Gần 100 phim tài liệu tham gia tranh giải tại LHTHTQ lần thứ 38

Thể loại 'Phim tài liệu' - một trong những hạng mục được quan tâm nhiều nhất trong các kỳ Liên hoan - đã nhận được gần 100 tác phẩm dự thi trong kỳ Liên hoan năm nay.

Liên hoan Truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 38 năm 2018 tiếp tục tổ chức chấm thi và xếp hạng các tác phẩm ở 9 thể loại: Chương trình dành cho thiếu nhi; Phim tài liệu; Phóng sự; Chương trình Chuyên đề - Khoa giáo; Chương trình Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm; Chương trình truyền hình tiếng dân tộc thiểu số; Chương trình ca múa nhạc; Chương trình Sân khấu; Phim truyện truyền hình. Trong đó, hạng mục "Phim tài liệu" (bao gồm phim tài liệu 01 tập và phim tài liệu dài tập) nhận được gần 100 tác phẩm dự thi.

Trong số gần 100 phim tài liệu dự thi, đáng chú ý có bộ phim của tác giả Nguyễn Hải Yến - Triệu Lan Anh, Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự, Đài THVN. Đây là một bộ phim tài liệu dài tập nói về các chuyên án lớn của Bộ Công an trong việc phòng chống tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm hình sự.

Hậu trường khi ghi hình phim "Lần theo dấu vết".

Cùng với đó, Trung tâm Phim Tài liệu và Phóng sự, Đài THVN cũng mang đến bộ tài liệu 01 tập về những câu chuyện đậm tính nhân văn giữa các phạm nhân và những cán bộ làm công tác quản giáo ở trại giam Thanh Phong, Bộ Công an - Chuyện từ hồ mơ (tác giả Lô Đoàn Thắng).

Với cách làm phim không lời bình, cảm xúc của nhân vật trong phim được phản ánh một cách chân thực nhất, bộ phim này cho người xem cảm nhận trại giam không phải là nơi giam giữ lạnh lẽo mà nơi đây vẫn đầm ấm tình người. Vượt trên cả những nguyên tắc khô cứng, bằng tình cảm và sự quan tâm chân thành, các cán bộ quản giáo đã chạm đến trái tim chai sạn của những con người từng có quá khứ bất hảo, để họ sống, cải tạo tích cực hơn và hướng đến tương lai.

Hình ảnh trong phim "Chuyện từ hồ mơ".

Bên cạnh đó là bộ phim tài liệu 01 tập Cho đi là còn mãi của tác giả Thanh Tâm, Đài PT-TH Ninh Bình nói lên ý nghĩa nhân văn của việc hiến mô tạng với thời lượng phát sóng là 25 phút. Đó là một cử chỉ cao đẹp nhằm cứu sống những người không may mắc các bệnh hiểm nghèo.

Ninh Bình là một trong những tỉnh đi đầu của cả nước trong việc hiến mô, tạng, gần đây nhất có Thiếu tá Lê Hải Ninh là người Ninh Bình đầu tiên đã hiến 4 bộ phận cơ thể là tim, phổi, thận, giác mạc để cứu sống và đem lại ánh sáng cho 6 người. Sự ra đi của anh không là hư vô vì từ cái chết này, sự sống khác được hồi sinh. Nghĩa cử đó đã, đang và sẽ là động lực cho mọi người làm theo và có sức làn tỏa trong cộng đồng, "cho đi là còn mãi".

Hình ảnh trong phim "Cho đi là còn mãi".

Bộ phim tài liệu dài tập đáng chú ý - Ký ức Mậu Thân 1968 (8 tập) - được thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968. Mỗi một tập phim là một câu chuyện mà các nhân chứng, những con người đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu, xây dựng cơ sở Cách mạng, lực lượng kháng chiến tại địa phương kể lại. 8 tập phim cũng là những ký ức vui buồn của các nhân vật lịch sử về sự kiện diễn ra nửa thế kỷ trước làm chấn động cả nước Mỹ và thế giới. Bộ phim tài liệu Ký ức Mậu Thân 1968 là phần dự thi LHTHTQ lần thứ 38 của tác giả Duy Hương, Quang Huy, Ngọc Anh, Lê Hùng, Trung tâm Truyền hình Nhân Dân.

Hình ảnh trong phim "Ký ức Mậu Thân 1968".

Mỗi tác phẩm được các đài PT-TH gửi tới tham dự LHTHTQ năm nay đều mang một màu sắc và ý nghĩa riêng nhưng tất cả đều có một điểm chung là sự đầu tư nghiêm túc về thời gian, công sức và trí tuệ để có được các tác phẩm chất lượng cao của đội ngũ phóng viên truyền hình cả nước.

Theo vtv.vn

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/van-hoa/gan-100-phim-tai-lieu-tham-gia-tranh-giai-tai-lhthtq-lan-thu-38/20181206121623232