Gần 30 năm cứu người bị rắn độc cắn

Sinh ra ở vùng Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), từ bé, ông Vi Văn Đào (1948) phải sớm lăn lộn mưu sinh.

Sinh ra ở vùng Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang), từ bé, ông Vi Văn Đào (1948) phải sớm lăn lộn mưu sinh. Sống giữa vùng núi trập trùng, hiểm trở, ông Đào nhiều lần chứng kiến cảnh người dân bỏ mạng vì bị rắn độc cắn nơi rừng thiêng. Tuy nhiên, cũng có không ít người may mắn thoát khỏi cái chết nhờ được thầy thuốc Vi Chấn Quang (bố ông Đào) cứu chữa kịp thời. May mắn hơn những anh chị em khác trong gia đình, ông Đào được bố truyền dạy bài thuốc gia truyền chữa rắn cắn của dòng họ. Để không phụ lòng bố, ông Đào chăm chỉ thu nạp cho mình tất cả kiến thức về bài thuốc. Không ít lần vào rừng lấy cây thuốc bị lạc đường, thậm chí về tay không nhưng ông vẫn kiên nhẫn và không bỏ cuộc. Khi kiến thức đã vững vàng, ông Đào bắt tay vào việc cứu chữa người bị rắn độc cắn thay bố mình mà không màng đến việc được đền đáp, trả ơn. Ông Đào cho hay: "Những người bị rắn cắn hầu hết đều là dân nghèo nên mới phải vào rừng mưu sinh. Thấu hiểu được những khốn khó của họ nên không chỉ bố mà bản thân tôi đều tâm niệm phải cứu người bằng cái tâm của một người thầy thuốc và không hề nghĩ đến lợi nhuận từ việc làm của mình. Xuất phát từ những suy nghĩ ấy nên một thời gian dài tôi bỏ làm kinh tế để đi cứu người. Chỉ cần nghe ai đó bị rắn cắn là tôi lập tức lên đường đi cứu giúp, không kể mưa nắng, đêm tối".

Cây thuốc chữa rắn cắn được ông Đào đưa về nhà trồng.

Cây thuốc chữa rắn cắn được ông Đào đưa về nhà trồng.

Ông Đào nói về các vị thuốc chữa rắn cắn được bố truyền lại.

Người bị rắn cắn được ông Đào cho uống thuốc trước để đẩy nọc độc ra, sau đó mới dùng thuốc ngâm xoa lên chỗ bị cắn rồi đắp thuốc bó lại. Sau 6 giờ, nếu nọc độc chưa hết thì phải thay thuốc, bó tiếp. Đặc biệt, trong quá trình chữa trị phải kiêng rượu, đậu xanh và các món ăn chua, cay. Với bài thuốc này, ông Đào đã giải được độc các loại rắn nguy hiểm như: hổ mang bành, cạp nia, hổ chúa, rắn thái lan, rắn chuông và rắn xanh các loại. Ông Đào cho hay: "Khi phát hiện nạn nhân bị rắn cắn cần phải nhanh chóng sơ cứu bằng cách dùng giẻ hoặc nịt cao su quấn chặt phía trên vùng bị rắn cắn, ngăn không cho độc tố chạy vào tim". Đến năm 1986, thấy việc làm lụng mưu sinh ở quê khó khăn, ông Đào đưa cả gia đình vào thôn 8 (xã Tân Hòa, H. Buôn Đôn, Đắc Lắc) để lập nghiệp. Tại vùng quê mới, nhiều lần chứng kiến cảnh nhiều người lâm vào tình trạng "thập tử nhất sinh" vì bị rắn độc cắn, ông Đào lại ra tay cứu chữa. Sau thời gian ngắn, ông Đào đã được nhiều người dân khu vực Tây Nguyên biết đến tài nghệ chữa rắn cắn. Có người sau khi được cứu sống đã nhận ông làm bố nuôi. Đó là chị Hứa Thị Duyên (35 tuổi, ngụ xã Ea Wer, H. Buôn Đôn). Chị Duyên cho biết, cách đây không lâu, vợ chồng đang làm cỏ bắp thì chị phát hiện có vật gì đó bỗng nhiên cứa vào chân mình. Cúi xuống kiểm tra, chị Duyên không khỏi sửng sốt phát hiện bị một con rắn hổ mèo dài khoảng 40cm cắn vào chân. Chị Duyên được chồng nhanh chóng đưa đi bệnh viện nhưng 3 ngày sau tình hình vẫn không có tiến triển gì. Trong lúc tính mạng gặp nguy, gia đình chị Duyên được mọi người mách nước tìm đến nhờ ông Đào chữa trị. Thoát khỏi cái chết trong gang tấc nhờ bài thuốc chữa rắn cắn gia truyền, chị Duyên coi ông Đào là ân nhân tái sinh mình lần 2, xin nhận ông làm cha nuôi. Hay trường hợp của bà Nguyễn Thị Năm (87 tuổi, trú xã Tân Hòa) 3 lần bị rắn độc cắn khi đi làm nương. Thế nhưng, nhờ sự cứu giúp của ông Đào nên bà Năm may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Nay đã gần 70 tuổi nhưng ông Đào vẫn một mình miệt mài vào rừng tìm cây thuốc cứu chữa cho người bị rắn độc cắn. Gần 30 năm nay, ông đã xem việc cứu người là niềm vui và là nghĩa vụ không thể chối bỏ.

Nguyên Trịnh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_158196_ga-n-30-nam-cu-u-nguo-i-bi-ra-n-do-c-ca-n.aspx