Gần 900.000 thí sinh hồi hộp bước vào môn thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT

Sáng nay 9/8, gần 900.000 thí sinh sẽ làm bài thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trong thời gian 120 phút.

Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát. Để đảm bảo an toàn cho thí sinh, Bộ GD&ĐT quyết định chia kỳ thi làm 2 đợt. Đợt 1 diễn ra từ ngày 8-10/8. Đợt 2 sau đó cho các thí sinh ở Đà Nẵng, một số địa phương thuộc tỉnh Quảng Nam, thành phố Buôn Ma Thuật (Đắk Lắk) và các thí sinh thuộc diện F1, F2 trên cả nước.

Thí sinh Nguyễn Hồng Phương (học sinh trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) cho biết cả đêm qua em khó ngủ vì lo lắng cho môn thi đầu tiên. Năm học này, Phương và các bạn tạm nghỉ hơn 3 tháng do dịch bệnh, mọi việc học tập và ôn luyện đều được chuyển qua hình thức học trực tuyến. Dù tập trung ôn luyện rất nhiều sau thời gian đi học trở lại nhưng Phương vẫn chưa thật sự tự tin với lượng kiến thức mình có. Nữ sinh lo đề thi khó, hoặc có những phần nằm ngoài kiến thức giảm tải của Bộ GD&ĐT.

Ngoài áp lực về điểm số, Hồng Phương lo lây nhiễm virus nếu thí sinh không tự ý thức và công tác y tế không được kiểm soát chặt chẽ. Gia đình đã trang bị cho Phương dự phòng 3 khẩu trang, 1 chai nước rửa tay và nước uống cá nhân. Dù thời tiết nắng nóng nhưng nữ sinh vẫn cố gắng đeo khẩu trang trong suốt thời gian làm bài thi và hạn chế tiếp xúc với bạn bè sau giờ thi.

Thí sinh Hoàng Trí Chung (Việt Trì, Phú Thọ) khá căng thẳng trước khi bắt đầu môn thi đầu tiên. Ngữ văn không phải là môn thi sở trường của Chung, cậu tự đặt mục tiêu phải dành 5 điểm để đủ điều kiện xét tốt nghiệp.

Trong buổi kiểm tra công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT ở Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT các địa phương trên cả nước trong công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi, với nhiều việc phát sinh do ảnh hưởng của COVID-19.

Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh, kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, các địa phương cần rà soát và chủ động phương án phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT. Cần đặc biệt lưu ý các khâu quan trọng như đo thân nhiệt, sát khuẩn tay và sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh trong thời gian thi.

“Các địa phương cần tiếp tục rà soát các đối tượng F1, F2. Dù đến ngày thi nhưng nếu phát hiện đối tượng này, vẫn bố trí các em thi ở đợt sau để bảo đảm an toàn. Bộ đã có phương án cho các trường hợp thí sinh dự thi ở đợt sau nhằm bảo đảm an toàn và công bằng”, Bộ trường GD&ĐT nói.

Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu, trước mỗi môn thi, điểm trưởng cần quán triệt những nội dung chính về nghiệp vụ coi thi cho các cán bộ để thực hiện nghiêm túc, thống nhất, không được chủ quan; tăng cường công tác thanh tra trong khi thi và chấm thi.

Trong những ngày diễn ra kỳ thi, lãnh đạo các địa phương thường xuyên túc trực để nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. Ngay sau khi kết thúc kỳ thi, các địa phương cần chuẩn bị đủ về nhân lực và trang thiết bị để chấm thi bảo đảm tiến độ, đúng quy chế, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, gian lận.

Tính đến chiều 8/8, cả nước có 866.946 thí sinh đến làm thủ tục dự thi, đạt tỷ lệ 96,3% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Số thí sinh không đến làm thủ tục dự thi là 32.229, chiếm tỷ lệ 3,58%; trong đó, tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên không thể dự thi là 26.168 chiếm tỷ lệ 2,91% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/gan-900000-thi-sinh-hoi-hop-buoc-vao-mon-thi-dau-tien-ky-thi-tot-nghiep-thpt-ar562598.html