Gần 35.000 người 'nhường ghế' trước tuổi, nóng chuyện sáp nhập sở, ngành

UBND cấp tỉnh có thẩm quyền trình HĐND cùng cấp giữ ổn định hoặc hợp nhất 10 sở gồm: KH&ĐT; Tài chính; GTVT; Xây dựng; Nông nghiệp và PTNT; Công Thương; Giáo dục Đào tạo; Khoa học Công nghệ; Văn hóa, TT&DL; TT&TT...

Chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp các sở ngành tại các Thành phố trực thuộc Trung ương… là những vấn đề được báo giới đề cập đến tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra vào chiều 20/8 do Bộ Nội vụ tổ chức.

Từ 2015 đến nay, tinh giản biên chế 39.823 người

Ông Vũ Đăng Minh - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết: Bộ Nội vụ đã tập trung sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 6.1.2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Theo đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 3963/VPCP-TCCV ngày 4.5.2018 đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản đã ban hành về chủ trương tinh giản biên chế.

"Tổng số người tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP được Bộ Nội vụ thẩm tra từ 2015 đến ngày 6.8.2018 là 39.823 người (năm 2015 là 5.778 người; năm 2016 là 11.923 người; năm 2017 là 12.660 người; 7 tháng đầu năm 2018 là 9.462 người)" - ông Minh nói.

Trong đó, hưởng chính sách về hưu trước tuổi: 34.515 người chiếm 86,67%; hưởng chính sách thôi việc ngay 5.234 người chiếm 13,14%; hưởng chính sách thôi việc sau khi đi học: 29 người chiếm 0,07%; hưởng chính sách chuyển sang các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước: 40 người chiếm 0,1%.

Tính theo cơ quan, đơn vị, các cơ quan Đảng, đoàn thể tinh giản 1.646 người, chiếm 4,13%; các cơ quan hành chính 4.726 người, chiếm 11,87%; các đơn vị sự nghiệp công lập 27.102 người, chiếm 68,06%; cán bộ công chức cấp xã 6.141 người, chiếm 15,42%; doanh nghiệp nhà nước: 192 người, chiếm 0,48%; hội 16 người, chiếm 0,4%.

Ông Minh cũng cho biết: Các bộ, ngành khối trung ương đã thực hiện việc tách, nhập, điều chỉnh các cục, vụ, viện phù hợp với tổ chức của bộ đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế.

Tại địa phương, chính quyền cấp tỉnh ban hành các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các sở, ban, ngành, các trung tâm, các quyết định thành lập mới, giải thể, chia, tách sáp nhập các cơ quan đơn vị thuộc thẩm quyền của ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế theo tinh thần các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và theo quy định của Pháp luật.

"Bộ Nội vụ đã thực hiện nghiêm quy định của trung ương, chỉ đạo của Thủ tướng về vấn đề tinh giản biên chế. Sau 1 năm, Bộ đã có báo cáo sơ kết, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Nội vụ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này" - Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

3 phương án sắp xếp các sở, ngành tại các thành phố trực thuộc Trung ương

Cũng tại cuộc họp báo cơ quan này đã thông tin về nội dung dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa

Theo đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, với 17 sở, ngành đang tổ chức thống nhất trong cả nước hiện nay, hiện có đề xuất chia thành ba nhóm. Nhóm thứ nhất là 4 sở được đề xuất giữ nguyên: Tư pháp; Tài nguyên Môi trường; Lao động - Thương binh Xã hội; Y tế.

Nhóm thứ hai là 10 sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp giữ ổn định hoặc hợp nhất, gồm các sở: Kế hoạch Đầu tư; Tài chính; Giao thông Vận tải; Xây dựng; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Giáo dục Đào tạo; Khoa học Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin Truyền thông.

Nhóm thứ ba là các cơ quan được đề xuất giao cho cấp tỉnh chủ động giữ ổn định hoặc thí điểm hợp nhất. Cụ thể: Sở Nội vụ với Ban tổ chức; Thanh tra tỉnh với Ủy ban kiểm tra; Văn phòng UBND tỉnh với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND cấp tỉnh.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề xuất quy định một số sở đặc thù như Sở Quy hoạch Kiến trúc thuộc UBND TP Hà Nội và TP HCM; các Sở Ngoại vụ, Du lịch và Ban Dân tộc sẽ do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập. Căn cứ vào tiêu chí, các tỉnh chủ động thành lập hay không.

Về tiến độ xây dựng dự thảo, Vụ phó Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) Đào Thị Hồng Minh cho biết, dự thảo đang được Bộ tiếp thu, giải trình và hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành nghị định. Theo đó, sau khi tổ chức lấy ý kiến rộng rãi, thì việc sáp nhập hay giữ nguyên cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh do quyền quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy hay Thành ủy.

Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, vừa qua có một số địa phương đi tiên phong trong việc sắp xếp lại cơ quan chuyên môn. Cuối tháng 6, tỉnh Lào Cai đã sáp nhập Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành sở Giao thông vận tải – Xây dựng. Nhiều địa phương phản ánh, vì các sở chưa sắp xếp nên anh em có tâm lý ngóng chờ.

Liên quan vấn đề số lượng cấp phó sau khi sắp xếp lại bộ máy tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho biết, sắp xếp, sáp nhập là chuyện bình thường vì mục tiêu phục vụ cho nền hành chính hiệu lực, hiệu quả nhất. Nếu tính toán khoa học, sắp xếp hợp lý, bộ máy sau sáp nhập sẽ phát huy được cao nhất. Cũng theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, quy định hiện nay không cho phép quá ba phó giám đốc sở thuộc tỉnh và không quá bốn với Hà Nội và TP HCM. Nhưng khi sáp nhập hai sở với nhau, tùy từng trường hợp cụ thể, địa phương có thể cho phép giảm dần cấp phó hoặc đợi sắp xếp, bố trí công tác khác.

Huyền Anh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/gan-35000-nguoi-nhuong-ghe-truoc-tuoi-nong-chuyen-sap-nhap-so-nganh-post272194.info