Gameshow Việt: Vì sao nhàm chán?

Năm 2018 là năm đầy biến động của gameshow khi hàng loạt chương trình bị ngưng sản xuất, nội dung nhàm chán, khiến rating thấp, quảng cáo bấp bênh…

Trước đây, khi mới được du nhập vào Việt Nam, gameshow đã trở thành hiện tượng và nhanh chóng là tâm điểm thu hút khán giả truyền hình. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, sự bùng nổ của quá nhiều gameshow mới, chất lượng nhàn nhạt… đã khiến gameshow không thu hút được khán giả.

Chương trình “Mãi mãi thanh xuân”

Lý do cơ bản là việc nở rộ quá nhiều chương trình na ná nhau nhưng nội dung không được đầu tư, trong khi tiêu chí độc đáo, hấp dẫn là điều phải có của một gameshow. Đơn cử, thu hút nhất nhất từ trước tới nay vẫn là những chương trình xoay quanh chủ đề tình yêu. Từ những chương trình “đời đầu” như: “Bạn muốn hẹn hò”, “Vì yêu mà đến”, “Lựa chọn của trái tim”... thu hút lượng người xem khủng, ngay lập tức nhiều nhà sản xuất không ngần ngại lao vào cuộc đua, cho ra hàng loạt các chương trình tương tự như: “Giai điệu chung đôi”, “Cho phép được yêu”, “Đại chiến kén rể”... được lên sóng, nhưng khiến khán giả bị “bội thực” vì sự khiên cưỡng, giả tạo và nhanh chóng quay lưng.

Đó là chưa kể nhiều gameshow hẹn hò “thả cửa” có yếu tố dung tục, phản cảm như “Dare pong” hay “Date and kiss”. Ngay khi những phân cảnh đầu tiên của hai chương trình bị lộ, độ bạo với những tình tiết hôn hít chẳng khác phim gợi dục đã bị khán giả cực lực lên án. Và, hai chương trình này nhanh chóng bị “khai tử”.

Còn những gameshow về Bolero, nếu khoảng những năm 2016-2017 là quãng thời gian sôi động nhất thì đến năm 2018 lại lao dốc rõ rệt. Hàng loạt các chương trình được yêu thích như: “Solo cùng Bolero”, “Kịch cùng Bolero”, “Duyên dáng Bolero”, “Tình Bolero”... được phủ sóng rộng khắp, nhưng nay, khi nhắc đến Bolero thì khán giả không mấy mặn mà, bởi làm mới Bolero là một điều vô cùng khó.

Nhiều chương trình từng làm mưa làm gió trên sóng truyền hình để tìm kiếm tài năng, tìm kiếm giọng ca, gương mặt mới… cũng trở nên mờ nhạt vì tài năng như “sao buổi sớm”. Và, khi tài năng khó kiếm, nhà sản xuất lại không chú ý làm mới thì chương trình kém thu hút khán giả là điều dễ hiểu. Ngay chương trình trước đây đã rất thu hút khán giả bởi quy tụ được những gương mặt “hot” của showbiz, lại đem đến tiếng cười giải trí cho khán giả như “Gương mặt thân quen” cũng rơi vào trạng thái “làm mãi cũng nhàm”. “Gương mặt thân quen nhí 2018” còn dừng lại, không tổ chức vì… “cạn” thí sinh. Năm 2018 cũng đánh dấu sự biến mất của một loạt chương trình như: “Ca sĩ giấu mặt”, “Biến hóa hoàn hảo”, “Tuyệt chiêu siêu nhép”…

Thực tế, không phải tất cả các gameshow đang lên sóng truyền hình có chất lượng chưa tốt. Vẫn có thể điểm đến những chương trình hút khách, truyền được niềm cảm hứng tích cực cho người xem như: “Mãi mãi thanh xuân”, “Hát mãi ước mơ”… Việc tìm kiếm những nhân vật truyền cảm hứng, những câu chuyện nhân văn chính là cái được của các chương trình này. Đặc biệt, ở “Mãi mãi thanh xuân”, chương trình hướng tới đối tượng mới khi trở thành chương trình truyền hình thực tế đầu tiên dành cho những thí sinh lớn tuổi, từ 60 tuổi trở lên.

Thế mới nói, có một điều dễ hiểu, món ngon ăn mãi cũng sẽ chán, sẽ ngán. Phải chăng thị trường gameshow đã bão hòa? Khi người người làm gameshow, nhà nhà làm gameshow thì để tạo được một chương trình hay, hấp dẫn khiến khán giả phải háo hức, đam mê theo dõi đang là thách thức lớn, nhất là khi các gameshow ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là mua bản quyền của nước ngoài… Sự lặp lại tẻ nhạt, nhàm chán không bao giờ thu hút khán giả. Ngay cả với những chương trình mua bản quyền nước ngoài, việc phải tìm tòi, sáng tạo để đến gần hơn với thị hiếu và hấp dẫn khán giả Việt cũng là vấn đề vô cùng khó. Nếu chạy theo số lượng hoặc dàn dựng với những chiêu trò… chắc chắn không phải là con đường để gameshow Việt đi xa.

Nhiều chương trình từng làm mưa làm gió trên sóng truyền hình để tìm kiếm tài năng, tìm kiếm giọng ca, gương mặt mới… cũng trở nên mờ nhạt vì tài năng như “sao buổi sớm”.

Huy An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/gameshow-viet-vi-sao-nham-chan-525625.html