Gần dân, hiểu dân để lo cho dân

Trong năm qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang đã triển khai đồng bộ, hiệu quả việc phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ dân ở khu vực biên giới. Đảng viên các đồn Biên phòng luôn chủ động nắm tình hình mọi mặt đối với các gia đình được phân công phụ trách, thực hiện phương châm 'Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin' để chăm lo cho người dân vùng biên giới.

Đảng viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương luôn gần gũi, động viên gia đình bà Lê Thị Lá. Ảnh: Chiến Khu

Đảng viên Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương luôn gần gũi, động viên gia đình bà Lê Thị Lá. Ảnh: Chiến Khu

Đã thành thông lệ, hằng tuần, Trung úy Trần Viết Dương, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đều tới thăm gia đình bà Lê Thị Lá, trú tại ấp Phú Yên, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu. Gia đình bà Lá thuộc diện hộ nghèo, kinh tế khó khăn, nghề nghiệp không ổn định.

Sau khi được Đảng ủy Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương phân công phụ trách, Trung úy Dương thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế, đồng thời tham mưu cho chỉ huy đơn vị hỗ trợ gia đình bà mỗi tháng 10kg gạo từ chương trình “Hũ gạo tình thương”. Cháu Đinh Văn Tuấn (con bà Lá) được đơn vị nhận đỡ đầu theo chương trình “Nâng bước em tới trường”, với số tiền 500 nghìn đồng/tháng.

Trung úy Dương đã nghiên cứu phương pháp nuôi lươn để hướng dẫn gia đình bà Lá có sinh kế lâu dài. Hiện nay, bà Lá đã xây dựng được 2 bể nuôi lươn góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Nhờ đó, gia đình bà Lê Thị Lá, từ một hộ nghèo, kinh tế khó khăn, nay đã từng bước phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Tại ấp Vĩnh Hòa, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, Trung úy Sa Minh Quân, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng được cấp ủy Đồn Biên phòng Lạc Quới phân công giúp đỡ gia đình bà Trần Thị Nhứt (77 tuổi). Bà Nhứt thuộc diện neo đơn, già yếu, một mình nuôi dưỡng cháu ngoại là Nguyễn Văn Duy Chương, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Lạc Quới. Chia sẻ với khó khăn của hai bà cháu, đơn vị đã nhận cháu Chương làm con nuôi. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị còn lập một sổ tiết kiệm cho cháu, mỗi tháng tiết kiệm 1,1 triệu đồng để đến năm 18 tuổi trao cho cháu làm vốn tiếp tục học tập hoặc lập nghiệp. Đơn vị còn trích từ “Hũ gạo tình thương” hỗ trợ bà Nhứt mỗi tháng 10kg gạo. Không chỉ có vậy, hằng ngày, đơn vị còn mua thực phẩm để hỗ trợ bữa ăn cho bà.

Trước nghĩa cử cao đẹp của Đồn Biên phòng Lạc Quới, bà Nhứt xúc động chia sẻ: “Bà cháu tôi có ngày hôm nay đều nhờ các chú Biên phòng. Các chú đã chăm lo cho bà cháu tôi như người thân trong gia đình. Được các chú giúp đỡ, tương lai của cháu tôi tươi sáng rồi. Tôi rất mãn nguyện!”.

Chúng tôi được biết, đảng viên các đồn Biên phòng khi được phân công phụ trách các gia đình đã nêu cao vai trò, trách nhiệm, giúp đỡ các hộ dân về mọi mặt. Ban đầu, trong số các gia đình do đảng viên Biên phòng phụ trách có 527 hộ nghèo và 184 hộ cận nghèo. Qua 1 năm, được sự gần gũi, động viên, giúp đỡ của các đảng viên đồn Biên phòng, hiện nay, số hộ nghèo giảm còn 514 hộ, hộ cận nghèo giảm còn 176 hộ.

Thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU ngày 8-10-2018 của Đảng ủy BĐBP về việc “Phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”, BĐBP An Giang đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền 18 xã, phường, thị trấn biên giới tiến hành khảo sát, lựa chọn các hộ dân thuộc các đối tượng, địa bàn cần tập trung phụ trách. Đồng thời, Đảng ủy BĐBP tỉnh đã phân công 243 đảng viên tại 11 đồn Biên phòng biên giới phụ trách, giúp đỡ, hỗ trợ 1.150 hộ gia đình ở khu vực biên giới.

Thiếu tá Lâm Phước Sang, Phó Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nhơn Hưng được phân công phụ trách 5 gia đình thuộc xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên. Anh chia sẻ: “Bản thân tôi tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các gia đình thực hiện nếp sống văn minh, đặc biệt là trong việc hiếu, việc hỉ; từng bước đẩy lùi các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng địa phương, đơn vị, vùng biên giới vững mạnh; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong thời gian qua, nhiều gia đình đã vươn lên đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, góp phần xây dựng 32 khóm, ấp đạt chuẩn “Điểm sáng văn hóa biên giới”.

Chính sự gần gũi, thấu hiểu người dân, để chăm lo mọi mặt cho người dân, các đảng viên mang quân hàm xanh nơi biên giới An Giang đã chiếm trọn sự tin tưởng, yêu mến của chính quyền và nhân dân nơi đây. Tấm chân tình, bầu nhiệt huyết của họ đã giúp đời sống nhân dân trên địa bàn từng bước phát triển, góp phần tô đậm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng dân, là động lực tiếp sức cho các đảng viên Biên phòng cùng nhân dân quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Chiến Khu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/gan-dan-hieu-dan-de-lo-cho-dan/