Gần 4 triệu người nhiễm Covid-19 tại Mỹ

Tính đến 6h sáng 21-7, toàn thế giới có 14.832.104 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 612.266 trường hợp tử vong và 8.888.861 bệnh nhân đã hồi phục.

Một khu phố mua sắm đông đúc tại thành phố Sao Paulo (Brazil).

Châu Mỹ

Mỹ hiện vẫn là điểm nóng hàng đầu thế giới về dịch Covid-19, với 3.957.609 ca dương tính và 143.734 bệnh nhân tử vong.

Tính tới cuối tuần qua, ít nhất 107.000 người tại Mỹ đã tình nguyện đăng ký tham gia quá trình thử vắc xin chống Covid-19 cho giai đoạn 3 vào mùa thu, gần đạt được con số cần thiết đặt ra là 120.000 người. Ông Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia cho biết, việc có nhiều người sẵn sàng tham gia thử vắc xin là dấu hiệu lạc quan cho thấy quá trình này sẽ được tiến hành một cách nhanh chóng.

Ngày 20-7, Đại học Oxford và hãng dược phẩm AstraZeneca đã thông báo những kết quả tích cực trong nỗ lực phát triển vắc xin ngừa Covid-19. Thông tin lạc quan này cũng giúp nhiều chỉ số chứng khoán chủ chốt tăng nhẹ khi chốt phiên giao dịch cùng ngày.

Trong khi đó, tại Brazil, dịch Covid-19 cũng đang lây lan nhanh chóng với tổng cộng 2.118.646 trường hợp dương tính và 80.120 người đã tử vong. Các chuyên gia nhận định số người nhiễm Covid-19 trên thực tế tại Brazil thậm chí còn cao hơn rất nhiều do nước này chưa tiến hành xét nghiệm trên quy mô lớn.

Ngày 20-7, thêm hai bộ trưởng chính phủ Brazil cho biết, họ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, gây lo ngại dịch bệnh bùng phát tại tâm dịch lớn thứ hai thế giới, ngay cả trong giới tinh hoa chính trị. Cụ thể, trên các phương tiện truyền thông xã hội, Bộ trưởng Công dân Onyx Lorenzoni và Bộ trưởng Giáo dục mới được bổ nhiệm Milton Ribeiro đều công bố đã nhiễm Covid-19 và đang được cách ly.

Châu Âu

Ngày 20-7, bước sang ngày làm việc thứ tư của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại thủ đô Brussels (Bỉ), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bày tỏ kỳ vọng các nước thành viên EU cuối cùng sẽ đạt được thỏa thuận về kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Các nhà lãnh đạo EU vẫn đang chia rẽ về đề xuất ngân sách dài hạn trị giá 1.074 tỷ euro và quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 trị giá 750 tỷ euro nhằm khắc phục những thiệt hại do cuộc khủng hoảng, cải tổ nền kinh tế và định hình lại xã hội trên tinh thần đồng nhất, thích ứng và chuyển đổi.

Ngày 20-7, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết, tỷ lệ nhiễm Covid-19 tại nước này đã tăng gấp 3 lần trong vòng 3 tuần qua, kể từ khi các biện pháp hạn chế đi lại dần được nới lỏng. Theo Phó trưởng Ủy ban Y tế khẩn cấp Maria Sierra, tỷ lệ nhiễm Covid-19 đã tăng vọt từ 8 trường hợp trên 100.000 dân vào cuối tháng 6 lên 27 trường hợp trên 100.000 dân. Các nhà chức trách đang nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của các ổ dịch mới, chủ yếu xuất hiện tại vùng Catalonia và Aragon.

Ngày 20-7, giới chức Pháp thông báo đã ghi nhận khoảng 400 - 500 ổ dịch Covid-19 trong thời gian qua, song không có dấu hiệu cho thấy nguy cơ tái bùng phát dịch bệnh. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho biết, nhiều ổ dịch hiện nay có liên quan tới các cơ sở giết mổ và các trung tâm chăm sóc như nhà dưỡng lão, còn những ổ dịch khác có nguồn gốc từ các cuộc tụ họp trong gia đình trong dịp nghỉ hè.

Ngày 20-7, Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga Kirill Dmitriev cho biết, chính phủ nước này sẽ sản xuất 30 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 để tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên người và có thể sản xuất lên tới 170 triệu liều vắc xin để tiến hành quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 tại nước ngoài.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga và Viện Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh học Gamaleya cũng đã hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng đối với vắc xin ngừa Covid-19 do Nga phát triển trên nhóm đối tượng gồm 20 tình nguyện viên. Đây là nhóm tình nguyện thứ hai tham gia thử nghiệm và được xuất viện với kết luận an toàn khi sử dụng, không gây tác dụng phụ và bước đầu tạo ra phản ứng miễn dịch. Dự kiến, 100 tình nguyện viên sẽ tham gia giai đoạn thử nghiệm tiếp theo.

Châu Phi

Ngày 20-7, phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến, Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Michael Ryan cảnh báo, sự lây lan của dịch Covid-19 đang gia tăng tại Nam Phi và có thể là dấu hiệu báo trước cho việc dịch bệnh bùng phát trên khắp châu lục này nếu không có các hành động khẩn cấp và sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Minh Hiếu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/973338/gan-4-trieu-nguoi-nhiem-covid-19-tai-my