Gần 8.000 ngôi nhà bị sập, tốc mái do dông lốc

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, đêm 10-5, ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa dông diện rộng, riêng vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to. Hôm nay 11-5 và ngày mai, mưa dông mở rộng xuống các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, đêm 10-5, ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa dông diện rộng, riêng vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to. Hôm nay 11-5 và ngày mai, mưa dông mở rộng xuống các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Thủ đô Hà Nội từ đêm 10-5 đến 12-5 có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá cấp 1. Tại các tỉnh Trung Trung Bộ nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34 đến 37oC, có nơi hơn 37oC. Từ ngày 12-5, nắng nóng suy giảm dần. Các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng tiếp tục xảy ra với nhiệt độ cao nhất từ 35 đến 37oC, có nơi hơn 37oC. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng: cấp 1.

* Theo Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, mưa dông, lốc, sét từ ngày 7-5 đến 9-5 tại các tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Sơn La, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hòa Bình, Phú Thọ và Nghệ An đã khiến một người chết; 17 người bị thương; 46 nhà bị sập; 7.751 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 1.705 ha lúa và hoa màu bị gãy đổ; 48 ha cây ăn quả và 942 ha cây công nghiệp bị gãy đổ; 3.650 con gia cầm bị chết; 3,6 tấn cá bị thiệt hại; hai trụ sở UBND xã và 83 trường học bị tốc mái. Thiệt hại kinh tế ước tính 87,2 tỷ đồng.

* Rạng sáng 9-5, lốc xoáy tại huyện Văn Bàn (Lào Cai) làm hỏng 61 nhà dân. Hai xã Khánh Yên Hạ và Liêm Phú bị thiệt hại nặng, lốc xoáy đã làm gãy đổ một cột điện loại 0,4 kV; một nhà văn hóa bị tốc mái, nhiều cây ăn quả và cây xanh bị gãy đổ... Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ giúp người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

* Tối và đêm 9-5, tại các huyện Lâm Thao, Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn và thành phố Việt Trì (Phú Thọ) có mưa, dông, lốc khiến một người bị thương, ba nhà bị sập đổ và hơn 138 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 17 điểm trường bị ảnh hưởng; hơn 250 ha lúa, hoa màu và 2.500 cây xanh bị gãy đổ...

* Ngày 10-5, Ðồn Biên phòng Nhâm, Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên Huế đã cử 25 cán bộ, chiến sĩ phối hợp địa phương đến từng hộ gia đình giúp người dân sửa chữa nhà cửa sau trận mưa, dông vào chiều tối 9-5 tại xã Hồng Thái, huyện A Lưới. Sau trận mưa, dông đã có 10 ngôi nhà bị tốc mái, trong đó có ba nhà bị hư hỏng nặng...

* TP Cần Thơ vừa yêu cầu các địa phương trong thành phố chủ động phòng, chống dông, lốc, sét đánh trong mùa mưa bão. Theo đó, các đơn vị cần hướng dẫn bà con thường xuyên gia cố, chằng chống nhà cửa; chặt, tỉa cây xanh gần nhà, lưới điện nhằm tránh gãy đổ; tổ chức sơ tán người già và trẻ em ra khỏi những khu vực nhà tạm bợ đến nơi an toàn khi có mưa, dông lốc…

* Dịch Covid-19 đã khiến tăng trưởng ngành nông nghiệp của TP Hà Nội trong quý I giảm 1,17% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, thành phố đã điều chỉnh sản xuất vụ mùa, vụ đông năm 2020 theo hướng tăng diện tích trồng lúa, cây ăn quả lợi thế, đặc sản, ngô chất lượng cao, giảm diện tích trồng hoa, cây cảnh; phát triển chăn nuôi lợn, phát triển thủy sản. Phấn đấu mục tiêu tăng trưởng ngành cả năm là 4,12%.

* Tại xã Nam Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương), có gần 5 km sông Kinh Thầy nhưng có hơn 1.000 lồng nuôi cá trên sông. Do phát triển tự phát, nên các lồng cá đều vượt quy chuẩn kỹ thuật, riêng về mật độ, vượt quy chuẩn cho phép đến 20 lần, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nước và phát sinh bệnh dịch.

* Nhiều diện tích nuôi tôm của TP Hải Phòng bị bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính. Cụ thể, tại quận Dương Kinh và huyện Tiên Lãng có hơn 503 ha nuôi có nguy cơ nhiễm bệnh. Ngành chức năng đã xuất cấp cho huyện Tiên Lãng, quận Dương Kinh 8,8 tấn Chlorine 65% min... giúp hai địa phương này phòng, chống dịch bệnh.

* Tính đến nay, tại huyện Tuy Phước (Bình Ðịnh) đã có 29 ha tôm nuôi vụ I năm 2020 tại xã Phước Thắng và Phước Thuận bị chết do bị sốc môi trường. Trong đó, tại vùng nuôi xã Phước Thắng có 20 ha và xã Phước Thuận có 9 ha. Ngành chức năng đã đi kiểm tra, thống kê diện tích tôm nuôi bị bệnh, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp xử lý không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

* Trong tháng 4, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng tại tỉnh Ðồng Nai đạt gần 5.700 tấn, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm 2019. Bốn tháng đầu năm, tổng sản lượng đạt hơn 22 nghìn tấn, tăng hơn 4,7% so với cùng kỳ. Mức tăng này do nuôi trồng thủy sản tại địa phương phát triển ổn định, người nuôi nhân rộng diện tích. Hiện, toàn tỉnh có 8.100 ha nuôi thủy sản.

* Năm 2020, tỉnh Hà Nam phấn đấu có khoảng 4.200 con bò và bê sữa. Ðể khuyến khích người chăn nuôi, tỉnh sẽ hỗ trợ một lần 50% kinh phí xây dựng mới hệ thống xử lý chất thải, tối đa không quá 10 triệu đồng/hộ; hỗ trợ kinh phí đeo thẻ tai bổ sung cho 2.000 con bò, bê sữa; hỗ trợ một lần 20% kinh phí mua mới máy thái cỏ hoặc máy vắt sữa đối với hộ nuôi từ 10 con trở lên trong khu quy hoạch...

* Tỉnh Thừa Thiên Huế vừa công bố dịch bệnh khảm lá sắn tại huyện A Lưới. Theo đó, các sở, ngành, địa phương cần chủ động bố trí ngân sách hỗ trợ công tác phòng trừ; đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành nông nghiệp trong công tác tuyên truyền, tập huấn phòng, chống bệnh, vận động người dân phòng trừ dịch bệnh khảm lá sắn...

* Trên cơ sở kế hoạch phân bổ của tỉnh Hà Giang, huyện Xín Mần đã cấp phát gạo hỗ trợ đợt 1 năm 2020 định mức hỗ trợ 20 kg/ha cho các hộ, nhóm hộ đang tham gia bảo vệ và phát triển gần 28 nghìn héc-ta rừng tại 18 xã, thị trấn. Việc cấp phát gạo nhằm giúp bà con yên tâm sản xuất, đoàn kết cùng nhau tham gia bảo vệ rừng.

* Ngay đầu mùa nắng nóng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Hương Khê (Hà Tĩnh) đã lên kịch bản bảo vệ hơn 31.200 ha rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Theo đó, Ban đã thành lập một tổ bảo vệ rừng cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng gồm sáu lực lượng; duy trì hoạt động của chín tổ đội xung kích ở chín trạm bảo vệ rừng; các thành viên thực hiện chế độ thường trực suốt 24 giờ trong ngày để kiểm tra các khu rừng trọng điểm...

* Cục Trồng trọt cho biết, các trà lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long đang trổ chín, do thuận lợi về thời tiết nên năng suất ước đạt 7 đến 8 tấn/ha. Dự kiến, vụ hè thu 2020, toàn vùng sẽ đạt sản lượng 8,7 triệu tấn lúa; trong đó, sẽ có khoảng 2,3 đến 2,4 triệu tấn gạo hàng hóa cung ứng cho xuất khẩu.

* Theo Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp, nông thôn, giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long những ngày qua tăng nhẹ, từ 200 đến 400 đồng/kg so với cuối tháng 4. Tại An Giang, giá gạo các loại tăng từ 500 đến 1.000 đồng/kg tùy loại; như gạo tẻ thường bán lẻ ở mức 11.500 đồng/kg, gạo Nàng hương là 16.500 đồng/kg, gạo Jasmine 16.500 đồng/kg…

Theo dự báo, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm vào đầu tuần và tăng vào cuối tuần này. Chiều sâu ranh mặn 1g/l tại sông Vàm Cỏ Ðông, Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn từ 90 đến 130 km; sông Hàm Luông từ 65 đến 80 km...

Chiều sâu ranh mặn 4g/l tại sông Vàm Cỏ Ðông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 80 đến 120 km; sông Cửa Tiểu, Cửa Ðại từ 50 đến 55 km; sông Cổ Chiên, sông Hậu từ 35 đến 42 km... Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức cấp độ 1 đến 2.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44420102-gan-8-000-ngoi-nha-bi-sap-toc-mai-do-dong-loc.html