Gần 500 cột điện gãy, đổ sau bão số 5, trách nhiệm của ai?

Cơn bão số 5 quét qua các tỉnh miền Trung vừa qua đã làm cho 473 cây cột điện ở các tỉnh miền Trung bị gãy, đổ. Ngành Điện lực đã có những giải thích ban đầu về nguyên nhân các cây cột điện gãy đổ, nhưng những giải thích này chưa làm cho những người vừa tâm về vấn đề này hài lòng.

Bão số 5 vừa đi qua ngay lập tức trên mạng xã hội facebook tràn ngập hình ảnh và các bài viết về chuyện “những cột điện gãy”.

Bức ảnh về một cây cột điện gãy trước nhà số 102 Tôn Đản, TP Đà Nẵng được một người dân chụp lại nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội facebook một cách chóng mặt. Trước sự việc này, ngay lập tức Điện lực Đà Nẵng đã phải lên tiếng “thanh minh”.

Cây cột điện bị gãy do bão số 5 tại Đà Nẵng

Cây cột điện bị gãy do bão số 5 tại Đà Nẵng

Theo Điện lực Đà Nẵng, Cột điện trước số nhà 102 Tôn Đản là cột điện bê tông ly tâm 8,4m thuộc đường dây hạ áp số A1/1/2 thuộc trạm biến áp Ngã Ba Huế 6. “Cột dự ứng lực được sản xuất theo tiêu chuẩn TCVN 5847:2016 và TCVN 6284 - 1997, có các sợi thép chịu lực được kéo giãn khi gia công đúc cột tại nhà máy. Khi có lực tác động lớn làm gãy cột thì các sợi thép này có xu hướng tụt vào bên trong thân cột (khoảng 1cm, do trước đó đã được kéo giãn)”, ông Võ Hòa - Phó giám đốc Công ty Điện lực Đà Nẵng giải thích.

Trong khi đó, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVNCPC) cũng cho biết, bão số 5 đã làm 304 cột điện bị gãy, 169 cột đổ và 143 cột nghiêng. Trong số 304 cột điện bị gãy có 34 cột dự ứng lực (tỉ lệ 11,2%) và 270 cột bê-tông thường (88,8%). Theo EVNCPC, cột điện gãy, đổ có nguyên nhân từ cây xanh ngã đổ vào đường dây, gây lực tác động kép bất thường, quá khả năng chịu đựng của kết cấu cột, xà sứ, dây dẫn... dẫn đến hư hỏng kết cấu hạ tầng lưới điện và gãy cột. Một số vị trí cột điện nằm ngoài khu dân cư, ở các vị trí góc, khi có gió giật mạnh và hướng gió thay đổi làm xoáy và đứt các dây néo cũng là nguyên nhân làm gãy, đổ cột.

Mặc dù ngành điện đã lên tiếng giải thích nhưng việc giải thích đó chưa làm cho những người quan tâm đến vấn đề này hài lòng. Anh Hồ Xuân Mai - Kỹ sư Xây dựng nêu vấn đề: Trước hết cấu kiện cần thép hay không thì phải xem xét nó làm việc như thế nào thì có cần thép hay không cần thép. Vật liệu bê tông chịu nén tốt, nhưng chịu kéo rất kém, nên sẽ bị phá vỡ nếu chịu lực uốn và lực kéo. Vật liệu thép thì vừa chịu kéo, chịu nén, cắt uốn tốt nên kết cấu bê tông cốt thép ra đời để khai thác khả năng làm việc của 2 loại vật liệu này.

Bão số 5 làm 473 cây cột điện ở các tỉnh miền Trung gãy đổ

Nói nôm na, khi một kết cấu bê tông cốt thép làm việc, phần chịu kéo, chịu uốn sẽ do vật liệu thép làm việc, còn phần nén thì bê tông và thép cùng làm việc. Vậy nên trong một kết cấu bê tông cốt thép, việc bố trí thép trong mặt cắt tiết diện kết cấu là không giống nhau, vị trí chịu kéo, uốn sẽ có thép nhiều hơn.

Quay lại với kết cấu cột điện, nó phải có thép và thép này được tính toán đầy đủ đảm bảo khả năng làm việc trong mặt phẳng và ngoài mặt phẳng. Hơn nữa, do đặc tính làm việc của kết cấu này, nên việc thiết kế kết cấu cho cấu kiện phải có chỉ số độ an toàn như hệ số an toàn do thiên tai, động đất, làm việc ngoài mặt phẳng, trường hợp bất lợi... Nói về việc gia công cấu kiện bằng đổ bê tông thường, bê tông ly tâm hay không ly tâm cũng không mấy quan trọng lắm nếu kỹ thuật đúc cấu kiện đảm bảo chất lượng tốt. Những cột điện thi công theo phương pháp đúc bê tông thường ngày xưa vẫn bền vững là một minh chứng.

Việc dự ứng lực hay không dự ứng lực là một vấn đề khác nhằm tăng cường khả năng làm việc ổn định của cấu kiện cũng như tiết kiệm được chi phí sản xuất cấu kiện. Nếu dự ứng lực để giảm chi phí sản xuất mà hạn chế khả năng làm việc của cấu kiện trong điều kiện bất lợi thì cần phải xem lại.

Nói vậy có nghĩa là việc sản xuất cột điện phải tính toán đầy đủ các yếu tố như: gió bão và cây gãy đổ hay đứt dây điện, điều kiện thi công,… những yếu tố bất lợi khiến cột điện bị phá hủy, bị gãy đều phải được tính đến trong quá trình thiết kế kết cấu, phương pháp sản xuất cấu kiện. Nên việc gió bão như vừa qua mà hàng loạt các cột điện gãy ngang gốc cho thấy cần xem lại hệ số an toàn đối với trụ điện loại này ở từng địa phương, nhất là ở vùng thường xuyên chịu bão lớn như ở các tỉnh miền Trung.

Dư luận quan tâm nhiều đến chất lượng của các cột điện sau bão số 5

Rõ ràng, với một cơn bão được đánh giá là không quá lớn như bão số 5 vừa qua nhưng đã làm cho hơn 304 cây cột điện bị gãy đổ thì các bên liên quan nên xem lại vấn đề về chất lượng của các cây cột điện hiện nay. Đó là chưa nói đến vấn đề trách nhiệm của ngành Điện lực đến đâu nếu như những cây cột điện gãy đổ có thể gây thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân.

Vấn đề mà người dân quan tâm hơn hết cả lúc này là sau sự việc này, ngành Điện lực sẽ có phương án bố trí, gia cố cột điện như thế nào để giảm thiểu thiệt hại, đề phòng tai nạn cho người dân trong thời gian tới khi nước ta nhất là các tỉnh miền Trung liên tục phải hứng chịu nhiều cơn bão trong mỗi năm.

Phải chăng, ngành Điện lực nên tính toán đến các phương án sản xuất cột điện cho từng vùng có đặc thù khác nhau thay vì viện lý do cột điện đã được sản xuất theo tiêu chuẩn này, tiêu chuẩn nọ để đưa vào các báo cáo khi sự cố xảy ra.

Xuân Nha

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/gan-500-cot-dien-gay-do-sau-bao-so-5-trach-nhiem-cua-ai-95037.html