Gần 33.600 đơn vị nợ 1.930 tỷ đồng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

Theo Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, tính đến hết tháng 6/2019, trên địa bàn thành phố còn 33.593 đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp liên quan tới hơn 486.000 lao động, số tiền nợ phải tính lãi là 1.928,3 tỷ đồng.

Đây là kết quả của việc thực hiện quy chế phối hợp, liên ngành TP. Hà Nội (gồm Bảo hiểm xã hội, Công an, Thanh tra, Cục Thuế, Sở Lao động - Thương binh Xã hội, Liên đoàn Lao động) thường xuyên trao đổi thông tin về kế hoạch, đối tượng thanh tra, kiểm tra để tránh trùng lắp, chồng chéo.

Hà Nội còn 33.593 đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

Hà Nội còn 33.593 đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

Cụ thể, liên ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện 2.119 cuộc thanh tra, kiểm tra đơn vị, với tổng số tiền nợ 397 tỷ đồng, thu hồi được 218 tỷ đồng (đạt 49,5%)...

Từ kết quả triển khai phối hợp liên ngành, tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã giảm. Tính đến tháng 6/2019, Thành phố còn 33.593 đơn vị nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với trên 486.000 lao động, số tiền nợ phải tính lãi là 1.928,3 tỷ đồng (giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2018).

Tuy nhiên, theo cơ quan Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội, dù tỷ lệ nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố đã giảm nhưng ý thức chấp hành pháp luật về vấn đề này của nhiều chủ sử dụng lao động chưa nghiêm túc. Nhiều đơn vị vẫn trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Trong khi đó, người lao động nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn hạn chế, thậm chí có tình trạng thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia.

Ben cạnh đó, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, việc xử lý nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động… chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật.

Trước thực trạng này, ông Lê Đình Hùng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP. Hà Nội cho rằng, để thực hiện tốt hơn việc thu nợ bảo hiểm xã hội, cần thanh, kiểm tra để xử lý một số doanh nghiệp có số nợ lớn, ảnh hưởng đến người lao động để tạo tính răn đe.

Còn ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP. Hà Nội đề nghị, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính làm cơ sở để xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Ông cũng đề nghị Công an Thành phố và Công an các quận, huyện, thị xã tiếp nhận hồ sơ các đơn vị, doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp do cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển để điều tra, xác minh hành vi vi phạm pháp luật.

Nga Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/gan-33600-don-vi-no-1930-ty-dong-bao-hiem-xa-hoi-bao-hiem-y-te-bao-hiem-that-nghiep-d103917.html