Gắn chuyển đổi đất nông nghiệp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đô thị

Phát biểu tại kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM vừa diễn ra, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Chính phủ đã đồng ý cho TPHCM chuyển khoảng 26.000ha đất nông nghiệp sang đất sử dụng cho mục đích công nghiệp và dịch vụ.

Quận 2 sẽ là đô thị sáng tạo của TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Nếu việc chuyển đổi được thực hiện qua đấu giá, dự kiến thu về 1,5 triệu tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn vốn lớn để TPHCM phát triển kinh tế, thực hiện các chương trình chống ngập nước, kẹt xe… GS-TS Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, thành phố và để việc chuyển đổi này đạt hiệu quả cao, TPHCM nên gắn với việc thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị và các chính sách an sinh xã hội. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với GS-TS Nguyễn Trọng Hòa về vấn đề này.

Khai thác hiệu quả tài nguyên đất

PV: Thưa ông, tại sao ông lại có đề xuất này?

GS-TS Nguyễn Trọng Hòa: Như Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu, nguồn lực đất đai của TP dành cho công nghiệp, dịch vụ đô thị chưa tương xứng, trong khi đó nguồn lực đất đai dành cho nông nghiệp còn nhiều nhưng chưa được khai thác hiệu quả. TP kiến nghị giảm tỷ lệ đất nông nghiệp và tăng đất cho công nghiệp nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP tốt hơn. Do vậy, để có cơ sở xác định khu vực nào, đất nông nghiệp ở đâu cần chuyển đổi thì phải gắn việc này với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển không gian đô thị. Ví dụ, những khu vực được quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội xác định là phát triển công nghiệp thì mới chuyển đổi đất nông nghiệp ở đó thành đất công nghiệp. Khu vực nào xác định phát triển dịch vụ thì chuyển đất nông nghiệp ở đây thành đất dịch vụ. Tương tự, việc phát triển đô thị ở đâu thì mới cho chuyển đổi đất nông nghiệp ở đấy thành đất đô thị… Phải tích hợp đồng bộ các quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất… thì mới sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên của TP, trong đó có tài nguyên đất.

Nhưng TPHCM đang xem xét điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung xây dựng đô thị trong khi kế hoạch đến năm 2020 TP đã chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp?

° Theo cách hiểu của tôi, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để thực hiện kế hoạch chuyển đổi này vì hầu hết quỹ đất nông nghiệp đã nằm trong ranh giới các khu đô thị được xác định trong lần điều chỉnh “Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025” được phê duyệt năm 2010 như đô thị cảng Hiệp Phước, Tây Bắc Củ Chi, Bình Quới - Thanh Đa... Chỉ khác là trước đây TP xin chuyển đổi cho từng dự án, còn lần này chúng ta công khai - minh bạch và rõ ràng hơn là xin chuyển đổi toàn bộ rồi mới đấu giá đất cho từng dự án. Do vậy, việc gắn kế hoạch chuyển đổi đất nông nghiệp với việc điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung xây dựng TPHCM không tạo ra những thay đổi lớn mà chỉ tốt hơn thôi.

Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch chung xây dựng TPHCM đề cập đến rất nhiều mục tiêu và định hướng phát triển cho TP. Gắn các mục tiêu này với quy hoạch sử dụng đất và việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất đô thị phục vụ phát triển công nghiệp, dịch vụ… Theo ông, có nên ưu tiên chọn thực hiện trước một số chương trình? Hay đồng loạt chuyển đổi đất để đến năm 2020 đạt con số như kế hoạch?

° Nên đầu tư có trọng tâm để vừa đạt được mục tiêu phát triển vừa tiết kiệm đất và vừa sử dụng đất có hiệu quả. Nhất thiết phải thông qua đấu giá để tìm được nhà đầu tư cụ thể cho từng dự án. Theo tôi, từ nay đến năm 2020, TPHCM nên tập trung cho việc phát triển Khu đô thị sáng tạo bao gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức. Quyết định xây dựng Khu đô thị sáng tạo là quyết định mang tầm nhìn chiến lược của thế hệ lãnh đạo mới TP, bởi bằng quyết định này, chúng ta sẽ nâng giá trị phát triển cho TP từ “lượng” sang phát triển về “chất”. Với thực trạng “đất chật, người đông”, TPHCM không thể “chạy đua” phát triển dàn trải như nhiều tỉnh, thành khác. Do vậy, đầu tư phát triển những ngành nghề có giá trị gia tăng cao, không tốn quá nhiều đất là quyết định đúng đắn. Chưa kể, nơi đây đã được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khá tốt, có khu đại học quốc gia, khu công nghệ cao… và gắn kết với trục phát triển kinh tế năng động nhất nước: vùng Đông Nam bộ. Trên tinh thần này, TPHCM nên xem xét, ưu tiên chuyển đổi đất nông nghiệp ở đây để phục vụ cho phát triển.

Cân nhắc nhiều vấn đề khi đền bù cho dân

Chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, dịch vụ, nếu không phải là đất công thì phải đền bù cho người dân. Thời gian qua, vì nhiều lý do mà chủ yếu là vướng quy hoạch, nhiều người dân không được chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất xây dựng dù thực tế khu vực đó đã đô thị hóa… Vậy theo ông, TP nên đền bù cho người dân như thế nào để vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân vừa tạo điều kiện cho TP phát triển?

° Theo tôi, trên tinh thần của Đảng và Nhà nước: đảm bảo cho người dân phải di dời giải tỏa có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, TPHCM phải tìm ra phương thức đền bù cho dân hợp tình, hợp lý. Ở những khu đất nông nghiệp chuyển đổi làm đất công nghiệp, dịch vụ thì đền bù bằng tiền cho dân nhưng ở những khu vực chuyển đổi thành đất phát triển đô thị, xây dựng nhà ở thì phải tạo điều kiện cho người dân được tái định cư tại chỗ. Khi tính toán, bồi thường cho người dân nên tính đến yếu tố vì vướng quy hoạch nên người dân đã không thể chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất xây dựng hoặc không thể hoàn thiện giấy tờ nhà, đất như quy định.

Thời gian qua, tôi thấy ở một số nơi, vì vướng quy hoạch, người dân không những không được xây, sửa nhà hoặc nếu được xây sửa nhà thì chỉ được làm tạm với cam kết phải tự tháo dỡ, không được bồi thường về chi phí xây, sửa và không được làm giấy tờ nhà đất…. Vậy mà khi đền bù, giải tỏa, lấy lý do nhà, đất không có giấy tờ hoàn chỉnh, nhiều chủ đầu tư đã không đền bù hợp lý cho người dân. Người dân đã khó lại càng khó hơn. Về phía TP, đã có rất nhiều công trình phát triển hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật chậm tiến độ vì vướng đền bù (do người dân không đồng thuận với chính sách đền bù). TPHCM nên cân nhắc đến thực tế này, tính đầy đủ các thiệt hại do công trình chậm tiến độ gây ra để có giải pháp đền bù hiệu quả hơn.

° Một câu hỏi cuối, TPHCM còn nhiều khu đất công sử dụng chưa hiệu quả. Theo ông có nên ưu tiên đưa các khu đất công này ra đấu giá, để có nguồn vốn xử lý các vấn nạn ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường… thay vì chuyển đổi đất nông nghiệp của dân?

° Sử dụng hiệu quả hơn đất công không chỉ là việc nên làm mà cần phải làm, bắt buộc phải làm. HĐND TPHCM đã có đợt giám sát chuyên đề về sử dụng đất công. Qua việc này cho thấy TPHCM đã quyết tâm chấn chỉnh những bất cập trong sử dụng đất công và đưa nguồn tài nguyên này vào khai thác để phục vụ cho việc phát triển TP. Còn việc chuyển đổi đất nông nghiệp, phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị. Nếu cần thiết, phải làm vì sự phát triển của TP.

NGUYỄN KHOA

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/gan-chuyen-doi-dat-nong-nghiep-voi-quy-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-va-do-thi-532919.html