Gần 2 triệu người chết vì COVID-19, WHO 'vật vã' chống chọi với các chủng virus mới

Số ca tử vong trên toàn thế giới vì COVID-19 đã đạt 2 triệu vào thứ Sáu (ngày 15 tháng 1). Châu Âu đứng đầu với 30 triệu ca nhiễm COVID-19 và các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới đang nỗ lực đưa ra lời khuyên để chống lại các biến thể mới, dễ lây lan hơn.

Quan tài người chết vì COVID-19 đặt la liệt trong nhà xác tại thủ đô của Brazil.

Quan tài người chết vì COVID-19 đặt la liệt trong nhà xác tại thủ đô của Brazil.

Số ca tử vong tăng vọt lên 1.994.833 trong khi sự lây lan của các ca nhiễm COVID-19 mới ở châu Âu ghi nhận 30.003.905 trường hợp, gần một phần ba tổng số ca trên toàn thế giới, theo một thống kê chính thức của AFP.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã đạt hai triệu ca nhiễm COVID-19.

Nhiều quốc gia đang tăng gấp đôi việc hạn chế SARS-CoV-2 trong khi các dịch vụ tiêm chủng COVID-19 vẫn còn trong giai đoạn sơ khai.

Bồ Đào Nha đã bắt đầu lệnh phong tỏa mới vào thứ Sáu, trong khi Anh bắt đầu yêu cầu các xét nghiệm COVID-19 đối với người nhập cảnh và các lệnh cấm mới đối với các công dân Brazil, Lebanon.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đang thúc đẩy việc thắt chặt các quy định "đáng kể" để làm chậm tốc độ lây nhiễm khi quốc gia đông dân nhất của Liên minh châu Âu này có thêm hơn 22.000 trường hợp mắc mới.

Bà Merkel cho biết, bà muốn tiến hành các cuộc đàm phán về khủng hoảng với các nhà lãnh đạo khu vực. Bà cho biết, chỉ có thể ngăn chặn virus bằng "các biện pháp bổ sung đáng kể" và mọi người cần khẩn cấp giảm tiếp xúc xã hội.

Tại lò hỏa táng Meissen ở bang Sachsen, Đức, những chiếc quan tài được xếp chồng lên nhau cao tới 3 tầng , thậm chí nhiều chiếc được để ở hành lang chờ hỏa táng.

Biến thể mới của SARS-CoV-2, được gọi là E484K, đã làm dấy lên cảnh báo giữa các nhà nghiên cứu về tác động có thể có đối với khả năng miễn dịch của nó.

Một phần vì lo ngại về các biến thể mới, Pháp cho biết họ sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm hàng ngày trên toàn quốc lúc 18h bắt đầu từ thứ Bảy và có hiệu lực trong ít nhất hai tuần.

Hầu hết các hoạt động ở Pháp đã bị giới hạn 8 giờ tối, với một số khu vực, đặc biệt là ở phía đông bị ảnh hưởng nặng nề, đã giới hạn trước 6 giờ tối.

Bang Amazonas, miền bắc Brazil cũng thông báo lệnh giới nghiêm từ 7 giờ tối đến 6 giờ sáng do hệ thống y tế bị đẩy đến mức quá tải lớn ở thủ phủ Manaus của bang.

Các chuyên gia y tế toàn cầu dự kiến vào thứ Sáu sẽ đưa ra các khuyến nghị để ngăn chặn sự lây lan của biến thể này và các chủng mới khác, mà WHO gọi là "đáng lo ngại".

Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Khi đại dịch bắt đầu lần đầu tiên cách đây gần một năm, chỉ có 557 trường hợp mắc căn bệnh mà chúng ta gọi là COVID-19 đã được báo cáo cho WHO” .

Theo WHO, các nhà khoa học coi tiêm chủng quy mô lớn là cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhưng 95% lượng vắc xin cho đến nay chỉ được sử dụng cho 10 quốc gia.

Tiến độ tiêm vắc xin rất chậm

Chương trình tiêm chủng vắc xin COVID-19 của Ấn Độ sẽ bắt đầu vào thứ Bảy. Tại Mỹ, khoảng 10 triệu người đã được tiêm mũi đầu tiên.

Tại châu Phi, Senegal cho biết họ sẽ triển khai tiêm chủng vào cuối tháng 3 và Nigeria tuyên bố sẽ có 10 triệu liều vắc xin vào cuối tháng đó.

Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi với 200 triệu người, đã chính thức báo cáo 104.000 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 1.382 trường hợp tử vong.

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đang tập trung giải quyết những thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra. Tổng thống đắc cử Joe Biden công bố đề xuất gói cứu trợ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD nhằm phục hồi nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Ông đặt mục tiêu tăng mức lương tối thiểu liên bang lên 15 đô la Mỹ một giờ, giúp đỡ các chính quyền địa phương và bang đang gặp khó khăn, mở cửa lại trường học một cách an toàn, đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng.

"Trong thời điểm khủng hoảng này ... chúng ta không thể không hành động", Biden nói.

Hà Thu

CNA

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/suc-khoe/gan-2-trieu-nguoi-chet-vi-covid19-who-vat-va-chong-choi-voi-cac-chung-virus-moi-1779496.tpo