Gần 80.000 bài dự cuộc thi viết về thầy cô và mái trường

Cuộc thi viết 'Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu' ghi nhận, tôn vinh các nhà giáo có tình cảm, việc làm, thành tích tốt đẹp, đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới giáo dục; ghi nhận và tôn vinh những cơ sở giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo trong dạy học và giáo dục học sinh…

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi trao giải Nhất cho tác giả Phan Thị Thu Trang. Ảnh:VGP/Nhật Nam

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi trao giải Nhất cho tác giả Phan Thị Thu Trang. Ảnh:VGP/Nhật Nam

Ngày 17/12, tại Hà Nội diễn ra Lễ trao giải và tổng kết cuộc thi viết “Những kỉ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu” năm 2020. Cuộc thi được Bộ GD&ĐT giao cho Báo Giáo dục và Thời đại – đơn vị thường trực tổ chức hằng năm.

Mặc dù thời gian nhận bài dự thi năm nay không dài (phát động, nhận bài dự thi từ tháng 9/2020) nhưng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, giáo viên và học sinh trên toàn quốc. Cuộc thi năm nay đã nhận được gần 80 nghìn bài dự thi, tăng gần 10.000 bài so với năm 2019.

Điều này cho thấy cuộc thi đã tạo được uy tín, có sức sống, lan tỏa mạnh mẽ trong các nhà trường. Đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo độc giả, các tầng lớp nhân dân đối với nội dung và ý nghĩa của cuộc thi.

Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân: từ trí thức, viên chức, nhà giáo… đến những người lao động phổ thông, các bà nội trợ… Trong số các tác giả dự thi, phần lớn là các tác giả không chuyên, nhưng cũng có một số các tác giả dự thi là nhà văn chuyên nghiệp hoặc hội viên Hội Văn học, nghệ thuật các tỉnh tham dự.

Một số địa phương, cơ sở giáo dục đã chủ động tổ chức cuộc thi cấp trường/cấp phòng/cấp sở; tổ chức chấm và chọn những bài chất lượng để gửi về Ban tổ chức cuộc thi. Nhiều cơ sở giáo dục có sự tham gia đông đủ của giáo viên và học sinh trong toàn trường.

Các địa phương đã triển khai cuộc thi tới cấp trường, cấp Sở và có số lượng bài dự thi nhiều là: Hà Nội, Phú Thọ, Nam Định, Hà Giang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thừa Thiên-Huế…

Theo thể lệ của cuộc thi, các bài dự thi tập trung vào 2 chủ đề chính: Thầy cô giáo và mái trường mến yêu. Các bài dự thi đã thu nhận, phần nhiều là các tác phẩm viết về những kỉ niệm, tình cảm, cảm xúc về thầy cô giáo; hoặc có nhiều tác phẩm thể hiện những kỉ niệm, tình cảm, cảm xúc về mái trường gắn liền với hình ảnh của một hoặc một số thầy cô giáo cụ thể.

Mỗi một tác phẩm dự thi là một câu chuyện, một kí ức, một kỉ niệm, cảm xúc đẹp và đáng trân trọng về hình ảnh người thầy. Có thể thấy, hình ảnh thầy cô giáo được thể hiện qua các góc nhìn đa chiều, đa diện. Song dù ở góc độ nào, mối quan hệ nào thì các tác phẩm đều mang đến những hình ảnh đẹp đẽ, thanh khiết và đáng trân trọng nhất về thầy cô, bạn bè dưới mái trường mến yêu.

Ban giám khảo cuộc thi đã chọn được 143 bài vào vòng Chấm chung khảo. Trên cơ sở kết quả chấm và ý kiến thống nhất của các thành viên Ban Giám khảo, kết quả cuộc thi như sau: Tổng số giải: 16 giải, bao gồm 14 giải cá nhân và 2 tập thể. Cụ thể gồm: 2 giải tập thể; 1 giải Nhất; 2 giải Nhì; 3 giải Ba và 8 giải Khuyến khích.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng: Sự đón nhận, hưởng ứng tham dự cuộc thi cho thấy, mái trường và các thầy giáo, cô giáo đã để lại ấn tượng đẹp đẽ, sâu sắc, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ học sinh và các tầng lớp nhân dân. Đây là sự động viên to lớn, tạo động lực cho ngành giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa trong công việc nhiều vinh quang, nhưng cũng đẩy thử thách; đặc biệt bối cảnh chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Cũng bởi vậy, mỗi bài dự thi đều vô cùng đáng trân trọng.

“Các thầy cô giáo mang trọng trách to lớn trong đào tạo con người phát triển toàn diện về Đức-Trí-Thể-Mỹ, trở thành một công dân tốt”. Nhấn mạnh điều này, theo Thứ trưởng, GD&ĐT đang đứng trước yêu cầu mới, càng đòi hỏi cao hơn về năng lực, nhân cách đội ngũ. Để hoàn thành trọng trách to lớn này, bên cạnh những chính sách tạo động lực, sự nỗ lực của bản thân mỗi nhà giáo, rất cần có sự đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ của toàn xã hội. Cũng bởi vậy, kết quả cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy/cô và mái trường mến yêu” và những hình ảnh đẹp về thầy cô và mái trường được phản ánh trong các tác phẩm dự thi cần được nhân rộng lan tỏa hơn nữa.

Nhật Nam

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/giao-duc/gan-80000-bai-du-cuoc-thi-viet-ve-thay-co-va-mai-truong/417249.vgp