Gần 700 người vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Ban Quản lý Dự án Đường sắt cho hay, tổng nhân sự vận hành ĐSTC Cát Linh - Hà Đông là 681 người. Trong đó, có 201 người đã qua đào tạo ở Trung Quốc, số còn lại được tổng thầu đào tạo trong nước.

Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành thử nghiệm sáng 20/9. Ảnh: L.H.V

Từ 6h30 sáng 20/9, tàu đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông đã chính thức vận hành thử liên động với 5 đoàn tàu, đây là tuyến đường sắt trên cao (ĐSTC) đầu tiên của Việt Nam đi vào hoạt động sau 7 năm xây dựng với nhiều lần điều chỉnh tiến độ. Hà Nội cũng lên phương án để kết nối ĐSTC với xe buýt, taxi, xe cá nhân...

Ban Quản lý Dự án Đường sắt (Bộ GTVT - chủ đầu tư) cho biết, theo lịch trình, 5 đoàn tàu chạy thử sẽ cách nhau 10 phút. Các đoàn tàu được vận hành liên trục 2 tiếng, sau đó dừng để tổng thầu tiếp tục căn chỉnh thiết bị. Dự kiến thời gian chạy thử kéo dài 3-6 tháng, ngoài chạy bình thường có thử nghiệm các tình huống khẩn cấp. Thời gian chạy thử người dân không được phép tham gia trải nghiệm. Sau chạy thử, Bộ GTVT nghiệm thu, tiếp nhận để bàn giao cho Hà Nội quản lý và khai thác.

Phóng viên Tiền Phong đi dọc tuyến, khởi hành từ ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông), kết thúc tại ga Cát Linh (quận Đống Đa), tàu chạy khá êm. Khi tàu gần tới ga tiếp theo, hệ thống đèn báo ở ga bật sáng, đồng thời hệ thống loa phát thông báo ga sẽ dừng, những lưu ý với hành khách bằng tiếng Việt và tiếng Anh được phát. Thời gian tàu chạy giữa các ga chưa tới 2 phút, tại mỗi ga tàu dừng khoảng 30 giây. Tổng thời gian đi hết tuyến gần 25 phút. Sau khi tàu đến ga Cát Linh sẽ đảo chiều thông qua ghi lồng để chạy ngược trở lại ga Yên Nghĩa.

Trên tàu, ghế ngồi được thiết kế kiểu băng dài, với biển chỉ dẫn ưu tiên ghế cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người bệnh và người khuyết tật. Hiện tầng 1 của nhà ga đã được lắp đặt hệ thống bán vé tự động (dùng tiền mặt hoặc thẻ mua vé), hệ thống cửa từ soát vé tự động; đây đồng thời là khu vực bố trí một số dịch vụ thương mại, như máy ATM, cửa hàng tiện lợi... Tại các nhà ga, hành khách đi thang bộ từ dưới đất lên tầng 1 mua vé, soát vé, từ tầng 1 lên tầng 2 sẽ có thang cuốn, nhưng khi xuống khách phải đi bộ. Riêng người khuyết tật sẽ đi thang máy từ mặt đất lên các tầng.

Tuy nhiên, hành khách phải lưu ý về một số vấn đề an toàn, đặc biệt với trẻ em, do tại các ga, vị trí chờ tàu, đường ray không có rào chắn, chỉ có làn gạch màu vàng để giới hạn vị trí chờ tàu; độ cao từ nền sân ga tới đường ray tàu (khi không có tàu) khoảng 1m, đường ray đồng thời là đường cấp điện cho tàu. Ngoài ra, khe hở giữa nền nhà ga và tàu cũng khá rộng (khoảng 5cm).

Có mặt trên chuyến tàu chạy thử, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, tới nay dự án cơ bản đã hoàn thành và các phần việc còn lại đang đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đưa metro vào khai thác thương mại cuối năm nay. “Việc chạy đồng loạt 5 đoàn tàu rất thành công, tàu chạy êm, độ rung lắc ít. Đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của chúng ta và được kỳ vọng sẽ giảm tải giao thông nội đô Hà Nội. Hy vọng trong thời gian tới, tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân”, ông Đông nói.

Cục Đăng kiểm đang chuyển sang kiểm định thiết bị ở trạng thái hoạt động.

Nhiều phương án xử lý khi mất điện

Ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Dự án Đường sắt cho hay, tổng nhân sự vận hành ĐSTC Cát Linh - Hà Đông là 681 người. Trong đó, có 201 người đã qua đào tạo ở Trung Quốc, số còn lại được tổng thầu đào tạo trong nước.

ĐSTC Cát Linh - Hà Đông có hệ thống điện gồm 2 đường cấp độc lập và dự phòng, cấp điện cực dương trực tiếp lên ray chạy song song bên cạnh đường tàu chạy. Khi 1 trong 2 đường điện bị ngắt, đường điện còn lại sẽ tự động cấp điện liên tục cho đoàn tàu. Dù khả năng 2 đường điện mất cùng lúc rất thấp nhưng nếu trường hợp đó xảy ra, tàu sẽ tự động dừng lại. Khi tàu dừng do mất điện, hệ thống điện dự phòng (ắc quy) sẽ được bật để cấp điện cho hệ thống điều khiển, tín hiệu bảo vệ, thông gió, chiếu sáng, đóng mở cửa ít nhất 1 lần... Điện dự phòng đủ cấp trong thời gian 30-45 phút để các lực lượng liên quan tổ chức cứu hộ.

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị sẽ tiếp nhận vận hành ĐSTC Cát Linh - Hà Đông) cho biết, hiện Hà Nội đã có quy định khung về vé tiêu chuẩn có thể dùng chung cho ĐSTC và xe buýt (tiến tới cả đỗ ô tô và các phương tiện công cộng khác). Về giá vé, theo ông Trường, đa số người dân chấp nhận được ở mức vé lượt cao hơn xe buýt từ 35 - 37% (khoảng 10.000 đồng/lượt, vé tháng sẽ rẻ hơn) có trợ giá từ ngân sách.

Theo khảo sát của Hà Nội, dọc hành lang tuyến ĐSTC Cát Linh - Hà Đông có 34 tuyến buýt đang hoạt động (như tuyến 01, 02, 19, 21A, 21B, 27...), chiếm 30% số lượng tuyến của toàn mạng xe buýt Hà Nội. Sau khi ĐSTC đi vào hoạt động, các tuyến buýt nói trên có vai trò kết nối khách với tuyến ĐSTC. Đồng thời, tuyến đường phía dưới ĐSTC Hà Nội cũng dự kiến sẽ không cấm taxi để tạo sự liên thông cho hành khách.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (tổ chức các tuyến xe buýt) cho biết, từ 2 năm trước Hà Nội đã chỉ đạo tổ chức các tuyến xe buýt kết nối với ĐSTC Cát Linh - Hà Đông. “Khi ĐSTC đi vào hoạt động, Hà Nội sẽ giảm và điều chỉnh luồng tuyến xe buýt có tỷ lệ song trùng cao với tuyến ĐSTC”, ông Hải nói.

Lê Hữu Việt

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/gan-700-nguoi-van-hanh-tuyen-duong-sat-cat-linh-ha-dong-1326224.tpo