Gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên

Báo cáo về tình hình việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động 6 tháng đầu năm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, có khoảng 84,8% số doanh nghiệp gặp khó khăn; gần 67% số doanh nghiệp được khảo sát đã thực hiện ít nhất một trong bốn giải pháp về lao động để ứng phó với tác động của dịch bệnh.

Cụ thể, các giải pháp các công ty đã triển khai để ứng phó với tác động của dịch bệnh, gồm: Cắt giảm lao động, giãn việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc không lương, cắt giảm lương. Trong đó, cho lao động giãn việc, nghỉ luân phiên là giải pháp được áp dụng phổ biến nhất; có hơn 28% số doanh nghiệp đã phải cắt giảm lao động; chỉ có hơn 5% số doanh nghiệp cho biết đã tranh thủ thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động.

Tính chung đến giữa tháng 4/2020, cả nước có gần 5 triệu lao động bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên tập trung ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú, ăn uống ... Theo báo cáo của các cấp công đoàn , tính đến hết tháng 4, có 5.681 doanh nghiệp và 1.310 đơn vị sự nghiệp ngoài công lập phải giải thể, ngừng việc, thu hẹp quy mô sản xuất, tác động đến đời sống, việc làm của hơn 461 nghìn người lao động.

Tại một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp để người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trong khi doanh nghiệp vẫn có thể duy trì sản xuất. Một số doanh nghiệp gia công hàng xuất khẩu (tập trung tại các ngành dệt may, da giày…) do ảnh hưởng từ việc cắt giảm đơn hàng xuất khẩu vào các thị trường chủ yếu bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 (Mỹ, châu Âu…) đã thực hiện việc chấm dứt hợp đồng với một bộ phận người lao động, tác động không nhỏ đến đời sống của người lao động, nhất là đối với các gia đình có nhiều thành viên cùng thuộc diện bị cắt, giảm, chấm dứt hợp đồng lao động.

B.D

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/gan-5-trieu-lao-dong-bi-mat-viec-gian-viec-nghi-luan-phien-109928.html