Gần gũi với cây cối, đồng ruộng

Xuất thân từ mảnh đất thuần nông, GS.TS Nguyễn Thị Lan, GĐ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Hiệp hội Thú y châu Á đã dành trọn niềm đam mê của mình cho cây cối, đồng ruộng, vật nuôi… đóng góp chung cho công cuộc xây dựng đất nước.

GS.TS Nguyễn Thị Lan sinh ra trên mảnh đất thuần nông huyện Thạch Thất (Hà Nội), ngay từ nhỏ, Nguyễn Thị Lan đã được tiếp xúc và gần gũi với cây cối, đồng ruộng. Trên từng bước đường trưởng thành, niềm yêu thích, rồi gắn bó với nghề nông như mối duyên nghiệp của cuộc đời, GS Nguyễn Thị Lan đã gặt hái nhiều thành công, một vai gánh vác việc nước, việc nhà, việc làm khoa học, với cô đó là tình yêu với nghề, tình yêu cuộc sống, con người.

Tốt nghiệp phổ thông (1990), trong khi nhiều bạn cùng trang lứa đang phân vân chọn hướng đi, Nguyễn Thị Lan quyết tâm thi và đỗ vào trường ĐH Nông nghiệp I, và chọn học ngành Thú y, chỉ với mong ước giản đơn được trở thành bác sĩ thú y, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm. Trong quá trình học tập, được thầy cô dìu dắt, chỉ bảo, truyền cảm hứng, niềm yêu thích nghề thú y của Nguyễn Thị Lan ngày càng được nuôi dưỡng.

GS.TS Nguyễn Thị Lan trong một buổi chia sẻ kiến thức về dịch tả lợn châu Phi trên truyền hình. (Ảnh: T.Liên)

GS.TS Nguyễn Thị Lan trong một buổi chia sẻ kiến thức về dịch tả lợn châu Phi trên truyền hình. (Ảnh: T.Liên)

Năm 1995, sinh viên Nguyễn Thị Lan tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp I, được giữ lại trường công tác tại khoa Thú y. Ngay từ những ngày đầu đứng trên bục giảng, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Lan đã ý thức được tầm quan trọng của nghiên cứu, gắn nghiên cứu với thực tiễn.

Trong điều kiện trang thiết bị thí nghiệm còn hạn chế, chị tự mày mò, trau dồi kiến thức, trao đổi với đồng nghiệp để đổi mới phương pháp giảng dạy. Cô Lan chia sẻ: “Lúc đó, tôi đã tâm niệm phải cố gắng phấn đấu nâng cao năng lực và kiến thức, truyền được cảm hứng cho các em sinh viên để không phụ công các thầy cô giáo dìu dắt tôi trước đây”.

Sau 7 năm làm việc, nhờ nỗ lực phấn đấu và không ngừng học hỏi, giảng viên Nguyễn Thị Lan đã vượt qua kỳ thi tuyển và được Chính phủ Nhật cấp học bổng nghiên cứu sinh tại trường ĐH Miyazzaki, Nhật Bản. Về nước năm 2007, mang theo hoài bão nghiên cứu để đóng góp cho thực tiễn, lan tỏa những kiến thức được học tại Nhật, TS Nguyễn Thị Lan hăm hở lao vào công việc.

Nhưng lúc đó, chị lại vấp phải khó khăn, thiếu thốn về điều kiện trang thiết bị, phòng thí nghiệm đạt chuẩn, chưa được xây dựng, đề tài nghiên cứu về thú y rất ít và kinh phí hạn chế. Trước tình hình đó, TS Nguyễn Thị Lan đưa ra những đề xuất nghiên cứu gửi ban lãnh đạo khoa Thú y, trường ĐH Nông nghiệp và các cấp liên quan.

Năm 2008, dịch lợn tai xanh bùng phát trên diện rộng ở nước ta, đặt ra thách thức đối với những người nghiên cứu phải tìm ra cách phòng và chữa bệnh. TS Nguyễn Thị Lan đã đề xuất nghiên cứu để tìm cách chẩn đoán phát hiện bệnh tai xanh sớm trên lợn. Và năm 2009, TS Nguyễn Thị Lan được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm Đề tài độc lập cấp Nhà nước Nghiên cứu công nghệ chế tạo bộ chẩn đoán nhanh hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản (PRRS) trên lợn.

Sau 2 năm thực hiện, nhóm nghiên cứu đã thu thập được 986 mẫu lợn mắc bệnh tai xanh, lựa chọn được dòng tế bào Marc-145 để phân lập được 20 chủng vi-rút tai xanh, trong đó có 6 chủng đạt hiệu giá cao, ổn định về đặc tính sinh học và đặc tính di truyền làm nguyên liệu để sản xuất bộ chuẩn đoán và phục vụ các nghiên cứu chuyên sâu khác về bệnh tai xanh ở lợn.

Bộ chuẩn đoán đã được sử dụng thử nghiệm tại một số tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương đem lại hiệu quả tốt. Đồng thời, công nghệ chế tạo bộ chuẩn đoán cũng được chuyển giao cho các DN sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm.

Tính đến thời điểm hiện tại, GS.TS Nguyễn Thị Lan đã chủ trì và tham gia 22 đề tài khoa học công nghệ các cấp, đăng 105 bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm công nghệ từ các đề tài do chị chủ nhiệm đã được công nhận và chuyển giao như “Kháng thể đơn dòng chẩn đoán đặc hiệu bệnh Care ở chó”, “Vắc-xin phòng bệnh Care ở chó”, “Chế phẩm vi sinh vật sử dụng trong chăn nuôi”...

Trong quá trình làm việc, đặc biệt từ khi được giao trọng trách Phó trưởng khoa Thú y kiêm Trưởng phòng thí nghiệm của khoa (2012-2015), đến khi được bổ nhiệm GĐ Học viện Nông nghiệp Việt Nam (từ 2015), GS.TS Nguyễn Thị Lan luôn hướng đến mục tiêu “Nghiên cứu là sức sống của trường ĐH”. Mặc dù đảm nhiệm rất nhiều công việc, nhưng GS.TS Nguyễn Thị Lan vẫn dành thời gian trao đổi, lắng nghe, tư vấn, định hướng học tập và động viên kịp thời đối với sinh viên.

Cô hào hứng cho biết: “Hầu như năm nào, tôi cũng trực tiếp hướng dẫn một vài nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, sắp xếp dành rất nhiều thời gian cho các em. Tôi cảm thấy rất say sưa khi thấy các em rất thú vị với nhiều ý tưởng hay”. Cô đã trực tiếp hướng dẫn 7 nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (viết tắt là Vifotec).

Trong vai trò đại biểu Quốc hội khóa XIV thuộc đoàn đại biểu TP Hà Nội, ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, cô đã đóng góp những ý kiến sâu sắc đối với các vấn đề liên quan đến luật giáo dục, luật đào tạo ĐH, luật chăn nuôi, luật trồng trọt, luật chuyển giao công nghệ… để có những chính sách sửa đổi phù hợp với tình hình thực tế.

Ở tuổi 45, GS.TS Nguyễn Thị Lan là nhà khoa học nữ được phong hàm GS trẻ nhất trong lịch sử Học viện Nông nghiệp Việt Nam và ngành Thú y, GS danh dự của ĐH Yamaguch (Nhật Bản), GS thỉnh giảng ĐH Miyazaki (Nhật Bản) và gần đây nhất là người phụ nữ trẻ nhất nhận được Giải thưởng Kovalevskaia.

Tất cả những thành công trên được GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết: “Tôi may mắn có gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và mọi người xung quanh cảm thông, chia sẻ. Đó là sự khích lệ, động viên to lớn để tôi luôn tâm niệm phải cố gắng hơn nữa trong công việc và cuộc sống…”

Thủy Liên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/gan-gui-voi-cay-coi-dong-ruong-142418.html