Gần 1 năm sau vụ Gateway, quy định xe đưa đón học sinh có gì thay đổi?

Với quy định mới, khả năng trẻ bị bỏ quên có thể giảm đi. Song ai dám chắc, sẽ không xảy ra tai nạn nếu chẳng may các cháu đùa nghịch trên xe?

Sau vụ bỏ quên học sinh dẫn đến hậu quả nghiêm trọng tại trường Gateway và một số sự cố xảy ra rải rác ở các địa phương khác, nhiều ý kiến đề xuất cần có quy định chặt chẽ hơn với loại phương tiện này. Vậy ban soạn thảo Luật GTĐB tiếp thu, xử lý như thế nào? Có những quy định gì để ngăn ngừa những vụ việc tương tự?

Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn hoạt động đưa đón học sinh cần được quy định chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho các em học sinh (Ảnh: laodong)

Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn hoạt động đưa đón học sinh cần được quy định chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho các em học sinh (Ảnh: laodong)

Chuẩn bị vào năm học mới, rất nhiều phụ huynh học sinh lại băn khoăn, lo lắng về việc đưa đón con đến trường mỗi ngày. Nhà gần trường thì tự đưa đón, nhưng trường ở xa, việc lựa chọn hình thức đưa đón con là vấn đề đáng lưu tâm. Trong số đó, việc chọn trường có dịch vụ đưa đón là một lựa chọn được ưu tiên.

Đáng ứng nhu cầu này, rất nhiều trường học trên cả nước đã tổ chức dịch vụ đưa đón học sinh. Riêng tại Hà Nội, thống kê của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho thấy, toàn thành phố có 73 trường có ký hợp đồng thuê phương tiện, với 108 tổ chức, doanh nghiệp hành nghề đưa đón học sinh với 879 phương tiện.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho thấy, hiện cả nước có hơn 8.500 xe đưa đón học sinh, trong đó có tới 251 xe không đủ điều kiện hoạt động.

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh - sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngoài các xe được các trường ký kết hợp đồng, rất nhiều trường hợp các trường không tổ chức dịch vụ này thì các phụ huynh rủ nhau tự thuê xe đưa đón con em mình, nên rất dễ thuê phải phương tiện không đảm bảo. Đây là nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn đối với hoạt động đưa đón học sinh.

Ông Bùi Văn Linh cũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhiều lần kiến nghị, song các quy định đối với loại hình phương tiện này quy định trong Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cũng chưa phản ánh được tính chất đặc thù và yêu cầu khắt khe đối với loại phương tiện này.

"Phải khẳng định là vận chuyển học sinh cần được xem xét là một loại hình vận tải đặc biệt, kèm theo các quy định chặt chẽ hơn nhằm tăng cường an toàn, năng lực và trách nhiệm của các chủ thể liên quan, ví dụ như: đơn vị cung cấp dịch vụ, lái xe, trách nhiệm của người quản sinh..., các tổ chức, cá nhân tham gia phục vụ dịch vụ này đều có quy định cụ thể, trách nhiệm liên quan và những chủ thể này phải được tập huấn và cấp chứng chỉ hành nghề...", ông Linh nói.

Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn hoạt động đưa đón học sinh cần được quy định chặt chẽ để đảm bảo an toàn:

"Tới bây giờ vẫn chưa có những quy định cụ thể cũng như những thông tin quy định trách nhiệm cụ thể đối với các cá nhân liên quan hoặc nhà trường như thế nào. Tôi cũng khá lo lắng bởi tôi cũng có con nhỏ học tiểu học và em bé cũng đi xe buýt hàng ngày tới trường".

"Khi có những quy định thì việc thực hiện nó mới được đảm bảo. Còn hiện tại bây giờ chủ yếu là trách nhiệm của nhà trường với nhà xe và phụ huynh, nhưng vấn đề nhà trường ký kết với nhà xe, nên phụ huynh phụ thuộc hoàn toàn vào nhà trường".

Trao đổi với VOVGT, ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam - đơn vị soạn thảo dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi cho biết, dự thảo lần 2 đã bổ sung một số quy định đối với xe đưa đón học sinh.

Cụ thể, xe đưa đón học sinh phải có đèn cảnh báo, màu sơn đặc trưng, có camera để theo dõi trên xe… Xe buýt trường học cũng được đi vào làn riêng dành cho xe buýt; ưu tiên được bố trí các điểm dừng đỗ để học sinh lên, xuống an toàn. Đối với lái xe phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm thực hành kinh doanh vận tải…

"Dự thảo cũng có quy định yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ đưa đón học sinh phải xây dựng và tập huấn cho lái xe cũng như tập huấn cho người quản lý nắm vững và thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn khi đưa đón học sinh. Các quy định lần này chúng tôi cũng hy vọng là sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý quan trọng làm cơ sở cho các địa phương, doanh nghiệp thực hiện", ông Thủy nói.

Ông Phạm Quang Vinh, một phụ huynh nhiều năm quan tâm đến xe buýt trường học cũng cho rằng, cần sớm tổ chức mô hình xe buýt học đường cho học sinh và coi đó như một trong những giải pháp quan trọng về giao thông đô thị. Để làm được điều này, trước hết cần khảo sát, đánh giá nhu cầu giao thông của học sinh để từ đó đề ra các giải pháp đáp ứng các nhu cầu này, góp phần giảm số lượng chuyến đi hàng ngày của hàng triệu gia đình, qua đó giảm ùn tắc và TNGT: "Xe buýt trường học thực ra nên được hưởng mức ưu đãi cao hơn xe buýt công cộng. Nó phải có quy định trong Luật hay ở đâu đấy về chuyện phải đảm bảo quyền ưu tiên cho xe buýt trường học, đưa ra các quy định về lái xe, về người phục vụ, giám sát trên xe…"

Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, trên cơ sở đăng ký hành trình, dự thảo luật cần đưa ra quy định để cơ quan quản lý ưu tiên bố trí điểm dừng đỗ phù hợp để đón - trả học sinh, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh: "Một số trường tận dụng mặt đường trước cổng trường để cho xe lên xuống, qua lại mà không tính đến các phương tiện giao thông qua lại khác".

Các ý kiến cũng cho rằng, đối với loại hình vận tải đặc thù, dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi cần quy định rõ các điều kiện kinh doanh đối với đối tượng tham gia giao thông đặc thù là trẻ em, để những chuyến xe đưa đón học sinh đảm bảo an toàn.

Với quy định mới, khả năng trẻ bị bỏ quên có thể giảm đi. Song ai dám chắc, sẽ không xảy ra tai nạn nếu chẳng may các cháu đùa nghịch trên xe, hoặc thò tay, thò đầu ra ngoài cửa sổ?

Sau gần 1 năm xảy ra vụ bỏ quên học sinh trên đưa đón tại Hà Nội, nhiều ý kiến cũng hy vọng dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi sẽ đưa ra được những quy định chặt chẽ hơn. Song dưới góc nhìn của VOVGT, dường như Ban soạn thảo chưa thấy hết tầm quan trọng của việc siết chặt những quy định với loại hình phương tiện này.

Quy định ban hành, thấp thỏm vẫn nguyên

Một vị từng là cán bộ cơ quan tham vấn chính sách an toàn giao thông quốc gia, khi được hỏi về vụ việc cháu bé bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh, đã nổi cáu mà rằng: có mỗi một trường hợp, sao phải ầm ĩ lên như thế? Đều đặn mỗi ngày, hơn 4 đứa trẻ chết vì TNGT thì sao?

Vị này cũng khẳng định xanh rời: chẳng có lý do gì phải ban hành quy định riêng cho buýt trường học, chỉ cần lưu ý một chút về thái độ ứng xử của lái xe và nhân viên phục vụ, thế là ổn.

Gần một năm trôi qua, dù cố gắng, tôi vẫn chưa thể quên cái cảm giác hụt hẫng, mất mát khi nghe ý kiến này, dẫu chỉ là trao đổi bên lề sau một chương trình phát thanh trực tiếp. Đành rằng, sự so sánh và lập luận của ông không phải vô lý, nhưng những người có con, có cháu đang hoặc sắp sử dụng xe buýt trường học, đã mong chờ một tư duy khác.

Bất cứ sự tổn thương nào xảy ra đối với trẻ em cũng đều làm cho những người có lương tri đau đớn. Nhưng nếu với TNGT, người ta còn vin vào sự run rủi để cố nguôi ngoai, thì điều đó thật khó khăn đối với những tai nạn quá sức vô lý và khó tin, như việc em bé bị bỏ quên cả ngày trời trên xe đưa đón.

Gần một năm rà soát, đã có một số quy định pháp luật được bổ sung cho loại hình dịch vụ xe đưa đón học sinh, thể hiện tập trung tại Khoản 6 Điều 7 và Điều 11 Nghị định số 10 về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Song, trong quy định mới, tất cả các loại hình xe đưa đón được “đánh đồng” như nhau. Học sinh, sinh viên và cán bộ công nhân viên vẫn được “gom” chung một nhóm, dù nguy cơ mất an toàn là rất khác nhau.

Với những quy định mới này, việc giao kết hợp đồng giữa nhà trường và đơn vị cung cấp dịch vụ dù có chặt chẽ hơn, nhưng cũng chưa có gì đảm bảo rằng, ngoài một tấm bằng lái thông thường, thì lái xe và nhân viên phục vụ liệu có đủ hiểu biết, đủ kỹ năng để đảm bảo an toàn trên mọi phương diện cho trẻ em trên xe đưa đón?

Với quy định mới, khả năng trẻ bị bỏ quên có thể giảm đi. Song ai dám chắc, sẽ không xảy ra tai nạn nếu chẳng may các cháu đùa nghịch trên xe, hoặc thò tay, thò đầu ra ngoài cửa sổ?

Ai dám chắc, sẽ không tiếp tục xảy ra các sự cố va chạm, tai nạn giữa xe đưa đón học sinh với các phương tiện khác trên đường, do phải dừng đỗ ở những nơi tạm bợ, không hề được quyền ưu tiên?

Quy định dù đã bổ sung, nhưng về cơ bản, vẫn dồn trách nhiệm đảm bảo an toàn của dịch vụ xe đưa đón học sinh lên vai các cơ sở giáo dục. Trong khi, việc kiểm tra giám sát năng lực an toàn của đối tác lại quá sức nhà trường.

Chưa thể có một bộ luật riêng hoặc quy định ưu tiên cho xe buýt trường học. Cũng chưa thể có quy định về chứng chỉ hành nghề bắt buộc đối với những người phục vụ trên các phương tiện này, như mong đợi của phụ huynh.

Dù không bất ngờ, song, vẫn thật khó chấp nhận một thực tế rằng, mỗi khi tiễn con lên xe buýt, những ông bố bà mẹ lại thấp thỏm cả ngày trời cho đến lúc được đón con ùa vào lòng mình.

Họ, với những thấp thỏm ấy, với nỗi niềm gan ruột ấy, nếu tham gia soạn thảo các điều luật liên quan trực tiếp đến an toàn của con em mình, tôi tin quy định đã khác.

Còn nếu quy định đã rà soát bổ sung mà vẫn để người dân phải thấp thỏm, thì vấn đề không chỉ dừng lại ở những chiếc xe đưa đón học sinh./.

VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/gan-1-nam-sau-vu-gateway-quy-dinh-xe-dua-don-hoc-sinh-co-gi-thay-doi-1054904.vov