Gameshow hẹn hò: Thô tục và phản cảm!

VH- Không thể tin được một chương trình vô bổ nếu không muốn nói là thô tục, rẻ tiền và phản cảm đến mức ghê sợ lại ngang nhiên được phát trên kênh Youtube.

Cần có biện pháp hữu hiệu kiểm soát những gameshow online

Dưới danh nghĩa một gameshow hò hẹn, các show này không khác gì một bộ phim “đen” cấp 3, hoàn toàn không có giá trị nâng cao nhận thức, giáo dục, cổ xúy cho lối sống buông thả của một bộ phận trẻ...

Được giới thiệu là chương trình theo format và bản quyền của MBC Holding Japan, đơn vị hợp tác sản xuất Studio 69, thế nhưng những gì đang diễn ra trên Youtube lại khiến người xem bức xúc. Nhà sản xuất đang cố tình đánh tráo khái niệm về tình yêu cho một mục đích câu view rẻ rúng, thô tục, phản cảm.

Thô tục đến thế là cùng

Trước Date & kiss, chương trình Dare pong cũng đã bị dư luận và cư dân mạng phản ứng về nội dung thô tục, phản cảm. Núp bóng một gameshow hẹn hò nhưng những hành động phản cảm của những cặp người chơi khiến người xem phải... nổi da gà.

Tiếp tục với Date & kiss, được giới thiệu là show hẹn hò với một nhân vật chính với hai ứng cử viên. Nhà sản xuất đưa ra những lời giới thiệu kiểu "câu like" như: “ướt át thực sự... Có anh chàng nào muốn cùng người yêu hôn nhau như thế này không nhỉ...”; hay “Trong suốt thời gian thử thách họ thực hiện tình huống giả định yêu nhau, tiếp xúc đụng chạm cơ thể. Đòi hỏi người chơi phải dám thể hiện, mạnh dạn bày tỏ và có đụng chạm sexy thực sự. Chương trình đề cao cảm xúc cơ thể, động chạm, ánh mắt theo hướng phương Tây hiện đại nhiều hơn”...

Điều đáng nói là ở cả các cô gái hay chàng trai, dù chỉ mới gặp nhau lần đầu, chưa nhìn tỏ mặt nhưng sẵn sàng có những hành động như một cặp tình nhân ở chốn phòng the. Không những thế, cảnh này nhân vật chính cùng lúc thực hiện với cả hai ứng cử viên, một người diễn, người còn lại ngồi xem qua màn hình trong một căn phòng khác...

Trên trang của chương trình này, hầu hết người xem đều có phản ứng giận dữ với nội dung chương trình và sự táo bạo quá mức, phản cảm của người chơi.

“Trong khi những hành động lố trước công cộng bị lên án gay gắt thì chương trình lại bày ra những hình ảnh không khác gì đang cổ xúy cho hành động buông thả, lối sống dễ dãi của những người trẻ. Những hành động của người chơi rõ ràng quá thô tục, không hề mang lại cho người xem một giá trị sống nào mà chỉ cổ vũ cho sự tự do, quá dễ dãi nếu không muốn nói là lối sống buông thả", một bạn trẻ sau khi xem chương trình đã bức xúc. Đây cũng chỉ là một trong hàng trăm bình luận chỉ trích, phản ứng với chương trình.

Hạ thấp giá trị... tình yêu

Theo như cách mà nhà sản xuất chương trình giới thiệu thì chương trình đề cao cảm xúc về cơ thể, ánh mắt theo hướng phương Tây hiện đại. Nhưng đơn vị sản xuất và những người chơi không biết hay đang cố tình không hiểu. Truyền thống đạo đức của Việt Nam không thể chấp nhận những hành động và lối sống dễ dãi như vậy. Đáng ngại hơn, chương trình lại được trình chiếu trên mạng xã hội, không gian còn rộng hơn phạm vi công cộng.

Rõ ràng những nam thanh, nữ tú tuổi đời còn trẻ nhưng khi tham gia cuộc chơi này là họ đã tự hạ thấp giá trị bản thân. Làm “biến dạng” giá trị của tình yêu bằng những hành động “biến tướng”. Không thể lấy sự dễ dãi, buông thả để biện minh cho tình yêu hiện đại. Càng khó chấp nhận hơn khi chương trình lại đề cao lối sống thực dụng, không phù hợp với truyền thống, thậm chí đang đạp đổ mọi giá trị đạo đức của con người.

“Đúng là với nước ngoài có thể những hành động đó được coi là bình thường nhưng nó không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Các bạn trẻ trước khi tham gia chương trình này cũng phải hiểu điều đó và lường trước phản ứng khán giả sẽ như thế nào. Thời đại này việc tiếp xúc với điện thoại rất đơn giản. Nếu trẻ con chỉ cần nhấp chuột là có thể xem những hình ảnh này thì thật tai hại. Gắn mác 18+ càng khiến chúng tò mò xem. Rõ ràng, chương trình này không hề có tính nhân văn hay giá trị sống gì cả. Nếu tình yêu đúng nghĩa yêu nhau mới dám hôn thì xem chương trình này lại cổ xúy cho sự dễ dãi đến mức dung tục của những người trẻ, tình yêu trở nên rẻ mạt quá”, bạn Thu Hương, sinh viên trường Đại học KHXH&NV TP.HCM bức xúc.

Cần ngăn chặn những chương trình phản cảm như thế này

Có một sự khác biệt rõ giữa chuẩn mực văn hóa Đông - Tây khi đánh giá về các cảnh trong hai tập Gameshow Date & kiss (Hẹn hò và hôn) lưu truyền trên mạng xã hội mấy ngày qua. Dư luận bức xúc bởi xung đột văn hóa và sự khác biệt về chuẩn mực văn hóa.

Với hiện tượng như đã nêu trên, thực tế là dư luận trong nước phản ứng gay gắt nhưng lại chưa có văn bản pháp lý kèm chế tài xử lý thích hợp, do đó khó có thể quản lý hiệu quả trường hợp vi phạm chuẩn mực văn hóa Việt của các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh truyền thông trên cơ sở mua bản quyền format các chương trình văn hóa - giải trí của nước ngoài như Nhà sản xuất Date & kiss, Studio 69 sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt để quảng bá chương trình trên các mạng xã hội. Chúng ta chưa có chế tài xử lý thích hợp nên các nhà sản xuất các chương trình này vẫn cứ làm bởi họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Việc nghiên cứu đề xuất các văn bản pháp lý nhằm quản lý các hoạt động truyền thông công cộng nói chung và truyền thông xã hội nói riêng là hết sức cần thiết trong bối cảnh phát triển mạng xã hội hiện nay. Cũng cần sớm tìm kiếm giải pháp tổng thể, bao gồm cả cơ sở chính trị - pháp lý, cơ sở văn hóa và kỹ thuật công nghệ, nhằm phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế, văn hóa, truyền thông. Cần sớm xây dựng mô hình quản lý thông tin và các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu của vấn đề này.

Các cơ quan quản lý nhà nước, trước tiên là Bộ TTTT cần phối hợp với các Bộ ngành liên quan để nghiên cứu, tìm ra các giải pháp quản lý. Cần tham khảo các mô hình quản lý thông tin trên mạng xã hội trong và ngoài nước để đề xuất các biện pháp cụ thể để ngăn chặn những loại chương trình phản cảm như thế này.

(PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - Phó Trưởng khoa Phụ trách Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Gameshow online đang theo xu hướng “đồng sàng dị mộng”

Dư luận đang chứng kiến cảnh các gameshow online kiểu như “Hẹn hò và hôn” đang làm với người xem. Nhà sản xuất cứ sản xuất cái mà họ thích kể cả là bị người xem phản đối trực tiếp ngay trên fanpage chương trình với đủ những lời chửi rủa về nội dung đầy rẻ tiền, dung tục. Nếu như ở các kênh truyền hình truyền thống thì chắc chắn nhà sản xuất sẽ bị lĩnh một rổ mưa đá của dư luận rồi. Không thể nào tưởng tượng là các nhân vật nam nữ trong chương trình chưa gặp nhau một lần, chưa kịp gặp mặt nhau mà đã xông vào nhau một cách phóng túng hôn hít, sống sượng sờ soạng và hỏi những câu chẳng kiêng nể, ý tứ như “Anh yêu bao nhiêu lần rồi?”, “Anh “ngủ” với người yêu chưa?”… Người làm cứ làm, người chửi cứ chửi và rốt cuộc là những sản phẩm sống sượng đến thô bỉ này vẫn nhan nhản trên mạng xã hội. Mạng Youtube là mạng mà người ta có thể vứt lên đó đủ các chương trình, các thông tin từ chính thống đến bịa đặt, phản cảm… Tôi nhìn thấy một đống các chương trình truyền hình thực tế bẩn thỉu, rác rưởi như “Hẹn hò và hôn” liên tục xuất hiện và không hề thấy vai trò quản lý thanh lọc các chương trình dạng này ở đâu? Tôi cũng thắc mắc là không biết các nhà quản lý của ta ở đâu khi hằng ngày để lên mạng xã hội một đống những hạt sạn làm bẩn mắt đến thế?

(PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái)

Ghê sợ không dám nhìn

“Gameshow Hẹn hò và hôn” hay một loạt những tên gọi mà cộng đồng mạng đang sục sôi phản ứng bức xúc đặt cho như là “Gameshow Nụ hôn ừng ực”... Riêng tôi thì chỉ thấy... sự dơ bẩn, trần tục, kích dục của những người làm gameshow nhằm quyến dụ giới trẻ tham gia, tạo hiệu ứng thị trường để kiếm tiền bằng quảng cáo, tài trợ một cách vô lương tâm và chứng tỏ vì tiền mà cố tình đưa nội dung đồi trụy phát công khai trên mạng. Hiện trên mạng xã hội thì nhan nhản bởi mọi người đều đã bày tỏ sự kinh sợ và cũng không nên để thanh thiếu niên “mục sở thị” thêm...

(Nhà văn Từ Kế Tường)

HIỀN LƯƠNG (thực hiện)

Mai Linh

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/gameshow-hen-ho-tho-tuc-va-phan-cam