Gần 1/4 thế kỷ 'làm mẹ' những đứa trẻ thiểu năng

'Để dạy dỗ được những đứa trẻ bị khuyết tật về trí tuệ, đừng chỉ là cô giáo, hãy thương yêu các con bằng tấm lòng của người mẹ, người thân trong gia đình', bà giáo già Nguyễn Thị Côi chia sẻ về hành trình hơn 20 năm gắn bó với lớp học tình thương tại phường Trương Định (Hai Bà Trưng, Hà Nội).

10 giờ sáng trong một căn phòng nhỏ tại phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Một nhóm học sinh, mỗi người một độ tuổi, đang bặm môi tô từng nét bút. Bỗng, cậu học sinh lớn kệu 25 tuổi tên Đông bật dậy, la hét ầm ĩ, đập phá bàn ghế, hất tung sách vở. Không gian lớp học trở nên nhốn nháo. Bạn gái bàn trên sợ hãi rúm người, mấy bạn trai bàn dưới người thì ồn ào theo, người lại ngơ ngác khuôn mặt.

Chỉ có cô giáo Côi là bình tĩnh hỏi han, dỗ dành. Đưa được Đông trở lại chỗ ngồi xong, cô tất tả chạy ra ngoài. Lát sau cô trở về mang theo trên tay cái bánh mỳ và chai nước lọc. Được ăn no, Đông trở lại trạng thái bình thường, không còn vẻ quấy phá như trước đó vài phút. Những thay đổi bất thường về tâm lý của học sinh đặc biệt có khi chỉ xuất phát từ những lý do rất đơn giản như vậy thôi.

Nhiều năm dạy dỗ những đứa trẻ dễ khóc, dễ cười, cũng dễ kích động, hoảng hốt, bà giáo già 77 tuổi luyện được cho mình tài quan sát để nắm được mọi diễn biến tâm lý của các học sinh, cũng như khả năng bình tĩnh ứng biến trước mọi tình huống bất thường trong lớp học đặc biệt.

Có nét chữ phải vài tháng em mới nhớ hết, nhưng cô nào quản gì...

Tất cả học sinh của cô giáo Côi đều là trẻ tự kỷ, câm điếc bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển, lang thang cơ nhỡ. Nhiều học sinh có vóc dáng của một người lớn, nhưng trí tuệ, tâm lý vẫn như một đứa trẻ cần sự chăm sóc, dỗ dành của người mẹ. Theo “người mẹ” ở lớp luôn dõi theo từng diễn biến tâm lý của các học trò để điều chỉnh mỗi ngày này, lớp học đặc biệt của bà có tổng số 25 học sinh. Trong đó, người lớn nhất sinh năm 1984, nghĩa là năm nay cũng đã 34 tuổi. Trò nhỏ nhất sinh năm 2012, cũng mới chỉ 6 tuổi. Các em đều gặp vấn đề về thần kinh, nên khả năng tiếp thu bài vở hạn chế, nhưng đến nay hầu hết các em đều học ngoan, viết đẹp, làm Toán cũng không tồi. Chỉ duy nhất kỹ năng đọc là yếu hơn một chút.

Đều đặn 5 ngày trong tuần, hai buổi mỗi ngày, bà Côi lại đến lớp để gặp các em học sinh đặc biệt từ 8 giờ 30 sáng tại Nhà văn hóa phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng. Bà giáo già tâm sự, chỉ có mưa to là lớp không họp, bởi lẽ thời tiết có ảnh hưởng rất lớn đến bệnh tình của các em thiểu năng trí tuệ.

Ở lớp học miễn phí này, bà giáo Côi cố gắng thu xếp chi tiêu trong những phần tiền tài trợ có được. Hàng tháng bà có khoản tiền trợ cấp 2 triệu đồng để duy trì lớp học, thì tiền xe đi lại đã một triệu rưỡi rồi. Mấy trăm ngàn còn lại, không đủ mua sách vở cho lũ trẻ, nên nhiều lần bà phải bỏ tiền túi ra để giúp các em có đầy đủ dụng cụ học tập. Tuy nhiên, không nề hà, bà vẫn nhẫn nại hàng ngày, hàng tháng vì các em, như đã từng tự nguyện nhận về mình trách nhiệm dìu dắt các em có hoàn cảnh khó khăn từ hai mấy năm trước.

Cái "duyên" đến với các lớp học được tổ chức vì mục đích nhân văn của bà Nguyễn Thị Côi bắt nguồn từ năm 1994, khi bà còn là giáo viên của trường tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) xung phong tham gia dự dự án của tổ chức Plan, nhằm cung cấp dịch vụ giáo dục từ thiện cho trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật và thiểu năng trí tuệ không có điều kiện đến lớp.

Khi ấy, các lớp học được tổ chức vào buổi tối, các cô đến từng ngôi nhà ở khu vực xưa kia gọi là “xóm liều” (Thanh Nhàn, Hà Nội) để vận động các gia đình cho con em đi học xóa mù chữ. Cô Côi nhớ lại: “Khi ấy, mục đích của việc đến tận nhà dạy cái chữ cho các em xóm lao động không chỉ là học tập, mà còn giúp các em tránh xa những tệ nạn xã hội. Đều đặn mỗi khi đêm đến, các lớp học được mở ra ngay tại nhà của các em. Kể cũng lạ, lớp học chỉ có duy nhất bóng đèn chiếu sáng, không quạt, không bàn ghế, các em kê ngay những chiếc hộp đánh giày để học bài mà cả thầy và trò cùng hào hứng quên mệt nhọc. Có lẽ các em cũng hiểu được cái tình của thầy cô”.

Bà giáo già tuổi thất thập gần 1/4 thế kỷ gắn bó với lớp học dành cho các học sinh khuyết tật.

Cô giáo Côi khi ấy đã gắn bó với các lớp học của dự án tới 9 năm. Về hưu, chia tay cương vị Hiệu trưởng, bà giáo già vẫn đau đáu nghĩ về những đứa trẻ lang thang, vất vưởng cần đến con chữ, cần đến tấm lòng của các thầy cô. Cô Côi quyết định duy trì lớp học đặc biệt của mình.

Được sự đồng tình của phường Trương Định, bà giáo già tiếp tục mở lớp học tình thương ở khu vực Nhà văn hóa tổ dân phố số 8. Để có học sinh cho lớp học mới này, bà Côi phải đến từng khu dân cư của phường Tân Mai, hỏi thăm những gia đình có con trong diện mà cô đang hướng tới rồi động viên họ đưa con tới lớp của mình.

Lớp học giờ đây chủ yếu là các em học sinh thiểu năng trí tuệ hay khuyết tật. Mỗi học sinh lại có một hoàn cảnh và mang trong mình một loại bệnh khác nhau. Cách dạy học duy nhất là sự kiên nhẫn và tình yêu thương bởi những học trò đặc biệt của cô có người phải mất cả tháng chỉ để học thuộc một chữ cái.

Dạy học trò bình thường đã khó, dạy những học sinh bị thiểu năng trí tuệ hay khuyết tật còn khó hơn nữa. “Có em học đến 3 tháng vẫn không nhớ nổi vài chữ cái, cứ nói trước các em lại quên sau. Có những em đang học lại đứng lên chạy nhảy, không chịu ngồi yên, có em lầm lì cả ngày chẳng chịu nói câu nào. Có em thì phải mang kẹo, bánh ra dụ mới chịu ngồi im để học” - cô Côi chia sẻ.

Bảng đen phấn trắng với nghề nghiệp cao quý rèn người.

Bên cạnh việc dạy chữ cho các em, bà giáo Côi còn như một y tá của lớp học. Trong quá trình dạy, bà phải tìm hiểu về bệnh lý và hoàn cảnh của từng học trò. Tại lớp học của bà, có cậu lớp phó tên Tùng, dù đã 23 tuổi nhưng nhận thức vẫn như một học sinh tiểu học. Em bị thiểu năng trí tuệ, học lúc nhớ lúc quên nhưng được các bạn yêu quý bầu làm cán bộ lớp. Hoàn cảnh của Tùng rất đáng thương khi mẹ không may qua đời khi em còn nhỏ, bố thì bỏ rơi em. Tùng ở với bà ngoại già yếu, hai bà cháu phải rau cháo nuôi nhau qua ngày. Nhiều lần, đang trong lớp học thì Tùng ngã ra, co giật hơn 1 tiếng. Khi ấy bà phải sơ cứu rồi gọi xe cấp cứu đưa em đến bệnh viện. Gần đây nhất Tùng đã phải nằm viện gần tháng trời mới có thể quay lại với lớp học.

Những buổi lên lớp, Tùng cũng hiếm khi ngồi im, không trêu bạn này, chọc bạn kia thì lại la hét, quậy phá. Mỗi lần như thế bà Côi lại phải xuống bên vừa động viên, vừa tỏ ra cứng rắn thì Tùng mới chịu ngồi yên. Đến nay Tùng cũng đã bắt đầu biết viết các chữ cái và tập đánh vần.

"Từ chỗ các em nghịch phá, quấy khóc, tới nay tôi đã rèn được cho các em cách tập trung vào bài học, tập trung viết chữ, làm tính. Thậm chí, nhiều em nét chữ giờ đã tròn trịa, tính toán giờ đã thành thạo. Thành công của tôi là dạy các em biết từ những điều cơ bản nhất để tự lo cho bản thân mình", bà giáo già ngẫm ngợi.

Không kể hết hoàn cảnh của tất cả các em học sinh trong lớp học đặc biệt của mình, nhưng mỗi đứa trẻ lại là một niềm trăn trở của bà giáo già. Khi được hỏi về ước mong hiện tại, bà Côi tâm sự giờ chỉ mong ông trời cho sức khỏe để đứng lớp được ngày nào hay ngày đó... Dù các em có đôi lúc bướng bỉnh nhưng bằng tình thương bà vẫn kiên nhẫn "mài rũa", rèn luyện lũ trẻ mỗi ngày.

Những nét chữ nghệch ngoạc mà thấm bao công sức của cả cô trò.

"Nếu giờ bỏ lớp thì bọn trẻ bất hạnh quá. Chúng đã không được như những bạn bè cùng trang lứa khác, nay lại không được cắp sách đến trường thì quá thiệt thòi cho các em. Tụi nhỏ đến với cô, cô không chỉ dạy chữ mà còn cả cách sống, lao động để các em tự làm, phụ giúp cha mẹ được phần nào hay phần đó" - Bà Nguyễn Thị Côi.

Chia sẻ về lớp học tình thương của bà giáo Côi, một người dân ở quận Hoàng Mai có con theo học tại đây nhiều năm xúc động: “Cho con đi học là để được san sẻ, con được tiếp xúc với các bạn cùng trang lứa. Được học cô rồi là yên tâm vì cô dạy cả những kỹ năng sống từ chào hỏi, thưa gửi đến thổi cơm, quét nhà. Được chứng kiến con hào hứng, yêu việc ra lớp đã là niềm vui với những người cha, người mẹ như chúng tôi rồi”.

Nếu không phải xuất phát từ tình yêu thương chân thành đến xót xa cho số phận của những đứa trẻ nghèo, những đứa trẻ khiếm khuyết cả về thể chất lẫn tinh thần thì bà giáo Côi đã không đủ động lực để duy trì lớp học tình thương suốt những năm qua. Nhìn cảnh "người thầy" gần 80 tuổi ân cần cầm tay đưa nét cho các em học sinh, có cái gì đó xúc động và đáng trân trọng lắm. Cuộc gặp gỡ với cô Côi liên tục bị gián đoạn vì những cuộc điện thoại chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của các phụ huynh, các học trò cũ. Với một cô giáo 24 năm vẫn đau đáu với các lớp học tình thương bằng cái tâm của một người mẹ thì phần thưởng lớn nhất có lẽ vẫn sẽ là sự trưởng thành của mỗi em học sinh.

Lê Sơn/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/emagazine/gan-14-the-ky-lam-me-nhung-dua-tre-thieu-nang-20181120134722846.htm