dich-covid-19-575474.html