Gần 1.000 tác phẩm dự 'Giải báo chí vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam' năm 2019

Giải được phát động từ ngày 26/3/2019 đến hết ngày 30/9/2019. Ban tổ chức đã nhận được gần 1.000 tác phẩm tham dự, tăng 300 tác phẩm so với năm 2018. 44 tác phẩm xuất sắc của 4 loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình) đã được chọn để trao giải.

Quang cảnh buổi hợp báo.

Thông tin được đưa ra tại cuộc họp báo tổng kết Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2019 diễn ra chiều 14/11/2019 tại Hà Nội.

Năm 2019 là năm thứ hai Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam". Báo Giáo dục và Thời đại được Bộ GD&ĐT giao là đơn vị thường trực, tổ chức thực hiện. Giải thưởng nhằm tôn vinh các tác giả có tác phẩm xuất sắc viết về sự nghiệp giáo dục; về các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho giáo dục.

Theo đó, giải được phát động từ ngày 26/3/2019 đến hết ngày 30/9/2019. Ban tổ chức đã nhận được gần 1.000 tác phẩm tham dự, tăng 300 tác phẩm so với năm 2018. 44 tác phẩm xuất sắc của 4 loại hình báo chí (báo in, báo điện tử, phát thanh và truyền hình) đã được chọn để trao giải. Cơ cấu giải thưởng cho mỗi loại hình gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải.

Theo đánh giá của Ban giám khảo, giải năm nay ghi nhận sự tiến bộ vượt trội về chất lượng nội dung và hình thức thể hiện, sự phong phú, nét mới của đề tài các tác phẩm. Nếu như năm 2018, các tác phẩm dự thi thường chỉ viết về cuộc sống và nghị lực vượt khó vươn lên của các giáo viên vùng khó khăn, về đổi mới phương pháp dạy học đáp ứng yêu cầu của công tác giáo dục phổ thông mới thì Giải năm nay các nhà báo dự thi đã đi sâu phân tích, mổ xẻ những vấn đề nóng của ngành.

Nhiều tác phẩm đã lột tả những câu chuyện đầy cảm xúc của các nhà giáo cắm bản, bám làng, những câu chuyện xúc động, nghẹn ngào của nữ nhà giáo đã nguyện hy sinh rất nhiều trong cuộc sống đời tư để cống hiến cho nghề trên điểm trường xa xôi.

Các tác giả đã có sự đầu tư công phu với mảng đề tài đã chọn; Đầu tư thời gian, công sức và dấn thân đến tận những hang cùng ngõ hẻm, đến những nơi khó khăn nhất của miền sơn cước, những vùng biên cương, núi cao hay các đảo tiền tiêu xa xôi để quay những thước phim quý, chụp những bức hình đẹp, phỏng vấn thầy, cô giáo để có tư liệu sinh động cho "đứa con tinh thần" tham dự Giải.

Về hình thức thể hiện, các tác phẩm dự Giải năm nay đều là những tác phẩm chất lượng được các tác giả, nhóm tác giả đầu tư công phu cho "đứa con tinh thần" dự Giải; Các tác phẩm báo điện tử, báo in được thiết kế, trình bày đẹp, kỹ lưỡng. Nhiều tác phẩm báo điện tử được trình bày sáng tạo, "phá cách" và sinh động, tương thích và thân thiện trên nhiều nền tảng đa phương tiện phổ biến hiện nay nên đã lôi cuốn được lượng người đọc rất lớn.

Thể loại báo điện tử với xu hướng phát huy thế mạnh loại hình Long - form hay Emagazine để phản ánh sinh động các vấn đề đặt ra. Các tác phẩm phát thanh, truyền hình được đầu tư tiền kỳ, hậu kỳ công phu, dẫn dắt lôi cuốn...

Lễ tổng kết, trao giải diễn ra ngày 16/11/2019, tại Hà Nội.

THANH HÒA

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/gan-1000-tac-pham-du-giai-bao-chi-vi-su-nghiep-giao-duc-viet-nam-nam-2019-2019111423221897.htm