Gần 900 nghìn sĩ tử bắt đầu 'vượt vũ môn'

Hôm nay (25/6), gần 900 nghìn sĩ tử bắt đầu bước vào Kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Đây là kỳ thi có ý nghĩa quan trọng vì kết quả vừa được dùng để xét tốt nghiệp vừa làm căn cứ để các trường đại học (ĐH), cao đẳng tuyển sinh. Ngày đầu tiên thí sinh dự thi 2 môn bắt buộc, sáng thi Ngữ văn, chiều thi Toán.

Thí sinh đến làm thủ tục thi tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội) trong chiều 24/6. Ảnh: Hải Hà

Thí sinh đến làm thủ tục thi tại điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội) trong chiều 24/6. Ảnh: Hải Hà

Thắt chặt công tác thanh tra

Gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đã gây rúng động toàn xã hội. Năm nay để hạn chế tối đa tiêu cực, công tác thanh tra được đặc biệt chú trọng.

Ngày 24/6, kiểm tra tình hình chuẩn bị cho kỳ thi tại huyện Hoài Đức (Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ nhắc nhở cần thanh tra, kiểm tra toàn diện các khâu của kỳ thi, không làm căng thẳng tình hình nhưng phải giám sát chặt chẽ theo quy chế.

Chia sẻ cụ thể hơn, ông Nguyễn Huy Bằng - Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, để chuẩn bị cho kỳ thi, Ban Chỉ đạo Thi THPT Quốc gia đã thành lập 8 đoàn kiểm tra và Thanh tra Bộ cũng đã thành lập 4 đoàn.

Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay, bên cạnh sửa đổi quy chế, siết an ninh, Bộ còn cử thanh tra về cắm chốt tại các tỉnh xảy ra tiêu cực như Sơn La, Hòa Bình.

Năm nay, số lượng thanh tra tại các điểm thi cũng được quy định linh hoạt, tùy số lượng phòng thi. Bộ yêu cầu tối thiểu 2 cán bộ thanh tra/điểm thi. Căn cứ số lượng phòng thi, cán bộ thanh tra được tăng thêm.

Tại địa phương, Ban Chỉ đạo Thi cấp tỉnh và Sở GD&ĐT cũng thành lập nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra. Bà Đỗ Nguyên Thương - Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Phú Thọ cho biết, tỉnh có khoảng gần 13.700 thí sinh sẽ tham dự thi để xét tốt nghiệp và ĐH.

Sở đã thành lập tổ trực thanh tra thi tại Sở và 36 tổ thanh tra cắm chốt tại 36 điểm thi trên địa bàn tỉnh, mỗi điểm thi sẽ bố trí ít nhất 2 cán bộ thanh tra. Đối với những điểm thi có 20 phòng thi trở lên sẽ có 3 cán bộ thanh tra (1 cán bộ trường ĐH và 1 hoặc 2 người của Sở GD&ĐT).

Bên cạnh đó, Sở thành lập 4 đoàn kiểm tra lưu động đi đủ 36 điểm thi để kiểm tra trong các ngày diễn ra kỳ thi.

Đặc biệt, Sở đã thành lập 1 đoàn kiểm tra đột xuất. Đoàn dự kiến đi kiểm tra các điểm thi vào cả buổi tối và đặc biệt quan tâm đến khu vực phòng bảo quản đề thi, bài thi.

Tại Hà Nội - nơi có số lượng thí sinh dự thi đông nhất cả nước, công tác thanh tra thi được đặc biệt lưu ý. Ban Chỉ đạo Thi TP cũng đã quyết định thành lập 13 đoàn kiểm tra do lãnh đạo trường ĐH làm trưởng đoàn, đi kiểm tra trực tiếp ban chỉ đạo cấp huyện và điểm thi tại các quận, huyện.

Toàn TP Hà Nội năm nay có 3.119 phòng thi, gần 9.200 cán bộ, giáo viên, nhân viên được huy động làm nhiệm vụ tại kỳ thi. Sở GD&ĐT bố trí 125 tổ thanh tra cắm chốt tại các điểm thi. Các thanh tra đều được tập huấn kỹ càng trước ngày thi.

Tự tin bước vào kỳ thi lớn

Bước vào kỳ thi quan trọng sau 12 năm đèn sách, nhiều thí sinh cho biết đã ôn tập rất kỹ và sẵn sàng bước vào kỳ thi với tinh thần, nỗ lực cao nhất.

Trần Minh Hằng - cựu học sinh Trường THPT Lê Lợi (Hà Nội) chia sẻ, em chỉ thi lấy điểm xét tốt nghiệp THPT để lên đường đi du học nên tâm lý khá thoải mái. Trong năm học ngoài việc học trên lớp, em còn đi học thêm các môn vào mỗi buổi chiều, tham gia học nhóm để bổ trợ thêm kiến thức. Đến giờ phút này, với kiến thức ôn luyện được em khá tự tin, bước vào kỳ thi.

Tự tin, thoải mái cũng là tâm lý của Nguyễn Thu Trang - học sinh chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội). Trang cho biết, em đăng ký 2 nguyện vọng vào Khoa Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Khoa Toán (ĐH Sư phạm Hà Nội). Tại kỳ thi thử do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, em thi thử được 22 điểm (3 môn Toán, Lý Hóa), năm ngoái điểm trúng tuyển vào 2 trường này đều là 23 nên em cần phải cố gắng hơn chút nữa. Đến thời điểm này, kiến thức đã trang bị "hòm hòm", quy chế thi cũng đã nắm rõ, vì vậy em rất thoải mái. Tối 24/6, em không ôn bài nữa mà ngủ 1 giấc để có tinh thần sảng khoái, sáng mai đi thi.

Đứng trước kỳ thi lớn sau 12 năm đèn sách, Đỗ Minh Hằng - Học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội) có chút tâm lý hồi hộp, lo lắng. Thời gian gần thi, nhiều đêm Hằng thức trắng để ôn bài. Mặc dù có sở trường về môn Văn nhưng Hằng cho biết đây cũng là môn lo lắng nhất vì có những tác phẩm chưa ôn tập kỹ. Qua 3 lần thi thử ở trường, điểm số của Hằng lần lượt là 17,18,19. Lượng sức mình, Hằng đăng ký 8 nguyện vọng để xét tuyển vào các trường ĐH có điểm chuẩn tương đương như Viện ĐH Mở Hà Nội, Trường ĐH Lao động - Thương Binh và Xã hôi, ĐH Tài nguyên và Môi trường… Em hi vọng sẽ làm bài tốt để đỗ vào Khoa Luật kinh tế (Viện ĐH Mở Hà Nội).

Là trưởng điểm thi tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội), thầy Nguyễn Thanh Tuấn khẳng định, đến thời điểm chiều 24/6, các công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được hoàn thành, 100% cán bộ, giáo viên đã được học quy chế thi. Phòng lưu trữ đề thi, bài thi được lắp camera giám sát và kiểm tra, bảo vệ nghiêm ngặt… Điểm thi đã sẵn sàng cho kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

Năm nay, điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn có 576 thí sinh dự thi với 24 phòng thi. 49 cán bộ đến từ Học viện Y học cổ truyền và Trường THPT Vạn Xuân - Hoài Đức đã được huy động coi thi. Ngoài ra, còn có 4 cán bộ giám sát và 2 cán bộ thanh tra cắm chốt làm việc liên tục trong các ngày diễn ra kỳ thi để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Trong buổi chiều 24/6, gần 900 nghìn thí sinh trên cả nước đã đến các điểm thi làm thủ tục đăng ký dự thi, đối chiếu và sửa sai sót thông tin (nếu có), nghe phổ biến quy chế, lịch thi... để tránh gặp sự cố đáng tiếc trong kỳ thi.

70 thí sinh vùng lũ Bản Hồ đã có mặt tại điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2019

Rạng sáng 24/6, mưa lũ ập về khiến xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai bị ngập úng và giao thông chia cắt. Tuy nhiên, đến 16 giờ ngày 24/6 - thời điểm khai mạc Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, toàn bộ 70/70 thí sinh vùng lũ Bản Hồ, huyện Sa Pa đã có mặt tại địa điểm tập trung để làm thủ tục dự thi.

Chiều 24/6, ông Đào A Khởi, Chủ tịch UBND xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết, do đặc thù địa bàn miền núi chia cắt nên các thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2019 của xã đều đã di chuyển lên điểm thi tại thị trấn Sa Pa từ ngày 23/6 để chuẩn bị cho buổi tập trung khai mạc kỳ thi, làm thủ tục dự thi và nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi... nên không bị ảnh hưởng bởi cơn lũ quét qua địa bàn vào rạng sáng ngày 24/6.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 toàn tỉnh Lào Cai có tổng số 6.251 thí sinh đăng ký dự thi với 18 điểm thi. Trong đó, Sa Pa có một điểm thi tại Trường Trung học phổ thông số 1 huyện Sa Pa với 378 thí sinh và 16 phòng thi.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai, không riêng năm nay, những năm trước, tình huống thiên tai diễn biến bất thường đều được Ban Chỉ đạo thi đặt ra, chủ động tính toán kỹ các phương án tổ chức kỳ thi. Ngành Giáo dục Lào Cai đã yêu cầu các trường nắm rõ từng đối tượng học sinh ở xa trường thi để có biện pháp liên lạc, tư vấn để các em đến ở trọ trong những ngày thi.

Ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai cho biết, Sở đã chỉ đạo các trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và THPT, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện bố trí chỗ ăn, nghỉ cho học sinh ở xa về dự thi với phương châm: Không để thí sinh nào bỏ thi do tai nạn giao thông, do hoàn cảnh khó khăn, do thiên tai, do ngủ quên hay quên lịch thi…

Kỳ thi năm nay, toàn tỉnh Lào Cai có hơn 2.000 thí sinh được hỗ trợ, bố trí chỗ ăn nghỉ miễn phí tại các trường Phổ thông dân tộc nội trú, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Đặc biệt, nhằm kịp thời động viên, khích lệ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ổn định tâm lý, đạt được kết quả cao nhất khi bước vào kỳ thi THPT Quốc gia 2019, mỗi trường học đã chọn 10 học sinh nghèo hoặc cận nghèo để tỉnh hỗ trợ 300 nghìn đồng/học sinh/trường THPT, 5 học sinh/Trung tâm Giáo dục thường xuyên.

Hương Thu

Hải Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/gan-900-nghin-si-tu-bat-dau-vuot-vu-mon_t114c8n150376