Gần 3.000 nạn nhân của tội phạm mua bán người đã được hỗ trợ kịp thời

Trong 6 năm (từ 2013 đến 2019), ngành LĐ- TB&XH đã tiếp nhận, hỗ trợ 2.961 nạn nhân của tội phạm mua bán người. Trong đó, có 2.216 nạn nhân được hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, 1.347 người được hỗ trợ y tế, 2.105 người được tư vấn tâm lý, 1.003 người được trợ giúp pháp lý, 103 người được hỗ trợ học văn hóa, học nghề; 817 người được trợ cấp khó khăn ban đầu và 72 người vay vốn sản xuất.

Với sự hỗ trợ thiết thực, kịp thời đã góp phần quan trọng giúp nạn nhân sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Tạo tình huống để lừa nạn nhân đưa sang biên giới

Theo Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng), từ năm 2013 đến nay, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người trên các tuyến biên giới, vùng biển, đảo luôn diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

Nạn nhân của tội phạm mua bán người không chỉ có phụ nữ, trẻ em như trước đây mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, mang thai hộ. Tuy nhiên, nạn nhân chủ yếu vẫn là phụ nữ, độ tuổi từ 16 đến 28. Phụ thuộc vào mục đích của tội phạm mà chúng tuyển chọn những người có thể đáp ứng yêu cầu của người mua, tập trung một số trường hợp có nguy cơ cao như: Người do mâu thuẫn gia đình, kinh tế khó khăn, phụ nữ bị bạo lực gia đình, người có nhu cầu lấy chồng nước ngoài để được đổi đời hoặc các em gái tuổi mới lớn dễ tin, thích du lịch, khám phá, thích ăn chơi, đua đòi.

Sau đó, thông qua ĐTDĐ, mạng xã hội (zalo, facebook…), sử dụng nick ảo, tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, môi giới tìm việc làm, môi giới hôn nhân, vờ yêu đương rồi lừa bán nạn nhân ra nước ngoài nhằm bóc lột sức lao động, kết hôn trái pháp luật, bóc lột tình dục... “Bản chất chúng tạo tình huống để nạn nhân đến khu vực biên giới và khống chế hoặc dưa họ qua biên giới bán cho các đối tượng đã chờ sẵn ở bên kia biên giới và đưa sâu vào địa bàn nội địa”.

Khả năng tái hòa nhập thành công thường phụ thuộc vào việc nạn nhân bị mua bán đã vượt qua những bước khác trước đó, trong đó có việc tiếp cận các dịch vụ phù hợp. Ảnh minh họa

Khả năng tái hòa nhập thành công thường phụ thuộc vào việc nạn nhân bị mua bán đã vượt qua những bước khác trước đó, trong đó có việc tiếp cận các dịch vụ phù hợp. Ảnh minh họa

Nạn nhân là trung tâm của các dịch vụ hỗ trợ

Theo ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH luôn quan tâm, chỉ đạo lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về với chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới và bảo vệ trẻ em. Các chương trình hỗ trợ đã chú trọng tới các đối tượng là chị em phụ nữ, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho họ được tiếp cận các thông tin, kiến thức về phòng chống mua bán người, hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đồng thời, tăng cường và huy động sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng trong hỗ trợ, giúp đỡ người bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng thông qua các mô hình cho vay vốn tín dụng; huy động các nguồn lực sẵn có tại địa phương để đầu tư phát triển kinh tế- xã hội, tạo điều kiện cho nhiều lao động có việc làm, ổn định cuộc sống, hạn chế nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.

Thực tiễn cho thấy, tái hòa nhập cộng đồng là một quá trình phức tạp và thường xuyên đòi hỏi những dịch vụ đầy đủ và đa dạng dành cho nạn nhân bị mua bán (có những trường hợp là cả gia đình của họ). Nạn nhân bị mua bán có thể có những nhu cầu ngắn và dài hạn khác nhau - ví dụ: nhu cầu về mặt sức khỏe thể chất, tâm lý, giáo dục, nghề nghiệp, xã hội và kinh tế. Nạn nhân bị mua bán thường sẵn có những điểm dễ bị tổn thương về mặt cá nhân, xã hội và kinh tế, những điều này cũng cần được giải quyết để đảm bảo môi trường thuận lợi cho tái hòa nhập thành công. “Điều này đòi hỏi cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân phải cập nhật thường xuyên thông tin, tình hình mới, cả về kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân để đáp ứng kịp thời việc hỗ trợ, giúp đỡ hiệu quả các nạn nhân bị mua bán trở về”, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập cho biết.

Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh biên phòng cho hay: Khi nhận được tin báo của người biết việc, người nhà nạn nhân hoặc do chính nạn nhân cung cấp về việc, hiện tượng nghi vấn lừa gạt, bán nạn nhân ra nước ngoài, lực lượng biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới các đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu. Qua đó nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn ngay đối tượng nghi vấn lừa gạt, vận chuyển nạn nhân qua biên giới. Trường hợp nạn nhân đã bị đưa qua biên giới thì nhanh chóng trao đổi thông tin với lực lượng chức năng của cơ quan tiếp giáp với Việt Nam để hỗ trợ, ngăn chặn, bắt giữ đối tượng và trao trả cho phía Việt Nam tiến hành điều tra xử lý theo quy chế hợp tác biên giới giữa hai nước.

Khi nạn nhân được giải cứu, trao trả hoặc tự trở về đến trình báo, sau khi ổn định tâm lý cho nạn nhân, lực lượng biên phòng sẽ tiến hành trao đổi với nạn nhân để nắm bắt thông tin về việc bị lừa bán. Đồng thời kiểm tra đối chiếu với các thông tin, tài liệu đã thu thập được hoặc tài liệu do phía nước ngoài cung cấp, tiến hành xác minh, phân loại để xác định, xác nhận nạn nhân bị mua bán.

Trong quá trình trao đổi, bên cạnh việc chú ý đến tâm lý, sức khỏe, tâm tư, nguyện vọng của nạn nhân bị mua bán, lực lượng biên phòng cũng tìm hiểu những nội dung liên quan đến việc họ bị lừa gạt, mua bán như: Thời gian quen biết, hình thức làm quen, địa điểm xuất cảnh, phương tiện đối tượng sử dụng để đưa nạn nhân qua biên giới…. Cùng với đó, lực lượng bộ đội biên phòng cũng kịp thời thông báo cho các cơ quan, đơn vị phối hợp như ngành LĐ-TB&XH, Hội liên hiệp phụ nữ hoặc Trung tâm công tác xã hội, các tổ chức quốc tế để phối hợp trong việc tư vấn tâm lý, sức khỏe và bảo đảm nạn nhân được hỗ trợ tối đa những nhu cầu cần thiết.

Theo nhiều chuyên gia, khả năng tái hòa nhập thành công thường phụ thuộc vào việc nạn nhân bị mua bán đã vượt qua những bước khác, bao gồm xác định nạn nhân chính thức, quy trình quay trở về an toàn, tiếp cận các dịch vụ phù hợp. Đáp ứng được những nhu cầu phức tạp và đa dạng này thường đóng vai trò chủ chốt trong việc những nạn nhân bị mua bán có thể phục hồi sau khi thoát khỏi tình trạng bị mua bán và có thể tái hòa nhập thành công vào gia đình và cộng đồng của họ. Bởi vậy, quá trình hỗ trợ người bị mua bán cần lấy nạn nhân làm trung tâm.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/gan-3000-nan-nhan-cua-toi-pham-mua-ban-nguoi-da-duoc-ho-tro-kip-thoi-172908.html