Gắn bó trọn đời với nghề giáo, ước mơ sau cùng của thầy Mai Văn Vân là ngôi trường mình dạy sẽ đạt chuẩn quốc gia

Trong buổi gặp gỡ, tri ân các nhà giáo tiêu biểu trên mọi miền Tổ quốc, những hình ảnh, việc làm và những lời chia sẻ của các thầy cô giáo đến từ mọi miền Tổ quốc đã khiến khán giả không khỏi xúc động và suy nghĩ về một nghề cao quý nhưng đầy nhọc nhằn.

Kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2018), Chương trình "Thay lời tri ân" tôn vinh những hành động, hình ảnh đẹp của các thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Đài truyền hình Việt Nam tổ chức nhằm ghi nhận, tôn vinh những Nhà giáo, những người đã hy sinh bản thân, vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn để đóng góp cho sự thành công của sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Phát biểu khai mạc chương trình, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc tới những thành tích mà ngành Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời dành những lời chia sẻ, tri ân và chúc mừng tới các thầy cô giáo, những người đã tận tâm cống hiến, vì sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Sau 5 năm thực hiện đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, ngành Giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Hầu hết các tỉnh thành đều đạt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở; giáo dục phổ thông đã có bước chuyển quan trọng từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất dạy làm người. Chất lượng giáo dục phổ thông được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao thông qua kết quả đánh giá PISA và số lượng học sinh đạt huy chương Olympic quốc tế tăng đều hàng năm. Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện, lần đầu tiên Việt Nam có 2 trường đại học nằm trong nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất trên thế giới, giáo dục thường xuyên, giáo dục cho người lớn được quan tâm hơn.

Bộ trưởng cho biết, đóng góp vào thành tích chung của Ngành chính là sự tận tụy, trách nhiệm, cống hiến hết mình của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên trong ngành, những con người đảm đương sứ mệnh tiên phong và lực lượng quyết định thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Dù ở đâu, vào thời điểm nào, nghề giáo luôn là nghề cao quý và người thầy luôn giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo.

Có mặt trong chương trình là những giáo viên giỏi, những gương mặt tiêu biểu nhất trong phong trào thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy học và nghiên cứu khoa học. Các thầy cô giáo đại diện cho hàng triệu nhà giáo ở khắp mọi miền đất nước đang ngày đêm tận tụy, thầm lặng cống hiến vì sự nghiệp giáo dục.

Bộ trưởng bày tỏ sự xúc động và trân trọng những thầy cô ở vùng khó khăn, thiếu thốn đủ bề vẫn cố gắng gieo chữ, vừa là thầy cô, vừa là cha mẹ, chăm sóc dạy dỗ các em. Bộ trưởng khẳng định, đội ngũ nhà giáo luôn là lực lượng then chốt quyết định sự thành công của sự nghiệp giáo dục, con đường đổi mới đang ở những bước đầu, phía trước còn nhiều gian khó, mong các thầy cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên toàn ngành giữ vững tinh thần kiên định vượt qua khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, say mê nghề nghiệp, thực sự là những tấm gương về đạo đức, tự học, sáng tạo góp phần thực hiện thành công sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước nhà.

Cũng trong buổi gặp gỡ, tri ân các nhà giáo đầy xúc động, những hình ảnh, việc làm và những lời chia sẻ của các thầy cô giáo tiêu biểu đến từ mọi miền Tổ quốc đã khiến khán giả không khỏi suy nghĩ.

Thầy giáo Nguyễn Quang Diện (ảnh: VTV)

Ngay đầu năm học mới này, hẳn mọi người không thể quên được những hình ảnh của thầy giáo Nguyễn Quang Diện, Hiệu trưởng và các thầy giáo Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học An Lương huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái gùi những bao tải lương thực, thực phẩm trên vai, các thầy đã cố gắng vận chuyển được hơn 2 tấn lương thực, thực phẩm, vượt qua chặng đường núi cao hiểm trở 17km đầy khó khăn do hậu quả của mưa lũ, sạt lở… mang vào trường, chuẩn bị cho các em ăn ở bán trú tại trường. Với những người thầy này, họ chỉ nghĩ đến một điều làm thế nào để các em học sinh thân yêu sẽ có cơm ăn, áo mặc trong năm học mới.

Trong năm qua, hình ảnh những học sinh Việt Nam giành được thành tích cao trong các cuộc thi Olympic quốc tế cũng được báo chí đăng tải. Đóng góp vào thành tích đó là những người thầy đã không quản công sức tìm kiếm những gương mặt học sinh giỏi, bồi dưỡng kiến thức để các em tham gia những cuộc thi và đạt được những thành tích cao. Thầy giáo Trần Văn Nga, Phó Hiệu trưởng trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An- người đã nhiều năm cống hiến, nhiều năm kinh nghiệm đưa các học sinh dự thi các cuộc thi trong khu vực và quốc tế, giành được nhiều giải thưởng là tấm gương tiêu biểu cho sự hy sinh của các thầy. Chính sự tận tâm quan tâm tới đời sống, học tập của học sinh đã khích lệ, truyền lửa cho các em đạt được các thành tích cao.

Thầy giáo Lưu Văn Hóa- một giáo viên cắm bản, tại điểm trường Nóc Ông Ruộng thuộc trường Tiểu học Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cũng là một thầy giáo tiêu biểu cho sự hy sinh vì sự nghiệp giáo dục đào tạo. Thầy đã vì sự nghiệp đem con chữ tới vùng cao, dạy học cho các em nhỏ dân tộc Ca Dong mà quên đi hạnh phúc riêng của bản thân mình. Tới nay thầy đã 53 tuổi, với thời gian gắn bó với sự nghiệp giáo dục 20 năm, nhiều lúc thầy cũng cảm thấy buồn nhưng niềm vui được học trò đi học đều, đi học chăm chính là những món quà, niềm động viên tinh thần lớn nhất dành cho thầy Hóa.

Thầy giáo Mai Văn Vân (ảnh: VTV)

Gắn bó gần 40 năm với mảnh đất Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, thầy giáo Mai Văn Vân (trường THPT Đoàn Văn Tố) nói, Nhà trường chính là ngôi nhà thân thương nhất của tôi, thầy cũng nhắn tâm nguyện của mình với gia đình, "Mai này khi tôi không còn nữa, hãy đưa tôi qua ngôi nhà thân thương của mình trước khi về với đất mẹ!".

Thầy Vân chính là hình ảnh về người thầy đã dành trọn đời dành cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Ngay khi ra trường, thầy đã đến với mảnh đất này khi ở đây chưa có trường cấp 2 nào, và thầy Vân chính là người đầu tiên đến đây để lập trường, lập lớp dạy các học sinh lớp 6. Trong điều kiện nơi đây chỉ là một vùng đất trắng, không đường, không trường, không điện, không nước… thầy đã phải cùng với các em học sinh và phụ huynh học sinh bắt đầu dựng lớp, làm bàn, ghế từ những thân cây bưởi thành một lớp học rất đầm ấm. Chính sự yêu nghề, mến trẻ đã mang đến nghị lực cho một thầy giáo trẻ vừa mới ra trường.

Sau năm học đầu tiên năm 1981-1982 chỉ có 1 lớp 6, đến giờ trên mảnh đất ấy đã có 3 ngôi trường THCS và 2 trường THPT. Thầy Vân chia sẻ, gần cuối sự nghiệp giảng dạy của mình, mơ ước sau cùng của thầy là ngôi trường mà thầy giảng dạy sẽ đạt chuẩn quốc gia, để cho các em học sinh có thể yên tâm học tập.

Minh Vy

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/gan-bo-tron-doi-voi-nghe-giao-uoc-mo-sau-cung-cua-thay-mai-van-van-la-ngoi-truong-minh-day-se-dat-chuan-quoc-gia-20181119114740452.htm