Gần 23.500 con lợn bị tiêu hủy và mắc bệnh dịch trong hơn một tháng

Chỉ trong hơn một tháng (từ ngày 1/2 đến 14/3) dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố...

 Bộ Nông nghiệp khẳng định, về bản chất bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người. Ảnh minh họa

Bộ Nông nghiệp khẳng định, về bản chất bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây sang người. Ảnh minh họa

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã có gần 23.500 con lợn bị mắc bệnh và mang đi tiêu hủy chỉ trong 1,5 tháng.

Thông tin này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra trong buổi họp khẩn bàn giải pháp khống chế và ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn châu Phi vừa được tổ chức.

Theo đó, từ ngày 1/2-14/3/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 221 xã, 52 huyện của 17 tỉnh, thành phố, bao gồm Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Điện Biên, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Ninh Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Sơn La và Nghệ An.

Tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 23.442 con, trong đó, đàn lớn nhất là 587 con đã buộc phải tiêu hủy tại Tp Hải Phòng.

Tính đến ngày 12/3/2019, Cục Thú y cũng đã tổ chức lấy tổng cộng 2.929 mẫu giám sát, dương tính 1.310 mẫu, trong đó mẫu lấy từ các hộ có lợn bị bệnh là 1.881 mẫu (dương tính 1.299 mẫu), mẫu giám sát tại các hộ xung quanh hộ có lợn bị bệnh là 1.048 mẫu (dương tính 11 mẫu).

Theo Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông, bệnh dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xuất hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt; chưa xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục được phát hiện ở nhiều địa phương khác trong thời gian tới là rất cao.

Còn theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, mặc dù đã thực hiện chủ động và khá đồng bộ các biện pháp, nhưng bệnh dịch tả lợn châu Phi với con đường lan truyền phức tạp nên khó kiểm soát một cách triệt để. Trong khi bệnh này hiện không có vắc xin phòng bệnh hay thuốc điều trị nên chỉ có giải quyết an toàn sinh học phải được thực hiện triệt để.

Tuy nhiên, ông Cường đặc biệt lưu ý người dân, xã hội, thị trường không nên quay lưng lại với thịt lợn. Ông khẳng định ổ dịch xảy ra ở đâu thì đã được kiểm soát ngay và về bản chất bệnh này không lây sang người.

Song song với đó, Bộ Nông nghiệp cũng đưa khuyến cáo, đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, phải lấy nhóm giải pháp xử lý an toàn sinh học bằng vôi bột đặt lên hàng đầu, xử lý môi trường triệt để ngay từ hộ chăn nuôi.

Bên cạnh đó, phải xử lý thức ăn nuôi lợn bằng phương pháp xử lý nhiệt. Xử lý an toàn sinh học ngay cả người chăn nuôi ngay sau khi di chuyển từ vùng có dịch về.

Đối với các trang trại lớn, cần áp dụng khẩn trương các biện pháp an toàn sinh học tăng cường hơn nhiều lần so với trước. Bộ Nông nghiệp cũng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh quán triệt đến các trang trại chăn nuôi lớn nâng cao cảnh giác, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh lây lan.

Duyên Duyên

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/gan-23500-con-lon-bi-tieu-huy-va-mac-benh-dich-trong-hon-mot-thang-20190315133359485.htm