Gần 60% người sử dụng ma túy đang tự kỳ thị và căm ghét bản thân

'Khi tôi nghiện ma túy, gia đình và những người xung quanh đã cô lập, xa lánh thậm chí là coi thường, kỳ thị. Những lúc ấy, tôi càng có cảm giác chán đời, bất cần và đôi khi lại muốn buông xuôi nên sau cùng thì cứ cai rồi lại tái nghiện không biết bao nhiêu lần'.

“Càng bị xa lánh, kỳ thị càng trở nên bất cần, không nghị lực”

Đó là những chia sẻ của anh Nguyễn Thế Mạnh, ở Hải Phòng. Anh cho biết mình tìm đến heroin là hồi 18 tuổi, là thanh niên mới lớn, do bị tò mò, kích thích về những thứ mới mẻ, cộng thêm việc bị người ta khích bác rằng “mang tiếng là thanh niên mà không biết cái này thì không ra cái gì cả”.

“Lần đầu tiên tôi dùng, không có cảm giác vui thích gì cả, thậm chí tôi bị nôn, khó chịu lắm. Tôi nghĩ, do có cảm giác đó nên mình sẽ không bao giờ nghiện được; Nhưng khi tôi thử hít đến lần thứ 2, thứ 3 rồi thứ 4 dùng thì bắt đầu có cảm giác thoải mái, kích thích về nhà bắt đầu thấy vui vẻ, hát hò, mọi công việc gia đình mình làm gọn gàng, chăm chỉ lắm, dần dần bị lệ thuộc vào thuốc lúc nào không hay.

Đến một ngày tôi không dùng thuốc, cảm giác đầu tiên là toát mồ hôi ra, nổi gai ốc rồi ngáp. Khi ấy, tôi vẫn chưa biết là mình bị vã thuốc; Đến khi hỏi bạn, nó bảo đó là lên cơn thèm thuốc. Tôi phải đi mua về dùng ngay thì thấy người hết khó chịu – Đấy mới là lúc tôi nhận ra mình đã chính thức bị nghiện rồi. Sau đó, tôi đã nhiều lần nghĩ mình phải cai, phải từ bỏ; nhưng điều này thực khó. Mọi thứ cứ như cái vòng luẩn quẩn.

Theo anh Nguyễn Thế Mạnh: "Nhiều lần muốn cai, nhưng gặp đúng thời điểm bị kỳ thị, buồn chán thì lại dễ tái nghiện".

Theo anh Nguyễn Thế Mạnh: "Nhiều lần muốn cai, nhưng gặp đúng thời điểm bị kỳ thị, buồn chán thì lại dễ tái nghiện".

"Trong khi bản thân luôn thèm thuốc, người lúc nào cũng bức bách, khó chịu, chỉ nghĩ đến chuyện làm thế nào để có tiền đi mua thuốc... thì lại bị những áp lực đến từ người thân, từ những người xung quanh, hàng xóm, bạn bè là không nhỏ; Mình nghiện, người ta chỉ nhìn hình hài bên ngoài là nhận ra ngay, không giấu được; Bên ngoài, cứ nhìn thấy mình là người ta e dè, kỳ thị, với người thân trong nhà thì tỏ thái độ, không lúc nào vui vẻ được… Vậy là nhiều khi muốn cai, nhưng rồi đối mặt với thái độ của gia đình, của những người xung quanh lại thấy buồn, chán thế là không đủ can đảm cai nữa, lại bất cần…, lại tìm đủ mọi cách để có tiền mua thuốc, thậm chí sẵn sàng giật tiền trên tay người khác, đồ đạc trong nhà cứ mang đi bán… Càng như vậy thì lại càng bị mọi người xung quanh lên án, xa lánh, trừng phạt;

Về sau, tôi sa đà sâu hơn, từ hít, chuyển sang chích rồi chơi cỏ, chơi đá… Có lần, bị buồn chuyện gia đình quá, bị người thân rời bỏ, chỉ sống một mình ở nhà thì càng chán, càng buồn càng sa đà. Khi ấy, tôi sử dụng đá thông ngày thông đêm, nhiều ngày không ngủ đến mức bị ảo giác, đi xuống bếp, đi xuống nhà vệ sinh, đi đến đâu cũng cảm giác có người theo dõi mình… Khi này, sợ quá, tôi đi tìm đến bác sĩ tâm lý để hỏi, bác sĩ bảo thần kinh bị quá tải rồi, cần phải giảm liều lượng và thời gian sử dụng giãn ra nếu không thì sẽ bị điên…”.

Với Nguyễn Thanh Hải (áo sọc) SN 1983, ở Hải Phòng cũng chia sẻ về việc mình chơi thuốc từ năm 17 tuổi và thực sự rất khó cai. Thanh Hải đã phải nhiều lần tự cai ở nhà, nhiều lần đi trại cai nghiện rồi nhưng khi trở về, cứ thấy buồn chán, ức chế chuyện về gia đình, về những người xung quanh, sau đó thấy bạn nghiện rủ rê thì lại muốn buông xuôi và lại tái nghiện…

Hiện cả anh Mạnh và Hải đều đang sử dụng chương trình uống Methadone thay thế và không còn sử dụng ma túy nữa. Tuy nhiên, theo anh Mạnh: “Mặc dù mình đã cố thay đổi, đã sống khác trước nhưng giờ đây, khi những người xung quanh nhìn thấy mình, người ta vẫn có điểm gì đó sợ, tránh né”.

Cô lập và trừng phạt không phải là giải pháp

Đó là quan điểm của bác sĩ Nguyễn Song Chí Trung - Trung tâm Chuyển giao công nghệ điều trị nghiện và HIV - ĐH Y Dược TP.HCM. Anh cho biết, chính sự kỳ thị và phân biệt đối xử là một rào cản nghiêm trọng hạn chế việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ và tiếp cận hỗ trợ của người sử dụng ma túy. “Nhóm này sẽ phải chịu sức ép rất lớn từ việc bị kỳ thị khiến họ càng khép kín và bế tắc hơn. Càng bị cô lập thì việc chẩn đoán các rối loạn sẽ càng muộn, điều trị sẽ bị trì hoãn, khiến cho những tổn thương do nghiện ma túy và rối loạn tâm thần gây ra cho não bộ sẽ khó hồi phục và mất thời gian hơn rất nhiều” – bác sĩ Trung phân tích.

Theo chị Nguyễn Thùy Linh, Quản lý chương trình liên quan đến sức khỏe tâm thần và sử dụng ma túy của SCDI (Hà Nội): “Hiện có đến gần 60% người sử dụng ma túy đang tự kỳ thị và căm ghét bản thân dựa trên phản ứng của mọi người xung quanh khi biết tình trạng sử dụng ma túy của họ, hơn 40% trong số các bạn thường xuyên cảm thấy cô đơn và có ý định tự tử. Chính vì thế, kỳ thị và phân biệt đối xử là một rào cản nghiêm trọng hạn chế việc chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ và tiếp cận hỗ trợ người sử dụng ma túy; có đến 65.9% lo sợ phản ứng của mọi người nếu biết mình sử dụng ma túy và 53.8% cảm thấy cần thiết phải giấu tình trạng”.

Theo chị Nguyễn Thùy Linh (đứng): "Kỳ thị và phân biệt đối xử là một rào cản nghiêm trọng trong các hoạt động hỗ trợ người nghiện"

Do vậy theo các chuyên gia, gia đình và bạn bè đóng vai trò quan trọng trong việc giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của lạm dụng ma túy và rối loạn tâm thần khi và chỉ khi tạo được một mối quan hệ chân thành, một không gian an toàn để các bạn thanh thiếu niên có thể tin tưởng và cảm thấy thoải mái chia sẻ các vấn đề của mình. Các bạn có thể tham gia điều trị đã tốt, nhưng đó mới chỉ là một khía cạnh trong toàn bộ quá trình hồi phục của người nghiện ma túy và/hoặc có vấn đề về sức khỏe tâm thần và luôn cần sự đồng hành lâu dài của gia đình, bạn bè và cộng đồng.

Bên cạnh đó, sự đầu tư từ chính phủ và sự tham gia của các khu vực xã hội, y tế và giáo dục trong các chương trình can thiệp lồng ghép mang tính toàn diện về sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên là vô cùng cần thiết. Các can thiệp này nên kết nối với các chương trình nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên cách chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bản thân, cũng như dạy cho các em cách hỗ trợ bạn bè cùng trang lứa, cho phụ huynh và giáo viên hỗ trợ con em mình.

Anh Nguyễn Thế Mạnh: “Thật sự, người nghiện ma túy cần lắm sự giúp đỡ từ gia đình, cộng đồng. Điều này là rất khó nhưng nếu người thân thật sự kiên trì thì có thể giúp được. Cơ thể người nghiện đang rất cần thuốc, đã 3-5 ngày thiếu thuốc, nó đang đòi hỏi, lại rơi đúng vào lúc cảm thấy bị bỏ rơi, xua đuổi, ức chế thì người nghiện sẽ lại lao đi tìm thuốc ngay, không còn nghị lực cai nữa. Ngoài ra, người nghiện cũng rất cần người thân, cộng đồng và có những kiến thức về ma túy và tâm lý người sử dụng ma túy. Nếu như gia đình được bác sĩ tâm lý tư vấn, nói chuyện, phân tích để mọi người trong nhà hiểu, hợp tác và hỗ trợ người nghiện thì là điều tốt. Nếu không có được điều này, người nghiện rất khó vượt qua”.

*Trích chia sẻ của anh Nguyễn Thế Mạnh về những khó khăn và sự kỳ thị, xa lánh:

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/gan-60-nguoi-su-dung-ma-tuy-dang-tu-ky-thi-va-cam-ghet-ban-than-post51708.html