Gần 30% giảng viên đại học trên cả nước đạt trình độ tiến sỹ

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường đang tích cực triển khai nhiều chương trình để đào tạo trình độ tiến sỹ cho 7.300 giảng viên trong 10 năm tới.

Giảng viên Đại học Vinh trao đổi với học viên. (Ảnh: TTXVN)

Giảng viên Đại học Vinh trao đổi với học viên. (Ảnh: TTXVN)

Hiện cả nước có trên 73.000 giảng viên đại học; trong đó số giảng viên đạt trình độ tiến sỹ là 28,8%. Trong 10 năm tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai đào tạo trình độ tiến sỹ cho 7.300 giảng viên.

Đây là thông tin được bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tại Tọa đàm về một số nội dung triển khai Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019- 2030 (Đề án 89), ngày 22/4.

Mục tiêu của Đề án là đào tạo trình độ tiến sỹ cho 10% giảng viên đại học; đào tạo để trên 80% giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ trở lên; bồi dưỡng kỹ năng quản trị đại học cho cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và bồi dưỡng một số kỹ năng, như phát triển chương trình đào tạo, ngoại ngữ, tin học, phương pháp giảng dạy,… cho 100% giảng viên. Dự án cũng đặt mục tiêu thu hút 1.500 nhà khoa học, những người có trình độ tiến sỹ về làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam.

Theo bà Thủy, để hoàn thành mục tiêu đề án, trong 10 năm tới cần đào tạo được khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sỹ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sỹ.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhấn mạnh đây là một chính sách vô cùng quan trọng, tạo cơ hội học tập nâng cao trình độ, năng lực của giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục đại học. Với vai trò quan trọng đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch, nghiên cứu, rà soát và xây dựng các quy định cần thiết để triển khai đề án. Các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò chính yếu từ quy trình tuyển chọn, gửi giảng viên đi đào tạo, quản lý kinh phí, theo dõi quá trình đào tạo giảng viên cho tới việc sử dụng giảng viên sau đào tạo và bồi hoãn kinh phí đào tạo (nếu có).

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo và các nhà trường đang tích cực triển khai các hoạt động để triển khai Đề án trong thời gian sớm nhất./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/gan-30-giang-vien-dai-hoc-tren-ca-nuoc-dat-trinh-do-tien-sy/707374.vnp