Game show thực tế không bảo vệ được người chơi

Không ít người sau khi tham gia vào các chương trình truyền hình thực tế đã bị ảnh hưởng đến đời sống cũng như tâm lý khi bị dư luận mổ xẻ bàn tán. Trong khi đó, chương trình lại được lợi về mặt thông tin, thu hút lượng người xem đông đảo.

Cô gái đòi bạn trai tài trợ đi du lịch bị “ném đá”.

Cô gái đòi bạn trai tài trợ đi du lịch bị “ném đá”.

Tham gia game show để bị… “ném đá”

Sau khi xuất hiện tại chương trình “Bạn muốn hẹn hò” tập 521, P.T.T.D. bỗng nhiên nổi đình nổi đám chỉ sau một đêm. Nguyên nhân từ những câu hỏi của cô gái đối với chàng trai đối tượng hẹn hò trong chương trình, rằng cô muốn đi du lịch khắp nơi, ví dụ như châu Âu, anh chàng kia có đồng ý đài thọ không, rồi chuyện nếu cô không đi làm thì chàng trai có đủ tiền nuôi sống cô không?

Hay có thể đỡ đần gia đình cô không?… Những câu nói có phần “ngông” và hướng về vật chất nhiều khiến cô gái này nhanh chóng bị khán giả chương trình nói riêng và cộng đồng mạng nói chung “ghét bỏ”.

Không chỉ châm chọc, chế giễu bằng hàng loạt lời cay độc, thí sinh chương trình này còn bị nhiều người chế ảnh để bôi bác. Còn có cả những lời xúc phạm đến nhan sắc, nhân phẩm và gia đình… Cô gái trẻ đã bị sốc đến mức nhập viện. Về phía chương trình “Bạn muốn hẹn hò” tập nói trên bỗng dưng có số lượng người xem đột biến vì rất nhiều người tò mò muốn biết “cô gái đòi đi châu Âu” là ai.

Trước T.D., có không ít người chơi bước ra từ các game show đã bị “ném đá” tơi tả vì đủ các lý do. Một thí sinh đình đám là Tố My trong chương trình Ngôi sao tình yêu, sau khi chương trình phát sóng cũng trở thành đối tượng công kích của khán giả.

Cô gái này đã có người yêu nhưng vẫn đăng kí tham gia chương trình hẹn hò, nguyên nhân là cô mong muốn có cơ hội được lên sóng truyền hình. Đến khi được một chàng trai trong chương trình lựa chọn, cô gái đành phải thú thật lý do. Suốt hàng tháng trời sau đó, Tố My cũng trở thành “bia” cho cộng đồng mạng chỉ trích, chê bai.

Còn nhiều trường hợp khác như anh chàng Đỗ Văn Khánh trong một tập của chương trình Bạn muốn hẹn hò, sau khi thuyết phục cô gái cùng tham gia chương trình lựa chọn mình, đến phút cuối, anh chàng lại… từ chối cô gái bằng cách không bấm chuông, khiến bạn cùng chơi vô cùng hụt hẫng.

Thí sinh này sau đó cũng trở thành nhân vật chính trong các bài viết lẫn hình chế mang tính công kích của cộng đồng. Một số trường hợp khác như thí sinh vốn đang làm đạo diễn muốn tham gia chương trình hẹn hò để tích lũy kinh nghiệm làm phim, nữ thí sinh trong chương trình Quý cô hoàn hảo - một chương trình giả định về hôn nhân, gia đình đưa ý kiến quá thẳng thắn và hiện đại về hôn nhân với lời lẽ thiếu tế nhị…

Chương trình hay hành xử khác nhau, nhưng điểm chung là các thí sinh này cuối cùng cũng trở thành “miếng mồi” cho cư dân mạng tha hồ chửi bới, chê bai. Các thí sinh có lẽ cũng chẳng ngờ được, việc tham gia vào một chương trình truyền hình ngỡ như chỉ để giải trí hoặc tìm kiếm chút cơ hội, lại đem lại hậu quả nặng nề đến cuộc sống của mình như thế.

Người chơi bị lợi dụng?

Nếu nói đến khán giả, có lẽ sự ngông nghênh, phát ngôn bữa bãi hay dùng tiểu xảo, lừa dối cũng chỉ khơi lên trong khán giả chút bức xúc, chút thất vọng, rồi thôi. Với chương trình thực tế, ngược lại những chiêu trò hay scandal của thí sinh càng khiến chương trình được lợi.

Bởi càng ồn ào, chương trình càng thu hút người xem, càng được chú ý, tăng rating, nghĩa là tăng doanh thu quảng cáo. Chỉ có thí sinh, đằng sau những sự “lỡ lời”, “lỡ dại” của họ là những hậu quả nặng nề mà họ không lường hết. Có người phải nhập viện vì bị sốc, có người tổn thương tâm lý, cũng có người phải nghỉ việc hay đi xa để trốn tránh dư luận và cái nhìn của người chung quanh.

Tất nhiên, một phần lỗi là của người chơi, bởi phát ngôn bữa bãi, chủ ý lừa dối, hay những mục đích không được trong sáng. Nhưng những lý do ấy chưa đến mức khiến họ phải chịu hậu quả đến thế. Chưa kể đến nhiều thí sinh bị tai bay vạ gió, như cô gái “đi châu Âu”, trên thực tế, cô gái này có thu nhập tốt, gia đình khá giả và những đòi hỏi cô đặt ra cho chàng trai đều mang chữ “nếu”, như một sự thử thách lòng kiên nhẫn…

Điều dễ nhận thấy là thí sinh hầu như là những người đứng đầu sóng gió khi có những sự cố như trên xảy ra. Còn trách nhiệm của chương trình, dường như chẳng ai nói tới. Khi thí sinh bị chửi oan ức, những người tổ chức chương trình chưa một lần lên tiếng bảo vệ, trừ khi sự việc ảnh hưởng đến tiếng tăm của chương trình.

Hoặc trong những sự cố do lừa dối từ thí sinh, thì đáng ra phía ban tổ chức chương trình phải là người chịu trách nhiệm trước tiên trước khán giả, khi mà họ không có sự kiểm tra kĩ lưỡng, xác nhận thông tin, hoặc vô tình, hoặc cố ý. Nhiều chương trình, sự cố thì nhỏ, nhưng ngọn lửa dư luận thì bị lan rộng, thổi bùng lên một cách kì lạ.

Tất cả những điều đó khiến người ta không thể không đặt ra nghi vấn, phải chăng một khi đã tham gia vào chương trình truyền hình thực tế là người chơi hoàn toàn không được bảo vệ, thậm chí có nguy cơ trở thành “con cờ”, đem lại lợi ích cho người khác.

Ngọc Mai

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/movie/game-show-thuc-te-khong-bao-ve-duoc-nguoi-choi-469424.html