Gắn bảo tồn sinh học với du lịch sinh thái

Để có thể duy trì việc bảo tồn đa dạng sinh học cùng với phát triển du lịch, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, cần có sự tham gia tích cực của toàn thể cộng đồng trong xã hội và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế...

Việt Nam có bờ biển dài khoảng 3.260 km, với vùng đặc quyền kinh tế khoảng 1 triệu km2 gồm hàng nghìn đảo lớn nhỏ. Cùng với đó là những đa dạng về địa hình, cảnh quan và khí hậu... tạo nên những hệ sinh thái rất phong phú và đặc sắc. Cả nước hiện có hơn 180 khu bảo tồn thiên nhiên. Ðây là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch sinh thái...

Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái

Tại Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch bền vững ở Việt Nam” được tổ chức tại TP. Đà Nẵng, ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đa dạng sinh học của Việt Nam có ý nghĩa to lớn trong đời sống tự nhiên và con người không chỉ ở phạm vi của quốc gia mà còn của toàn cầu. Các hệ sinh thái với các cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, sự phong phú và đa dạng của rừng, rạn san hô, thảm cỏ biển, các vùng đất ngập nước, các loài động vật...

Những giá trị này là nền tảng cho du lịch sinh thái phát triển. Đơn cử tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ở Quảng Bình, mỗi năm đã thu hút được gần 800 nghìn lượt du khách, đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 2,2 triệu USD/năm...

Trên thực tế, tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, đa dạng sinh học vốn là yếu tố tự nhiên quan trọng để phát triển những ngành kinh tế khác. Trong đó, có sự phát triển bền vững của ngành “công nghiệp không khói”. Các hệ sinh thái với các cảnh quan thiên nhiên, sự phong phú và đa dạng của rừng, rạn san hô, thảm cỏ biển, vùng đất ngập nước... luôn là điểm đến của nhiều du khách ưa khám phá. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, các vườn quốc gia và khu bảo tồn trong nước thu hút trên 30% lượng khách du lịch hàng năm.

Ở chiều ngược lại, du lịch dựa vào thiên nhiên góp phần bảo vệ môi trường, tạo sinh kế cho những người dân trực tiếp tham gia các dịch vụ. Hoạt động du lịch bền vững, lành mạnh góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị dịch vụ hệ sinh thái, giúp bảo vệ môi trường sống của con người, đảm bảo sự hài hòa về môi trường sống cho các loài động, thực vật.

Theo ông Axel van Trotsenburg - Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác phát triển du lịch không thể tách rời trong bối cảnh hiện nay. Phát triển du lịch bền vững không chỉ đem lại lợi ích cho quốc gia mà còn đóng góp vào sự phát triển đa dạng sinh học trên toàn cầu.

Nhận thức tầm quan trọng của đa dạng sinh học, các cơ quan chức năng ở Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đến nay, Việt Nam là thành viên của nhiều công ước, cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó có công ước đa dạng sinh học (CBD), công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR), công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITIES)...

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng ngày càng hoàn thiện. Việt Nam đã ban hành và triển khai các luật rất quan trọng để bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học như Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Thủy sản. Ngoài ra, còn có thể kể đến chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030...

Dù có nhiều nỗ lực, song thực tế trong công tác quản lý đa dạng sinh học và phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Rừng, các hệ sinh thái sông, hồ, đầm phá... tiếp tục bị đe dọa. Các hành vi khai thác, săn bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, nguy cấp vẫn đang diễn ra phức tạp. Đặc biệt, sự phát triển “nóng” của ngành du lịch đã tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái tự nhiên...

Bởi vậy, để có thể duy trì việc bảo tồn đa dạng sinh học cùng với phát triển du lịch, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, cần có sự tham gia tích cực của toàn thể cộng đồng trong xã hội và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Trong đó, tập trung phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên chú trọng đến phương án bảo tồn, phát huy vai trò của người dân lẫn cộng đồng doanh nghiệp.

Bài và ảnh Nghi Lộc

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/gan-bao-ton-sinh-hoc-voi-du-lich-sinh-thai-78020.html