Gần 800 tỷ đồng hỗ trợ, ứng phó thiên tai và đại dịch COVID-19

Năm 2020, tổng giá trị hỗ trợ, ứng phó thiên tai, thảm họa và đại dịch COVID-19 đạt gần 800 tỷ đồng, trợ giúp cho hơn 1,1 triệu lượt người.

Năm 2020, các hoạt động trợ giúp nhân đạo của Hội Chữ thập Đỏ tập trung vào 2 đối tượng chính là những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch và những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai ở miền Trung. Tổng giá trị hỗ trợ, ứng phó thiên tai, thảm họa và đại dịch COVID-19 đạt gần 800 tỷ đồng, trợ giúp cho hơn 1,1 triệu lượt người.

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa năm 2021 của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam được tổ chức ngày 27/4. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, năm 2021, xu thế nhiệt độ mặt nước biển khu vực trung tâm Thái Bình Dương tiếp tục trong pha lạnh và hiện tượng La Nina còn duy trì từ nay đến tháng 5/2021 với xác suất lên tới 95%. Sau đó, hiện tượng La Nina giảm dần và có khả năng chuyển dần sang trạng thái trung tính vào đầu mùa hè năm 2021. Năm nay, bão xuất hiện khá muộn. Tháng 6- 7, bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động ở Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo; nhiều khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trong những tháng 8-9/2021. Xâm nhập mặn dự báo không nghiêm trọng nhưng hạn hán và xâm nhập mặn vẫn gây nhiều ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.

Để kịp thời hỗ trợ người dân miền Trung bị ảnh hưởng mưa lũ trong giai đoạn khẩn cấp và phục hồi, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ra lời kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trợ giúp tiền và hàng hóa. Hiệp Hội cũng đã ra lời kêu gọi quốc tế để hỗ trợ các tỉnh miền Trung Việt Nam bị thiệt hại do thiên tai với các lĩnh vực can thiệp: Nhà ở, sinh kế, nước sạch vệ sinh và chăm sóc sức khỏe. Tổng giá trị vận động nguồn lực thông qua 2 Lời kêu gọi là 358 tỷ đồng bao gồm tiền và hàng.

Tổng giá trị hỗ trợ, ứng phó thiên tai, thảm họa và đại dịch COVID–19 năm 2020 của toàn Hội đạt gần 800 tỷ đồng, góp phần trợ giúp cho hơn 1,1 triệu lượt người

Để sẵn sàng phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID–19 trong năm 2021, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chủ động xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai; chỉ đạo toàn hệ thống chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực dự phòng, đa dạng hàng cứu trợ (thùng hàng gia đình, bộ dụng cụ sửa nhà, viên lọc nước, tấm bạt dựng nhà tạm...) để kịp hỗ trợ người dân trong tình huống khẩn cấp. Hội cũng phổ biến rộng rãi hướng dẫn quy trình chuẩn trong ứng phó thiên tai, thảm họa, quy trình cấp phát tiền mặt... đến các cấp Hội; triển khai mô hình đầu tư tài chính dựa trên dự báo (FbF) đối với nắng nóng và xây dựng mô hình tương tự với bão, lụt; xây dựng chuỗi cung ứng hậu cần đảm bảo ứng phó kịp thời, hiệu quả; triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông từ Trung ương tới địa phương.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Hải Anh phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hải Anh- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Năm 2020, thiên tai, bão lũ và dịch bệnh diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống của người dân. Trước tình hình đó, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chỉ đạo toàn hệ thống triển khai các hoạt động kịp thời, hiệu quả; huy động nguồn lực hỗ trợ trong nước và quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa, đồng thời thực hiện hiệu quả các hoạt động truyền thông đối ngoại, tuyên truyền cho đông đảo tầng lớp nhân dân. Hội cũng tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình hay của Việt Nam và của Hội trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, dịch COVID-19; hỗ trợ phương tiện phòng dịch cho các đối tác quốc tế.

Hội đã xây dựng quy mô, phân cấp ứng phó cho phù hợp với điều kiện tình hình thực tế tại Trung ương Hội và các địa phương theo phương châm 4 tại chỗ. Năm 2021, Hội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ứng phó khẩn cấp; triển khai thực hiện nghiêm các văn bản, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phòng chống thiên tai, đảm bảo thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ được giao.

Được biết, công tác phòng, chống dịch trong hệ thống Hội Chữ thập đỏ Việt Nam năm qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật với tổng kinh phí hỗ trợ đạt trên 434 tỷ đồng. Cụ thể, các cấp Hội trong cả nước đã tổ chức gần 11.000 buổi truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 cho gần 2 triệu lượt người; cấp phát gần 88.000 tờ rơi phòng, chống dịch bệnh; cấp phát miễn phí khẩu trang, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, bộ quần áo phòng, chống dịch..., hỗ trợ tiền mặt cho người dân cùng lực lượng chống dịch tuyến đầu. Bên cạnh đó, với vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Phong trào Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế, Hội cũng đã hỗ trợ cho người dân các quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Campuchia với hơn 800.000 khẩu trang y tế, trị giá 176.000 USD; đồng thời đóng góp 30.000 USD cho Lời kêu gọi khẩn cấp toàn cầu phòng, chống dịch COVID-19 của Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế; cập nhật thường xuyên về tình hình diễn biến dịch COVID-19 cho các đối tác liên quan… Hoạt động của Hội đã được Hiệp Hội ghi nhận, đánh giá cao về tinh thần nhân đạo quốc tế và trách nhiệm của Hội đối với Phong trào.

Tham dự Hội nghị trực tuyến, bà Kathyn Clarkson- Trưởng đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ- Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực khẳng định: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong trong hoạt động ứng phó với thiên tai thảm họa. Hội đã làm rất tốt công tác hỗ trợ, phục hồi và tái thiết với người dân vùng thiên tai. Bà Kathyn Clarkson nhấn mạnh: Các thảm họa thiên nhiên sẽ không chờ đợi cho đến khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát. Thực tế, năm 2020, thiên tai đã ảnh hưởng tới sinh kế của hàng triệu người dân Việt Nam. Tình hình sẽ trở lên tồi tệ hơn nếu chúng ta không có sự ứng phó sớm, những người dễ bị tổn thương có nguy cơ rất cao bị bỏ lại phía sau. Trong ứng phó thiên tai thảm họa một lực lượng không thể làm tốt mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, chính quyền các cấp và người dân địa phương. Đặc biệt, việc huy động nguồn lực có ý nghĩa rất quan trọng. Cùng nhau chúng ta hãy xây dựng một cộng đồng an toàn và vững mạnh- bà Kathyn Clarkson nói. Bà Kathyn Clarkson cũng cam kết luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong các hoạt động ứng phó thiên tai thảm họa.

Khánh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/gan-800-ty-dong-ho-tro-ung-pho-thien-tai-va-dai-dich-covid-19--n190802.html