Gắn kết của gia đình trong xã hội hiện đại

Hiện nay, trong những gia đình sống ở thành phố và vùng đô thị hóa, mối quan hệ giữa các thành viên đang trở nên lỏng lẻo. Minh chứng rõ ràng nhất là sự thiếu vắng những bữa cơm gia đình.

Gia tăng khoảng cách

Hiện nay, trong những gia đình sống ở thành phố và vùng đô thị hóa, mối quan hệ giữa các thành viên đang trở nên lỏng lẻo. Minh chứng rõ ràng nhất là sự thiếu vắng những bữa cơm gia đình. Khi nói về gia đình mình, bà Lê Mỹ Oanh (65 tuổi, TP. Nha Trang) cho biết: “Vợ chồng đứa con đi làm đến tối mới về. 2 đứa cháu thì chạy đua với giờ giấc học hành, rồi đi chơi với bạn bè. Bữa cơm gia đình bây giờ trở nên vắng vẻ”. Giây phút bên nhau của các thành viên trong gia đình ít ỏi đến lạ lùng. Không còn tiếng cười rộn rã bên mâm cơm chiều, những hoạt động chung trong gia đình như cùng nhau xem tivi, trò chuyện cũng thưa dần. “Nhà lúc nào cũng vắng hoe, buồn lắm! Ở chung một mái nhà nhưng chẳng hiểu nhau là bao”, bà Oanh nói.

Bà Ngô Thị Lan (60 tuổi) sống chung với 2 con và 2 đứa cháu đang học tiểu học. Bà kể: Thường ngày, sau giờ cơm tối, hai đứa trẻ nếu không phải học bài thì sẽ ngồi ở phòng khách với bố mẹ. Có lẽ chúng muốn được trò chuyện với mẹ, chơi đùa với bố. Nhưng lúc đó, mẹ chúng còn đang mải tám chuyện với bạn bè trên facebook hay lướt web, còn bố chúng cũng đang “cắm mặt” vào smartphone chơi game. Nhìn hai đứa phụng phịu, bố mẹ lại đưa cho chúng cái máy tính bảng. Cảnh ấy cứ thế lặp đi lặp lại trong nhịp sống hàng ngày của gia đình bà Lan...

 Cha mẹ nên cùng con chơi đùa, học tập để trẻ được phát triển trong một gia đình trọn vẹn.

Cha mẹ nên cùng con chơi đùa, học tập để trẻ được phát triển trong một gia đình trọn vẹn.

Đây cũng là nỗi niềm chung của nhiều gia đình giữa nhịp sống hiện đại vội vã, tất bật. Sau bữa cơm, con trẻ lao nhanh vào phòng nghe nhạc, chơi game, chat với bạn bè…; cha mẹ thì tiếp tục hành trình mưu sinh, họp hành, giao tiếp với đối tác... Ngôi nhà dường như đơn thuần là nơi tạm trú của một nhóm người có chung máu mủ ruột rà. Sự gắn kết chỉ dừng ở mức dùng chung một đường truyền Internet, một chiếc tivi, một chiếc tủ lạnh... Mối quan hệ thương yêu, gần gũi giữa từng thành viên không được củng cố, gây ra nhiều hệ lụy. Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao cho rằng: Thực trạng của các gia đình hiện đại là họ “sống nhanh” khiến các thành viên có xu hướng cá nhân hóa, gia tăng khoảng cách thế hệ. Sự quan tâm, chia sẻ - giá trị căn bản nhất của gia đình Việt Nam bị nhạt dần.

Đừng để đánh rơi những nhịp yêu thương

Tuy nhịp sống hiện đại ảnh hưởng nhiều đến giá trị cốt lõi của gia đình, nhưng cũng có nhiều gia đình, mỗi cá nhân phải làm chủ bản thân để cân bằng cuộc sống, vừa làm tốt công việc vừa vun đắp hạnh phúc gia đình. Điển hình như chị Nguyễn Mai Loan (đường Điện Biên Phủ, TP. Nha Trang) có chồng làm nghề xây dựng, thường xuyên vắng nhà. Chị trở thành hậu phương vững chắc khi luôn chu toàn việc chăm sóc 2 con gái và vun vén hạnh phúc gia đình. Khi anh về, cả nhà lại cùng nhau đi ăn sáng, uống cà phê và leo núi để rèn luyện sức khỏe. Chị còn quán xuyến cả việc đối nội, đối ngoại thay chồng. “Chồng đi làm xa dài ngày, công việc vất vả, lại thiếu thốn tình cảm gia đình nên tôi phải lo chu toàn mọi việc, là “hậu phương” vững chắc để anh yên tâm”, chị Loan chia sẻ.

Dẫu vậy, trong xã hội phát triển không ngừng, con cái lớn lên rồi sẽ bị cuốn vào vòng xoay cuộc sống, vô tình quên đi giá trị thật sự và duy nhất mà đấng sinh thành mong đợi. Bà Oanh cho biết: “Tôi chẳng cần con cái phải chu cấp đầy đủ vật chất gì cho tôi cả. Tôi chỉ mong mỗi ngày vợ chồng nó dành chút thời gian để cùng ăn cơm, trò chuyện với tôi và các con là tôi thấy mãn nguyện lắm rồi”.

Ngày nay, ở nhiều gia đình hiện đại, bữa cơm sum họp quý giá dường như đang ngày càng vắng bóng. Khi thời gian dành cho nhau ngày càng ít đi, việc tìm được tiếng nói chung giữa các thành viên trong gia đình sẽ càng khó khăn hơn. Khoảng cách giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái ngày càng rộng hơn. “Các gia đình cần tạo sự gắn kết bằng nhiều cách như: Tổ chức những chuyến dã ngoại, du lịch để tạo không khí thoải mái, vui vẻ cho các thành viên. Người vợ nên chăm chút cho bữa cơm gia đình ấm cúng. Vợ chồng cần dành thời gian trò chuyện với ông bà, con cái nhiều hơn để chia sẻ chuyện buồn vui trong công việc và cuộc sống, từ đó thêm hiểu, thêm yêu nhau hơn và xây dựng hạnh phúc bền chặt”, ông Lê Văn Hoa nói.

Nhịp sống bận rộn và hối hả đang cuốn đi hàng ngày, đừng để đánh rơi bất kỳ nhịp yêu thương nào. Dù thế nào đi nữa, gia đình vẫn là chốn yêu thương, là nơi quay về của mỗi người.

THANH TRÚC

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/202006/gan-ket-cua-gia-dinh-trong-xa-hoi-hien-dai-8167910/