Gần 500 thanh niên khó khăn được tạo việc làm bền vững

VH- Gần 500 học sinh khó khăn được tuyển sinh và đào tạo nghề trình độ sơ cấp và trung cấp; 1.559 học viên được đào tạo kỹ năng mềm và 1.698 học viên được đào tạo và cấp chứng chỉ về an toàn lao động và sẵn sàng tham gia thị trường lao động...

Đây là kết quả sau ba năm triển khai Dự án “Dạy nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Nội” do Tổ chức Plan International phối hợp Trường Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội và Trường Cao đẳng xây dựng công trình đô thị thực hiện từ năm 2015 – 2018 với tổng kinh phí hơn 39 tỉ đồng.

Theo đó, các học viên được đào tạo nghề trình độ trung cấp và sơ cấp các nghề: Hàn, đường ống công nghệ, công nghệ ô-tô, công nghệ hàn, điện lạnh, điện công nghiệp và dân dụng… Theo đánh giá, tỷ lệ học viên sau 4 tháng đi làm có thu nhập ổn định với mức lương 5 triệu đồng/tháng chiếm 62%; với mức lương này hơn một nửa thanh niên đã có tiết kiệm gửi về cho gia đình. Dự án không chỉ mang lại điều kiện cho thanh niên khó khăn có cuộc sống tốt đẹp hơn mà còn tạo những cơ hội mới cho hai trường đào tạo, đó là mở ra các ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường; kết nối mạng lưới 100 doanh nghiệp để các học sinh được học tập, thực hành và có việc làm ngay sau khi kết thúc khóa học.

Bên cạnh đó, Dự án còn xây dựng bộ tài liệu lồng ghép kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo nghề. Bộ tài liệu được xây dựng dựa trên đánh giá thực trạng kiến thức, kỹ năng sống của thanh niên đang theo học đào tạo nghề và yêu cầu về nguồn nhân lực có chất lượng của các doanh nghiệp. 100% sinh viên của hai trường Cao đẳng nghề đã được cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm thích ứng được với môi trường học nghề, đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng bước vào thị trường lao động. Ông Đỗ Năng Khánh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) cho rằng, trong thời đại cách mạng 4.0, máy móc thay thế người lao động thì người lao động phải khẳng định mình không chỉ ở trình độ, tay nghề mà cả ở kỹ năng mềm như thế mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp. Chúng tôi đã và đang yêu cầu sẽ triển khai chương trình này trên toàn hệ thống đào tạo nghề của Việt Nam.

NGUYÊN KHANG

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/kinh-t%E1%BA%BF/g%E1%BA%A7n-500-thanh-ni234n-kh243-kh%C4%83n-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-t%E1%BA%A1o-vi%E1%BB%87c-l224m-b%E1%BB%81n-v%E1%BB%AFng