Gần 2 năm sau đại dịch bùng phát: Thế giới vẫn chưa sẵn sàng

Gần 2 năm sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, giết chết hơn 5 triệu người trên toàn thế giới, hầu hết các quốc gia được cho vẫn chưa sẵn sàng để đối phó với các dịch bệnh có thể nguy hiểm hơn nhiều trong tương lai.

Thiếu sự chuẩn bị

Theo báo cáo về Chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu (GSH Index) được công bố trong tháng này, tất cả các quốc gia trên thế giới đều thiếu “năng lực quan trọng” để ứng phó hiệu quả với Covid-19, cũng như không được chuẩn bị sẵn sàng cho các vụ dịch trong tương lai so với năm 2019. Số liệu, được tiến hành thu thập từ tháng 8/2020 - 6/2021, do Trung tâm Johns Hopkins về An ninh Y tế tại Trường Y tế Cộng đồng Bloomberg và Sáng kiến Các mối đe dọa hạt nhân (Nuclear Threat Initiative) tổng hợp, đo lường mức độ chuẩn bị của 195 quốc gia trên thế giới đối với các trường hợp khẩn cấp về y tế.

 Du khách ngồi giữa rừng cờ trắng được sắp đặt ở Thủ đô Washington (Mỹ) để tưởng niệm những người Mỹ đã chết vì Covid-19. Ảnh: AP

Du khách ngồi giữa rừng cờ trắng được sắp đặt ở Thủ đô Washington (Mỹ) để tưởng niệm những người Mỹ đã chết vì Covid-19. Ảnh: AP

Việc đánh giá khả năng phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các tình huống khẩn cấp về y tế của mỗi quốc gia vào năm 2021 được dựa trên thông tin công khai. Các nhà nghiên cứu cũng cân nhắc nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như niềm tin của công chúng vào chính phủ. Điểm trung bình của quốc gia cho năm 2021 là 38,9/100 điểm - về cơ bản không thay đổi so với năm 2019. Không quốc gia nào đạt trên 75,9 điểm.
Mỹ, với khối tài sản khổng lồ và năng lực khoa học lớn mạnh, vẫn duy trì xếp hạng tổng thể hàng đầu. Nước này cũng từng xếp thứ nhất khi chỉ số lần đầu tiên được công bố vào năm 2019. Nhưng Mỹ đạt điểm thấp nhất về lòng tin của công chúng đối với chính phủ. Yếu tố này cũng giải thích tại sao nhiều quốc gia khác nhận được điểm cao trong năm 2019 lại phản ứng kém trong đại dịch Covid-19. Các quốc gia khác trong top 10, lần lượt sau Mỹ: Australia, Phần Lan, Canada, Thái Lan, Slovenia, Vương quốc Anh, Đức, Hàn Quốc và Thụy Điển.
Đáng chú ý, chỉ số cho thấy các quốc gia ở tất cả các mức thu nhập vẫn “cơ bản yếu” trong việc chuẩn bị cho các trường hợp khẩn cấp trong tương lai. Các quốc gia dù đã xây dựng năng lực mới để đối phó với đại dịch Covid-19, nhưng chỉ số GHS kết luận rằng tất cả đều mới chỉ là các biện pháp tạm thời và ngắn hạn. “Để nhận được điểm tối đa, một quốc gia phải chứng minh rằng họ đang xây dựng năng lực bền bỉ có thể áp dụng cho một loạt các mối đe dọa bệnh tật”, báo cáo viết.
Danh mục mà các quốc gia đã ít chuẩn bị nhất là ngăn chặn sự xuất hiện của các mầm bệnh mới, chẳng hạn như virus SARS-CoV-2 đã gây ra đại dịch Covid-19 hiện nay. Mức trung bình toàn cầu trong danh mục này chỉ là 28,4/100, trong khi báo cáo cho thấy 113 quốc gia “ít hoặc không quan tâm” đến các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Chỉ số cũng tiết lộ rằng 155/195 quốc gia đã không phân bổ kinh phí hợp lý để chuẩn bị cho đại dịch hoặc dịch bệnh trong vòng 3 năm trở lại đây. Cùng trong thời gian này, 70% số quốc gia không đầu tư vào bệnh viện, phòng khám và trung tâm y tế cộng đồng; 90 quốc gia chưa hoàn thành đóng góp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
“Các phát hiện năm 2021 cung cấp một cái nhìn tổng thể về cách các quốc gia thích nghi trong thời kỳ khủng hoảng và những lỗ hổng chưa được khắc phục trong an ninh y tế có thể đã cản trở khả năng ứng phó của họ như thế nào”, báo cáo viết.
Cần đồng lòng, quyết tâm
Mặc dù báo cáo đã xác định các nguồn lực và năng lực sẵn sàng của một quốc gia, nhưng nó không thể dự đoán được cách chúng sẽ được sử dụng trong một cuộc khủng hoảng thực tế. Jennifer Nuzzo, học giả cấp cao tại Trung tâm Johns Hopkins, giải thích: “Như khi bạn cố gắng dự đoán những nơi có nguy cơ hỏa hoạn, bạn sẽ cần biết liệu nơi đó có thiết bị báo cháy hay không. Nhưng nếu bạn sống ở một quốc gia mà khi chuông báo động vang lên, các nhà lãnh đạo chính trị lại nói rằng: “đừng quan tâm, không cần tháo chạy”, điều đó không có nghĩa là hệ thống báo cháy đã không hoạt động”.
Báo cáo chỉ ra rằng Mỹ có năng lực phòng chống và ứng phó với dịch bệnh hơn bất kỳ quốc gia nào khác, nhưng nước này cũng có nhiều trường hợp nhiễm và tử vong được báo cáo hơn bất kỳ quốc gia nào khác. “Một số quốc gia đã có một nền tảng để chuẩn bị vẫn không chắc chắn thành công trong việc chống lại hậu quả của căn bệnh này, bởi họ có thể đã không giải quyết thỏa đáng mức độ mất lòng tin cao của công chúng vào chính phủ”, các tác giả viết.
Bà Nuzzo thẳng thắn hơn: “Ở một quốc gia mà công chúng không tin tưởng vào chính phủ thì dù sở hữu những loại vaccine tốt nhất thế giới, mọi người cũng sẽ không sử dụng chúng”.
Báo cáo dài 268 trang đã cho thấy một số dấu hiệu đáng khích lệ. Chẳng hạn, nó ghi nhận bước tiến lớn về sức mạnh phòng thí nghiệm và khả năng khám phá bệnh tật của New Zealand. Hay việc Angola và Rwanda, dù không nằm trong số các quốc gia có điểm số cao nhất, nhưng cả 2 đều nhận được đánh giá cao về phản ứng đối với Covid-19 và cho thấy sự cải thiện về điểm số của họ từ năm 2019. Tuy nhiên, nhiều quốc gia dù đã có thể nhanh chóng xây dựng các phòng thí nghiệm mới và tạo ra đội quân theo dõi tiếp xúc để kiểm soát sự lây lan của virus, họ đã không quyết tâm phát triển các chiến lược để nâng cao các phản ứng đối với những trường hợp khẩn cấp trong tương lai.
Các nhà nghiên cứu khuyến nghị: “Các quốc gia nên phân bổ ngân sách cho an ninh y tế trong ngân sách quốc gia của họ; các tổ chức quốc tế nên xác định các quốc gia cần ưu tiên hỗ trợ thêm; khu vực tư nhân nên tìm cách hợp tác với các chính phủ; và các tổ chức từ thiện nên phát triển các cơ chế tài chính mới, chẳng hạn như quỹ an ninh y tế toàn cầu, để ưu tiên nguồn lực”.
Tom Frieden, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, đồng tình với điểm mấu chốt của báo cáo. Ông nói: “Không có quốc gia nào chuẩn bị đầy đủ, vì vậy cần phải có hành động khẩn cấp để giải quyết các vấn đề”. Frieden, hiện là giám đốc điều hành của Resolve to Save Lives - một phần của tổ chức y tế cộng đồng toàn cầu Vital Strategies - cho biết nhóm của ông đã phát triển một mục tiêu toàn cầu về phát hiện sớm và ứng phó với các mối đe dọa sức khỏe, được gọi là 7 - 1 - 7: Các quốc gia có thể xác định mối đe dọa đáng ngờ trong vòng 7 ngày, thông báo cho các cấp tiếp theo của cơ quan y tế công cộng trong vòng một ngày và đưa ra phản ứng hiệu quả trong vòng 7 ngày tiếp đó.
Bà Nuzzo cho biết, các nhà nghiên cứu thực hiện báo cáo năm 2021 đã bổ sung các biện pháp phản ánh một số bài học kinh nghiệm cho đến nay từ đại dịch Covid-19, bao gồm sức mạnh và chất lượng phòng thí nghiệm, kho dự trữ y tế và khả năng truy tìm liên lạc. Các chuyên gia cũng thảo luận về việc liệu một số biến số, chẳng hạn như sự tin tưởng của công chúng vào chính phủ, có nên được tăng thêm trọng số hay không vào các năm tới.

"Ở một quốc gia mà công chúng không tin tưởng vào chính phủ thì dù sở hữu những loại vaccine tốt nhất thế giới, mọi người cũng sẽ không sử dụng chúng." - Học giả cấp cao tại Trung tâm Johns Hopkins về An ninh Y tế, Trường Y tế Cộng đồng Bloomberg Jennifer Nuzzo

Hương Thảo

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/the-gioi-van-chua-san-sang-444726.html