Gần 4.000 căn hộ tái định cư 'ế ẩm': Vì sao doanh nghiệp, người dân không mặn mà?

Trong tháng 6/2021, TP. Hồ Chí Minh sẽ bán đấu giá 3.790 căn hộ tái định cư thuộc khu 38,4ha phường Bình Khánh.

Các căn hộ tái định cư được rao bán nhiều lần nhưng vẫn chưa có người mua.

Các căn hộ tái định cư được rao bán nhiều lần nhưng vẫn chưa có người mua.

TP. Hồ Chí Minh vừa đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND Thành phố quyết định điều chỉnh mục tiêu dự án, quỹ nhà phục vụ tái định cư sang nhà ở xã hội hoặc thương mại thay cho Bộ Xây dựng, theo Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ.

Hàng ngàn căn hộ tái định cư đã được xây xong từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn không có người ở

Về kiến nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu nếu chuyển sang nhà ở thương mại dứt khoát phải qua đấu giá để tránh tiêu cực, thất thoát.

Theo Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết năm 2019, nguồn cung nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là 9.434 căn hộ và 2.254 nền đất chưa sử dụng tại 163 dự án.

Trong số đó, Khu tái định cư Bình Khánh (quận 2) có diện tích 38,4 ha và hàng chục block chung cư cao tầng, quy mô 12.500 căn hộ được hoàn thành từ năm 2015 nhưng đến nay còn hơn 5.300 căn hộ bỏ trống thuộc các lô từ R1 đến R7. Sau 5 năm, hàng nghìn căn hộ đã bắt đầu xuống cấp.

Tương tự, Khu tái định Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với 45 block chung cư 5 tầng (1.939 căn hộ) được đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng đến nay còn gần 1.000 căn hộ bỏ trống.

Theo Trung tâm quản lý nhà và giám định xây dựng, năm 2020 UBND TP. Hồ Chí Minh ghi vốn chi khoảng 71 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng số lượng căn hộ tái định cư bỏ hoang này.

Chia sẻ với Diễn đàn doanh nghệp, một doanh nghiệp cho biết mặc dù TP. Hồ Chí Minh bán đấu giá nhiều lần nhưng không có doanh nghiệp tham gia vì giá căn hộ đưa ra quá cao so với giá trị thực tế.

Cụ thể, với 3.790 căn hộ tái định cư được chào bán giá 9.900 tỷ đồng, tương đương mỗi căn hộ có giá hơn 2,6 tỉ đồng. "Nếu mua với giá trên, để bán được hàng doanh nghiệp phải tu sửa lại toàn bộ dự án, xây dựng thêm tiện ích khi đó giá bán có thể phải tăng lên 3-4 tỷ đồng/căn hộ, dù dự án vẫn mang tên nhà tái định cư" - doanh nghiệp này cho biết.

Đánh giá về đề xuất của TP. Hồ Chí Minh, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh lưu ý, các dự án tái định cư được chuyển sang dự án nhà ở xã hội hay nhà ở thương mại đều được pháp luật quy định. Trong đó, người có thẩm quyền đã chấp thuận chủ trương đầu tư trước đây sẽ là người quyết định điều chỉnh.

Nếu sang nhà ở xã hội, Thành phố có ngay một quỹ đất để kết hợp giải quyết nhà cho những người thuộc diện được hưởng chính sách. Nếu chuyển sang nhà ở thương mại thì sẽ bán và thu về một nguồn vốn lớn.

Tuy nhiên, việc bán căn hộ, nhà ở riêng lẻ nên đưa ra đấu thầu để lựa chọn một đơn vị đấu giá, từ đó thực hiện việc đấu giá từng căn hộ, từng nhà ở riêng lẻ. Qua đó, giúp cho thị trường bất động sản thêm minh bạch.

“Ngược lại, cần lưu ý nếu thành phố bán cả dự án thành một lô thì không thu được nhiều nguồn ngân sách. Điều này cũng có nhiều hạn chế như việc người dân không tiếp cận được, chỉ có các doanh nghiệp thu gom mới có thể tham gia rồi bán lại cho dân với giá cao”, Luật sư Phượng cho biết.

Theo Phương Uyên/batdongsan.enternews.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thi-truong-tai-chinh/gan-4000-can-ho-tai-dinh-cu-e-am-vi-sao-doanh-nghiep-nguoi-dan-khong-man-ma-334008.html