Gần 7 ngàn tỷ đồng đầu tư hạ tầng phát triển thủy sản

Kinh tế biển đang phát huy vai trò chủ yếu trong kinh tế đối ngoại và vai trò đầu tàu thúc đẩy các vùng kinh tế khác phát triển.

Được đầu tư đích đáng nên tàu cá Việt Nam vươn ra biển lớn tự tin, vững vàng hơn trước sóng to, gió lớn

Thực tế xây dựng đất nước trong những thập kỷ qua cho thấy, thu nhập của đất nước từ kinh tế biển càng ngày càng tăng, kinh tế biển đang góp phần ngày càng quan trọng hơn vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Chỉ có đẩy mạnh phát triển kinh tế biển mới đẩy lùi được nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 09 của Trung ương, về phía Bộ NN-PTNT đã chủ động xây dựng kế hoạch, trực tiếp triển khai chương trình hành động cùng với sự nỗ lực của cán bộ công chức, viên chức và người lao động ngành thủy sản đã đạt được những kết quả quan trọng. Kinh tế biển, ven biển được quan tâm đầu tư, phát triển theo hướng khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên biển kết hợp phát triển lâm nghiệp; đẩy mạnh công nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản gắn phát triển nuôi trồng với nâng cao hiệu quả khai thác, đánh bắt; tăng nhanh các ngành dịch vụ du lịch; kết hợp phát triển kinh tế biển bền vững với đảm bảo ANQP vùng biển.

Cùng với đó là xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo thế đứng chân ổn định, vững chắc, sẵn sàng đối phó với các tình huống phức tạp xảy ra trên biển; xây dựng hệ thống nhà ở, tường, kè chống xói lở trên các đảo thuộc quần đảo; quy hoạch, triển khai xây dựng cụm công nghiệp ven biển; công tác quản lý Nhà nước về biển và công tác cải cách hành chính phục vụ phát triển kinh tế được quan tâm đẩy mạnh; thiết lập các dự án, công trình nâng cao chất lượng môi trường ven biển, cải thiện môi trường ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mang tính bền vững...

Trong những năm gần đây, việc đầu tư cho phát triển thủy sản đã được nhà nước và các Bộ, ngành quan tâm nhiều hơn thông qua việc bố trí nguồn kinh phí đầu tư cho lĩnh vực thủy sản đều được tăng lên qua từng năm. Qua đó, góp phần vào việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng các hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động thủy sản gắn với quốc phòng, an ninh trên biển của Việt Nam. Tuy nhiên, mức kinh phí được bố trí cũng như cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu so với các quy hoạch phát triển ngành được phê duyệt và nhu cầu từ tình hình thực tế tại từng địa phương.

Giai đoạn 2011 - 2015, ngân sách Trung ương bố trí đầu tư cho ngành thủy sản được thực hiện thông qua các chương trình hỗ trợ có mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cụ thể: Chương trình tránh trú bão với tổng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu là 1.911/6.393 tỷ đồng (đạt gần 30%); Vốn ngân sách địa phương giải phóng mặt bằng và đầu tư một số hạng mục dịch vụ hậu cần được bố trí khoảng 200 tỷ đồng. Đã hoàn thành 40 khu neo đậu tránh trú bão.

Chương trình đầu tư cảng cá với tổng nguồn vốn bố trí đầu tư các cảng cá khoảng 1.907 tỷ đồng, đạt 31.6% so với nhu cầu (khoảng 6.229 tỷ đồng) đến năm 2015; trong đó, ngân sách trung ương 307 tỷ đồng, vốn ODA khoảng 400 tỷ đồng, vốn Chương trình Biển Đông - Hải Đảo khoảng 1.200 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 2015 - 2018, Ngân hàng Thế giới đang đầu tư nâng cấp 17 cảng cá với tổng mức đầu tư là 30,2 triệu USD thông qua Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) và nguồn vốn từ các địa phương.

Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản (quy mô cả nước), ngân sách trung ương đã hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ hạ tầng từ năm 2012 - 2015 với tổng số là 2.550 tỷ đồng, cơ bản đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư đến năm 2015 theo quy hoạch. Đã đầu tư hoàn thành 260 dự án. Hiện đang thực hiện đầu tư đối với 55 dự án. Chương trình giống thủy sản, ngân sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản với tổng vốn đầu tư là 786 tỷ đồng, đã đầu tư hoàn thành đối với 53 dự án.

Sang giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách đầu tư phát triển thủy sản thực hiện thông qua Chương trình phát triển kinh tế thủy sản bền vững năm 2016 đã bố trí 1.194 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng thủy sản (Khu neo đậu, cảng cá; Hạ tầng nuôi trồng thủy sản; Hạ tầng sản xuất giống thủy sản) của cả nước. Như vậy, từ năm 2011 - 2016 tổng số vốn ngân sách trung ương đã bố trí để đầu tư cơ sở hạ tầng cho phát triển thủy sản khoảng 6.876 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, đến nay hệ thống văn bản đã đáp ứng được nhu cầu thực tế, tháo gỡ các khó khăn trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thi hành, thực tế đã đặt ra các yêu cầu mới dẫn đến Luật Thủy sản năm 2003 đã được sửa đổi, bổ sung thay thế bằng Luật Thủy sản năm 2017 để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và phù hợp với thông lệ và luật pháp quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, phù hợp với các vấn đề mới phát sinh trong thực tế sản xuất, quản lý của ngành thủy sản.

Thanh Hà

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/gan-7-ngan-ty-dong-dau-tu-ha-tang-phat-trien-thuy-san-post228449.html