Gần 400 hiện vật, tài liệu, hình ảnh quý trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Gần 400 hiện vật, tài liệu, hình ảnh quý giá liên quan tới lịch sử báo chí đã được trao tại lễ tiếp nhận hiện vật lần thứ 12 trong khuôn khổ của Hội báo Toàn quốc 2019.

Chiều 15-3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2019, Hội Nhà báo Việt Nam và Bảo tàng Báo chí Việt Nam tổ chức buổi lễ tiếp nhận hiện vật lần thứ 12.

Buổi lễ tiếp nhận hiện vật đã diễn ra trong không khí xúc động, thắm tình đồng chí, đồng nghiệp của những người làm công tác báo chí.

Đồng chí Mai Đức Lộc, Phó chủ tịch chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, những hiện vật, tài liệu, hình ảnh là tình cảm của các thế hệ người làm báo gửi đến Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Chúng tôi luôn trân quý và cảm ơn tấm lòng của các nhà báo dành cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Đồng chí Mai Đức Lộc, Phó chủ tịch chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam. (Ảnh Mộc Miên)

Đồng chí Mai Đức Lộc, Phó chủ tịch chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam. (Ảnh Mộc Miên)

"Nói đến Bảo tàng là nói đến hiện vật, là công tác phát huy các giá trị của chúng. Bảo tàng Báo chí Việt Nam là bảo tàng của tất cả các thế hệ nhà báo Việt Nam, của nhân dân. Nhận thức sâu sắc điều đó, những năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam đã nỗ lực sưu tầm, triển khai cuộc phát động hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam", đồng chí Mai Đức Lộc cho hay .

Tại đợt tiếp nhận hiện vật lần thứ 12, những hiện vật, tài liệu, hình ảnh bao gồm phương tiện dùng để nhà báo tác nghiệp như máy thu thanh, máy quay, máy ảnh, loa, radio, đầu đĩa... hay những bút tích, hình ảnh, hồi ký của các nhà báo trong thời kỳ chiến tranh...

Trong đó, Máy chữ, Máy ảnh, Sưu tập báo nước ngoài, Bức ảnh trụ sở báo Độc lập gia đình cố Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, nhà báo Trần Văn Lưu. Đầu đọc SHARP, VC SH 1000 và Camera Panasonic M3000, ghi lại các chương trình thát thanh, truyền hình hàng ngày, những vật dụng này được sản xuất tại Nhật Bản, được Đài PT – TH Cao Bằng sử dụng từ những năm 1994 đến 1998.

Bằng những xúc cảm đặc biệt, nhà nhiếp ảnh Trịnh Hải đã kể câu chuyện về lý do ông lưu giữ 1 tháng tập báo Nhân dân năm 1969, về bức ảnh Bác Hồ dự mít tinh ngày 1-5-1968.

Nhà nhiếp ảnh Trịnh Hải cũng hiến tặng ảnh Bác Hồ dự mít tinh ngày 1-5-1968 và bộ sưu tập 1 tháng báo Nhân Dân năm 1969, bìa in báo.

Tại buổi lễ tiếp nhận, đồng chí Mai Đức Lộc và nhà báo Trần Kim Hoa - GĐ Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã trao chứng nhận cho các nhà báo về những đóng góp cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Đồng chí Mai Đức Lộc trao chứng nhận cho đại diện gia đình nhà báo Nguyễn Văn Nhất đã hiến tặng ảnh PTV Nguyễn Văn Nhất và PTV Dương Thị Ngân đang truyền thanh nhân dịp Quốc khánh 2-9-1960 tại Quảng trường Ba Đình.

Nhà báo Lê Văn Ba hiến tặng một số tờ báo phát hành từ 1950-1987; máy đánh chữ sử dụng từ năm 1954 đến 1962

Nhà báo Nguyễn Văn Vinh hiến tặng ảnh về mục: “Điểm tin chiến sự” trong buổi truyền hình đầu tiên và một số tư liệu ảnh báo chí thời kỳ đầu của THVN.

Nhà báo Trần Kim Hoa - GĐ Bảo tàng Báo chí Việt Nam trao chứng nhận cho nhà báo Nguyễn Tiến Nên khi ông hiến tặng: 1 loa phát thanh, 1 máy ghi âm.

Xúc động trước tình cảm của các thế hệ nhà báo trao tặng các hiện vật, tư liệu, hình ảnh quý, GĐ Bảo tàng Báo chí Việt Nam- nhà báo, nhà thơ Trần Kim Hoa luôn coi đó là tình cảm quý giá và hứa giữ gìn những tài sản quý giá đó.

Ngày 28-7-2017, Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức được thành lập. Trước đó, Ban Quản lý Dự án đã nhận được sự ủng hộ hết lòng của các cấp, ngành, các tập thể và cá nhân, các nhà báo, gia đình nhà báo và công chúng báo chí trong cả nước. Hiện tại, nhiều hiện vật, tư liệu quý đã được tập hợp, nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ để phục vụ kế hoạch trưng bày.

Theo GĐ Bảo tàng Báo chí Việt Nam, dự kiến đến quý 3-2019 Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ chính thức mở cửa đón tiếp công chúng cả nước.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/gan-400-hien-vat-tai-lieu-hinh-anh-quy-trao-tang-bao-tang-bao-chi-viet-nam-140306.html