Gần 100 năm trước, người Việt chuẩn bị Tết tỉ mỉ như thế nào?

Những ngày giáp Tết là thời điểm buôn bán nhộn nhịp, sắm sửa, trang hoàng rộn ràng nhất.

Ngày 23 tháng Chạp, ông Công, ông Táo chầu trời vừa là lễ nghi, vừa như một tín hiệu để mọi người chuẩn bị Tết. Những ngày cuối năm, việc mua bán diễn ra khẩn trương, nhộn nhịp, giao thương phát triển đến lạ thường ở mọi vùng miền. Người người đều chuẩn bị để có thể ăn Tết vui vẻ sung túc.

Công việc chuẩn bị ăn Tết dù có tất bật nhưng luôn chứa đựng niềm vui, sự háo hức. Gần 100 năm trước, việc chuẩn bị Tết diễn ra có phần tỉ mỉ, cầu kỳ và trang trọng được nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên phản ánh qua bài viết trong cuốn Hội hè lễ tết của người Việt.

Tranh bìa cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt mô tả cảnh dựng cây nêu - một nghi thức phổ biến xưa.

Tranh bìa cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt mô tả cảnh dựng cây nêu - một nghi thức phổ biến xưa.

Những ngày chuẩn bị Tết, phố phường có dáng vẻ “rất nhộn nhịp và đẹp mắt”. Góc nhỏ nhất cũng bị những người bán hoa, cây xanh, tranh dân gian, thực phẩm… chiếm mất. Người ta tranh nhau trả giá cao nhất củ thủy tiên nở bông hoa đầu tiên đúng đêm giao thừa, cái cây trĩu quả đỏ, cành đào hoặc hải đường với vô số nụ hồng hay đỏ.

“Bên trong mỗi ngôi nhà cần phải có màu sắc rực rỡ là biểu tượng của hạnh phúc, điềm báo trước những sự kiện tốt lành, và những lá bùa có thể xua đuổi ma quỷ cùng các ảnh hưởng độc hại. Những cành đào, biểu tượng của sức sống và trường thọ được bán đến 25 và 30 đồng”.

Trong 10 ngày Tết, các ông đồ thường thuê góc các mặt hàng hay vỉa hè, góc phố để bán băng giấy đỏ, đôi khi rắc phấn vàng hay bạc, trang trí hoa, trên đó họ viết những câu đối hay hoành phi nói đến việc năm mới bắt đầu, gia đình, hay chí hướng của người chủ. Các ông đồ thường nhận một khoản tiền nhỏ để viết trên mảnh giấy mà người ta đưa. Nếu trong năm, gia đình có người chết thì người ta dùng giấy xanh hoặc vàng.

Mọi người thường chi tiền để treo lên cửa ra vào, xà nhà và các bức tường trơ trụi của nhà họ những băng giấy dài và đẹp. Bên cạnh câu đối, người ta cũng thường dán lên cửa hình vẽ các ông thần có bộ mặt gớm ghiếc để xua đuổi lũ tà ma tai ác, hoặc hình ảnh những vị thần vẻ mặt hiền từ thì cầm hoa quả tượng trưng cho sự giàu có, vinh hiển. Tranh lợn, tranh gà đàn mang đến điềm báo phồn thịnh cũng thường được lựa chọn để treo lên cánh cửa.

Trong gia đình, người ta lau dọn toàn bộ nhà cửa sạch sẽ, rửa đồ thờ, đánh bóng đồ thờ bằng kim loại, thay tro bát hương, rửa bài vị bằng nước rễ cây thơm. Ở các nhà giàu, người ta lấy ra những thứ đồ thêu được cất cẩn thận suốt năm để phủ lên mặt trước các bàn và rầm chính của ngôi nhà, các gối dựa, nệm và chiếu cạp vải trải lên sập, ghế bành, tràng kỷ.

Phụ nữ đi chợ sắm sửa mọi thứ thực phẩm vì trong ba ngày Tết, chợ búa và cửa hàng đều đóng cửa. Người ta kho mắm hay kho tương những nồi thức ăn truyền thống. Dưa hành được muối trước một tháng, bánh chưng nhà nào cũng có.

Tất cả sự chuẩn bị lâu dài và tỉ mỉ này kết thúc bằng việc dựng cây nêu. Đấy là một cây tre dài năm, sáu mét, được tước hết cành, để lại ở nhọn những cụm lá hoặc buộc vào đó túm lông gà trống, một mớ là đay. Gần đỉnh treo một cái vòng tre, có buộc những con cá nhỏ, những chiếc chuông con và khánh bằng đất sét nung phát ra một âm thanh nhẹ khi gió thổi. Dưới cái vòng có buộc mũ thần, những thoi vàng bằng giấy, những miếng trầu, lá dứa hoặc cành xương rồng gai. Ở đỉnh có treo một cái đèn thắp ban đêm.

Cây nêu được dựng theo Nguyễn Văn Huyên để chỉ đúng đường cho tổ tiên trở về ăn Tết trong gia đình. Bằng ánh sáng, bằng gai của cành cây mà nó mang, bằng âm thanh mà các vật bằng đất sét phát ra, cây nêu làm ma quỷ sợ hãi. Để chống lại những hồn lang thang đáng sợ, người ta còn buộc vào cây nêu một tấm phên nhỏ là bốn nan dọc đan vào năm nan ngang, là thứ bùa nổi tiếng của các phù thủy.

Tranh dân gian Đinh Tiên Hoàng.

Tết là dịp các gia định Việt hướng tới thế hệ trẻ. Để phục vụ trẻ con, khắp nơi đâu đâu người ta cũng bán những bức tranh dân gian mang giá trị giáo dục. Bằng những màu sắc sặc sỡ, nét vẽ ngây thơ, các bức tranh diễn tả cảnh sinh hoạt bận rôn, lớp học sôi động của thầy đồ cóc, đám rước vinh quy bái tổ của ông nghè chuột… Các bức tranh kể sự tích anh hùng lấy tử tích sử dân tộc như bà Trưng bà Triệu mặc chiến bào đuổi giặc, Đinh Tiên Hoàng đang cưỡi rồng vượt qua sông…

Mỗi đứa trẻ sẽ nhận được một số ít tờ giấy nhiều màu sắc để dán lên vách nhà bên cạnh giường nó nằm. Người ta lấy thêm cho trẻ vài bánh pháo, những bộ quần áo đẹp.

Tất cả cuộc chuẩn bị đều phải hoàn thành, mọi nợ nần phải được thanh toán trước giờ cuối năm.

Tần Tần

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/gan-100-nam-truoc-nguoi-viet-chuan-bi-tet-ti-mi-nhu-the-nao-post913882.html