Gần 750 nhà cửa, lều quán... lấn chiếm công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải - Hưng Yên

Tại Hưng Yên, tình trạng vi phạm hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải ngày càng diễn biến phức tạp và tồn tại qua nhiều năm.

Mặc dù năm nào tỉnh cũng tổ chức giải tỏa, nhưng thực tế vẫn chưa được xử lý dứt điểm và có nơi còn phát sinh vi phạm mới.

Theo ông Bùi Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hả, trước mùa mưa bão năm nay, tỉnh Hưng Yên cũng đã chỉ đạo các địa phương quyết liệt giải tỏa 127 trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn tỉnh hiện còn 749 điểm vi phạm; trong đó, có hơn 500 trường hợp làm nhà kiên cố, 75 trường hợp làm nhà tạm và lều quán, 60 trường hợp đổ đất san lấp lấn chiếm, số còn lại là các điểm lập bến bãi trái phép, trồng cây, xây tường bao, hút cát, đào ao, làm vườn, bãi xả rác thải...

Việc lấn chiếm, xâm phạm công trình thủy lợi xảy ra ở tất cả các huyện trong tỉnh, tập trung chủ yếu ở những nơi có tuyến đường giao thông đi lại thuận lợi như các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Yên Mỹ, Ân Thi. Điển hình tại huyện Khoái Châu, trên các tuyến kênh chính như: sông Đồng quê, Từ Hồ, Sài Thị, Tây Tân Hưng có nhiều hộ dân lấn chiếm đất xây dựng các công trình lều, quán, kho chứa vật liệu vượt ra sát kênh, công trình phụ, xả thải rác vào công trình kênh mương.

Tại huyện Kim Động, trên các sông Kim Ngưu, Trương Đìa... tình trạng lấn chiếm dòng chảy vẫn tồn tại từ nhiều năm trước khiến lòng sông ngày càng bị thu hẹp. Tương tự, trên các dòng sông Cầu Treo, Thái Nội qua địa bàn huyện Yên Mỹ; sông Hòa Bình, Đông Lỗ qua thành phố Hưng Yên vẫn tiếp diễn tình trạng vi phạm san lấp lòng sông làm nhà ở, trồng cây, thả đăng đó gây cản trở dòng chảy.

Riêng huyện Văn Giang đã phát sinh mới 5 trường hợp vi phạm trên kênh Kim Sơn; trong đó, có 3 điểm vi phạm làm nhà kiên cố thuộc địa bàn xã Vĩnh Khúc và 2 điểm làm nhà tạm, lều quán và san lấp lấn chiếm ở xã Nghĩa Trụ.

Tại các xã như: Toàn Thắng (Kim Động), Giai Phạm, Đồng Than (Yên Mỹ), Minh Tân (Phù Cừ), Vân Du (Ân Thi)..., các vi phạm vẫn tồn tại do trước đây địa phương đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho thuê đất trái thẩm quyền. Nhiều lô đất lấn chiếm dòng chảy đã được các hộ vi phạm mua bán chuyển nhượng nhiều lần, gây khó khăn và vướng mắc cho công tác giải tỏa.

Theo người dân xã Toàn Thắng (huyện Kim Động), tại các thôn An Xá và Trương Xá có hơn 30 hộ dân vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp và công trình thủy lợi trong các năm 2016 và 2017. Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên đã tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng đáng tiếc việc thu hồi, giải tỏa diện tích vi phạm hành lang thủy lợi vẫn chưa làm triệt để.

Từ tháng 3/2017, tỉnh Hưng Yên đã có kế hoạch 93A quyết liệt chỉ đạo các địa phương xử lý vi phạm đất nông nghiệp, hành lang giao thông đê điều thủy lợi, khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, việc giải quyết gặp khó khăn vì các vi phạm diễn ra từ hàng chục năm trước. Theo người dân các huyện Khoái Châu, Kim Động, Yên Mỹ do các địa phương đã tổ chức đấu thầu dài hạn mặt nước cho dân sử dụng để thả cá, trồng sen nên khó chấm dứt hợp đồng. Nghiêm trọng nhất là nhiều xã trước đây đã bán đất giãn dân ven sông nên lòng sông ngày càng bị lấp đầy.

Ông Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên cho hay, khó khăn nhất trong giải tỏa vi phạm công trình thủy lợi hiện nay là các địa phương để cho nhân dân xây nhà, công trình phụ kiên cố lấn chiếm dòng chảy từ trước năm 2010. Nhiều đoạn trên các sông Từ Hồ Sài Thị, sông Tây Tân Hưng, Cầu Treo bị thu hẹp phần lớn dòng chảy, ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước trong mùa mưa bão.

Trước tình trạng trên, tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các địa phương phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải tiếp tục rà soát, thống kê các trường hợp vi phạm; xây dựng kế hoạch cụ thể và đề xuất báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/7 để xử lý, không để phát sinh vi phạm mới.

Mai Ngoan (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/gan-750-nha-cua-leu-quan-lan-chiem-cong-trinh-thuy-loi-bac-hung-hai-hung-yen-20190713144343048.htm