Gần 13 tỷ đồng nạo vét 112 nghìn khối bùn hồ Công viên 29-3

Kết quả phân tích của các cơ quan chuyên môn cho thấy, nước hồ Công viên 29-3 có dấu hiệu ô nhiễm. Các chỉ tiêu quan trọng vượt QCVN hiện hành nhiều lần, lượng oxy hòa tan trong hồ thấp hơn quy chuẩn cho phép,...

Kết quả phân tích của các cơ quan chuyên môn cho thấy, nước hồ Công viên 29-3 có dấu hiệu ô nhiễm. Các chỉ tiêu quan trọng vượt QCVN hiện hành nhiều lần, lượng oxy hòa tan trong hồ thấp hơn quy chuẩn cho phép, điều kiện môi trường không phù hợp cho sự phát triển của hệ sinh thái dưới nước. Song song với việc chuyển Công viên 29-3 cho Q. Thanh Khê quản lý, UBND TP Đà Nẵng dành 12,9 tỷ đồng để nạo vét hơn 112 nghìn khối bùn trong lòng hồ.

Rất nhiều lần hồ Công viên 29-3 xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt (ảnh) do nguồn nước ô nhiễm.

Rất nhiều lần hồ Công viên 29-3 xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt (ảnh) do nguồn nước ô nhiễm.

Hồ Công viên 29-3 có diện tích 107.656m2, cao trình tự nhiên khu vực lòng hồ từ +0,8m đến +1,2m tiếp nhận nước mưa từ hồ Thạc Gián, cống thoát nước từ khu dân cư Hòa Thuận Nam, Thạc Gián và các tuyến cống đường Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tri Phương.

Trong những năm qua, vào cao điểm mùa nắng nóng, nguồn nước trong hồ Công viên 29-3, TP Đà Nẵng bị ô nhiễm nặng. Không chỉ bốc mùi hôi, rất nhiều lần xuất hiện cá và các loại thủy sinh chết hàng loạt trôi nổi khắp bề mặt hồ ảnh hưởng đến việc vui chơi giải trí của người dân và các khu vực dân cư xung quanh. Theo đánh giá của ngành Tài nguyên và Môi trường, lớp bùn dưới đáy hồ đã quá dày do tích tụ lâu năm. Khi gặp thời tiết nắng nóng cộng với lượng oxy hòa tan trong nước giảm sẽ khiến cá các loài thủy sinh không được cung cấp đủ oxy dẫn đến chết hàng loạt, bốc mùi hôi trong không khí. Kết quả phân tích mới nhất của Trung tâm Kỹ thuật môi trường TP Đà Nẵng kết luận: các chỉ tiêu COD (nhu cầu oxy hóa học), Amoni vượt QCVN hiện hành nhiều lần, lượng oxy hòa tan trong hồ thấp hơn quy chuẩn cho phép, điều kiện môi trường không phù hợp cho sự phát triển của hệ sinh thái dưới nước. Theo số liệu khảo sát từ các cơ quan chức năng, chiều dày lớp bùn cần nạo vét đối với hồ Công viên 29-3 là khoảng 1,25m tương ứng với cao trình đáy nạo vét là +0,00m, có nơi dày tới 2m. Tổng diện tích nạo vét bùn khoảng 88.000m2 với khối lượng tương đương 112.800 khối bùn.

Theo ông Hồng Vinh Hiển – Phó trưởng Ban Quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP Đà Nẵng, thành phố đã phê duyệt 12,9 tỷ đồng để tiến hành các hoạt động nạo vét bùn hồ Công viên 29-3. Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng trong nước của Dự án phát triển bền vững Thành phố Đà Nẵng. Ông Hiển cho biết, trước khi tiến hành nạo vét phải đắp đất ra lòng hồ để tạo mặt bằng tập kết bùn, xung quanh phải đắp rất nhiều lớp bao tải để che chắn trước khi xử lý. Máy bơm hút bùn chuyên dụng sẽ được đặt trên xà lan rồi bơm hút bùn lên bãi tập kết, phơi khô trong khoảng 2 ngày, phun chế phẩm khử mùi trước khi vận chuyển đi chôn tại bãi rác Khánh Sơn. Trong thời gian xử lý, sẽ lắp dựng hàng rào tôn để ngăn cách hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và các hoạt động vui chơi giải trí của người dân trong khu vực công viên. Hiện tại, đơn vị đã thuê tư vấn, đánh giá tác động môi trường trước khi tiến hành, trong thời gian này sẽ di chuyển hạ tầng trong hồ, bè thủy sinh và tiến hành đánh bắt cá. “Dự kiến giữa tháng 6-2018 sẽ tiến hành công tác nạo vét. Vì công viên là khu vực luôn tập trung đông người nên công việc hút và xử lý bùn sẽ được tiến hành hầu hết vào ban đêm, tranh thủ mùa nắng. Khối lượng bùn rất lớn, phạm vi thực hiện rộng nên thời gian có thể phải kéo dài hơn một năm”, ông Hiển cho hay.

Được biết, đơn vị trúng thầu thi công dự án là Cty CP Đầu tư xây dựng Xuân Quang có trụ sở tại tỉnh Nam Định.

ĐÔNG A

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/97_189590_ga-n-13-ty-do-ng-na-o-ve-t-112-nghi-n-kho-i-bu-n-ho-cong-vien-29-3.aspx