Gần 1.350 thương nhân chợ An Đông chính thức ký hợp đồng kinh doanh mới

Gần 1.350 thương nhân đang kinh doanh tại hơn 2.300 quầy sạp ở Trung tâm Thương mại dịch vụ An Đông (chợ An Đông) đã được ký hợp đồng mới từ đầu tháng 8.

Bà Mã Thái Lan, một trong những thương nhân kinh doanh lâu năm nhất tại An Đông ký hợp đồng mới - Ảnh: Ng.Ng

Theo Ban quản lý chợ An Đông, do số lượng quầy sạp lớn, nên việc ký hợp đồng mới được kéo dài 45 ngày, đến hết 15.9 năm nay. Sở dĩ số thương nhân chênh lệch với số quầy sạp do nhiều trường hợp một thương nhân sở hữu 2-3 quầy sạp.

Hợp đồng mới với tên gọi “Hợp đồng quyền sử dụng điểm kinh doanh” thời hạn 10 năm (8.2019-7.2029) sẽ thay thế cho hợp đồng cũ tên gọi “Hợp đồng cho thuê điểm kinh doanh”. Theo Ban quản lý chợ, sau khi hết hạn (năm 2029), thương nhân sẽ được tiếp tục tái ký.

Việc ký kết được kéo dài trong nửa tháng - Ảnh: Ng.Ng

Sáng 2.8, tại văn phòng ngành hàng Ban quản lý chợ, bà Đoàn Thúy Nga đang chờ đến lượt được ký hợp đồng mới cho hay, để đạt được kết quả này là một con đường dài, gian nan và quá nhiều thử thách cho các thương nhân kinh doanh tại chợ cũng như ban quản lý chợ và chính quyền địa phương.

“Trải qua gần 20 cuộc họp trao đổi, bàn thảo giữa thương nhân và Ban quản lý chợ, UBND Q.5, kéo dài hơn 1 năm… Rất nhiều hôm chúng tôi bỏ bán bỏ buôn, ăn rồi chỉ lo đi họp góp ý kiến và lắng nghe để có kết cục như hôm nay. Đó là chưa kể phải giám sát, góp ý liên tục những hạng mục sửa chữa chợ đang diễn ra tại đây. Nên có thể nói, đa phần thương nhân được ký hợp đồng quyền sử dụng quầy sạp mới thời hạn 10 năm dịp này rất vui mừng vì có kết quả và cũng… thấm mệt không kém”, bà Đoàn Thúy Nga chia sẻ.

Mãi lực tại chợ An Đông được các thương nhân phản ánh giảm nhiều từ ảnh hưởng việc sửa chữa chợ kéo dài - Ảnh: Ng.Ng

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, có một số thương nhân chưa đồng ý ký hợp đồng quyền sử dụng điểm kinh doanh mà phải là quyền sở hữu quầy sạp. Trao đổi với Thanh Niên, ông Đinh Hồ Duy Ngọc – Trưởng Ban quản lý chợ An Đông thông tin: “Yêu cầu cấp giấy sở hữu sạp của một số thương nhân là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để xem xét. Do công trình chợ được hình thành từ sự hợp tác đầu tư giữa Công ty Phát triển nhà Q.5 và Công ty tư doanh Việt Hoa từ năm 1990. Theo đó, Việt Hoa có trách nhiệm lo vốn để xây dựng chợ và được quyền khai thác thông qua ký hợp đồng sang nhượng với thương nhân có nhu cầu trong thời hạn 20 năm. Sau 20 năm, chợ được giao cho Nhà nước mà cụ thể là giao cho Ban Quản lý chợ quản lý. Như vậy, chợ truyền thống An Đông thuộc sở hữu nhà nước và Ban quản lý đang làm vai trò đại diện Nhà nước để quản lý”.

Nguyên Nga

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/gan-1350-thuong-nhan-cho-an-dong-chinh-thuc-ky-hop-dong-kinh-doanh-moi-1110331.html