Game show âm nhạc có còn hái ra tiền trên sóng giờ vàng?

Những chương trình như Gương mặt thân quen, Giọng hát Việt từng kiếm được bộn tiền trên giờ vàng. Nhưng sự huy hoàng và đắt giá đó chỉ còn trong quá khứ.

Truyền hình thực tế (Reality Television) khi du nhập vào Việt Nam đã góp phần thay đổi đáng kể cục diện truyền hình. Đặc biệt, từ thành công của Vietnam Idol 2010, loại hình này bắt đầu bùng nổ trên sóng giờ vàng, trong đó được ưa chuộng nhất là những format liên quan đến âm nhạc.

Sau Vienam Idol, nhiều cuộc thi về âm nhạc nối tiếp nhau lên sóng như Cặp đôi hoàn hảo, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Gương mặt thân quen, Gương mặt thân quen nhí, Vietnam Idol Kids, Nhân tố bí ẩn, Sing My Song, Hòa âm ánh sáng, Ban nhạc Việt, Sao đại chiến, The Debut...

Ở thời kỳ đỉnh cao (2012-2017), truyền hình thực tế, game show âm nhạc phủ ngập giờ vàng cuối tuần. Đó cũng là nơi tồn tại những cuộc đấu sinh động trên ghế nóng và góp phần phát hiện không ít tài năng âm nhạc.

 Gương mặt thân quen 2014 từng lập kỷ lục về giá quảng cáo cho game show giờ vàng.

Gương mặt thân quen 2014 từng lập kỷ lục về giá quảng cáo cho game show giờ vàng.

Cuộc thi âm nhạc từng đắt giá hơn World Cup

Suốt một thời gian dài, giới quảng cáo cho rằng khung giờ đắt giá nhất trong các chương trình giải trí trên truyền hình phải thuộc về World Cup, nghĩa là không có game show nào có thể vượt qua được giá quảng cáo trong thời điểm trực tiếp giải đấu Bóng đá thế giới của FIFA. Nhưng vào năm 2014, một bất ngờ đã xảy ra.

Gương mặt thân quen năm đó đã trở thành chương trình truyền hình thực tế có rating cao nhất trên sóng VTV. Những màn hóa thân của Hoài Lâm và 5 thí sinh còn lại trong cuộc thi đã tạo "viral" lớn trên mạng xã hội.

Giá quảng cáo sau đó liên tục tăng và chạm mốc 370 triệu đồng dành cho một TVC 30 giây vào tháng 6/2014, theo báo giá công khai của VTV. Đồng nghĩa, với 10 phút cho quảng cáo, nhà đài và đơn vị sản xuất có thể thu được 7,4 tỷ đồng.

Ở thời điểm đó, Gương mặt thân quen trở thành chương trình có mức giá quảng cáo cao nhất trên sóng VTV, vượt qua cả báo giá trước đó của World Cup 2014 (Đêm chung kết của World Cup 2014 có báo giá là 350 triệu đồng/30s).

Thế nhưng, Gương mặt thân quen không phải là game show âm nhạc duy nhất đắt giá trên giờ vàng. Giọng hát nhí năm 2016 (Nhật Minh đăng quang) cũng từng bán quảng cáo với mức cao: 300 triệu đồng/30s, trong thời gian phát sóng chương trình.

Trong khi, những chương trình khác như Giọng hát Việt, Sing My Song... ở thời kỳ hoàng kim cũng kiếm bộn tiền nhờ quảng cáo.

Giọng hát Việt năm 2017 thu được 250 triệu đồng cho TVC 30 giây. Nếu doanh nghiệp, nhãn hàng chọn TVC 15 giây, mức giá phải trả cho VTV là 150 triệu đồng. Đồng nghĩa, với 10 phút quảng cáo, đơn vị sản xuất và phát sóng có thể thu được 5 tỷ đồng.

Đây cũng mức giá mà nhà đài niêm yết công khai cho Sing My Song năm 2016 trên khung giờ vàng. Năm 2016, Sing My Song được đánh giá là chương trình gây bão với format mới mẻ, sân chơi đầu tiên cho singer/songwriter ở thị trường nhạc Việt.

Những dẫn chứng cho thấy sóng truyền hình từng có nhiều game show âm nhạc gây bão và đắt giá về quảng cáo. Nhưng khi chuyển sang giai đoạn bão hòa, các chương trình trượt giá dần, thậm chí xuống tận đáy.

Giọng hát Việt giảm dần giá quảng cáo qua các năm. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Game show âm nhạc giảm giá ra sao?

Gương mặt thân quen mùa thứ 7 diễn ra vào cuối năm 2019 và kết thúc vào đầu năm nay. Chương trình có những thay đổi đáng kể về dàn giám khảo nhưng rating và giá quảng cáo đều không tăng, thậm chí chạm đáy trong lịch sử cuộc thi.

Theo đó, giá quảng cáo của Gương mặt thân quen mùa thứ 7 là 200 triệu đồng cho TVC 30 giây trong thời gian phát sóng chương trình. So với thời kỳ đỉnh cao năm 2014, giá quảng cáo đã giảm tới 170 triệu đồng/30s.

Đó cũng là bi kịch của Giọng hát Việt. Đến năm 2019, giá quảng cáo Giọng hát Việt là 200 triệu đồng cho TVC 30 giây, giảm 50 triệu đồng/30s so với năm 2017. Tuy nhiên, đáng nói là báo giá này không duy trì được đến cuối mùa.

Đến cuối mùa giải năm 2019, giá quảng cáo trong Giọng hát Việt chỉ còn 180 triệu đồng cho một TVC 30 giây. Mức giá này giảm 50 triệu đồng so với năm 2018, và 70 triệu đồng so với năm 2017. Mức giảm được đánh giá là xuống đáy với một cuộc thi từng "làm mưa làm gió" trước đó.

Cùng chung tình cảnh là Giọng hát Việt nhí. Chương trình từng đạt giá quảng cáo 300 triệu đồng cho TVC 30 giây. Nhưng đến năm 2018, VTV niêm yết với giá 200 triệu đồng/30s, giảm 100 triệu đồng/30s so với năm 2016.

Đến năm 2019, giá quảng cáo của Giọng hát Việt nhí tiếp tục giảm mạnh, giữ mức 180 triệu đồng/30s.

Sau thời gian giảm giá quảng cáo, loạt chương trình kể trên đều chưa có dấu hiệu khởi động mùa giải mới trong năm nay. Trong khi, một số chương trình khác như Vietnam Idol, Vietnam Idol Kids, Sing My Song, Nhân tố bí ẩn, Hòa âm ánh sáng, Ban nhạc Việt, Sao đại chiến, The Debut... thậm chí đã dừng sản xuất.

King of Rap dù là chương trình mới nhưng giá quảng cáo ở mức thấp.

Khó lấy lại vị trí như xưa

Từ đầu năm đến nay, sóng giờ vàng VTV phát một số game show âm nhạc như Sàn chiến giọng hát, Bài hát đầu tiên và mới nhất là Ông hoàng nhạc Rap (King of Rap).

Cả ba chương trình đều có mức giá quảng cáo chung là 180 triệu đồng cho một TVC 30 giây. Nếu so với thời kỳ rực rỡ của các chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc, đây là mức giá thấp nhất.

Trên VTV hiện có một game show giữ được mức giá 200 triệu đồng cho một TVC 30 giây là Ơn giời cậu đây rồi - chương trình thiên về hài kịch thay vì âm nhạc.

Ngoài VTV, trên đài HTV và Vĩnh Long cũng phát sóng một số game show âm nhạc. Song, nhìn chung, mức giá khó cao như sóng truyền hình quốc gia.

Đài Phát thanh - Truyền hình Vĩnh Long từng bùng nổ các chương trình về nhạc bolero như Solo cùng Bolero, Tình Bolero, Tình Bolero hoan ca, Kịch cùng Bolero, Duyên dáng Bolero… Tuy nhiên, giá quảng cáo thường dao động từ 100-120 triệu đồng/30s.

Hiện, các chương trình bolero giảm dần trên sóng của đài Vĩnh Long. Một số game show lên sóng trong năm nay như Người hát tình ca, Hãy nghe tôi hát... có giá quảng cáo niêm yết là 100 triệu đồng cho 30 giây trong thời gian phát sóng chương trình.

Không chỉ giảm giá quảng cáo, số lượng game show âm nhạc được tổ chức và lên sóng cũng đang ít dần. Trên sóng HTV hiện chỉ có hai game show âm nhạc là Giọng ải giọng ai và Rap Việt. Trong đó, Giọng ải giọng ai nặng tính giải trí, chỉ có Rap Việt còn theo đuổi format của cuộc tìm kiếm tài năng âm nhạc.

Trong bối cảnh game show hẹn hò, tình yêu, chuyện phiếm lên ngôi suốt thời gian qua, Rap Việt hiện cũng là chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc hiếm hoi đạt hiệu ứng về truyền thông và được khán giả đón nhận. Song, do phát trên HTV với độ phủ sóng thấp hơn truyền hình quốc gia và trong bối cảnh game show âm nhạc bão hòa, Rap Việt được dự đoán là khó chạm sự đắt giá trên giờ vàng như Gương mặt thân quen 2014 hay Giọng hát Việt nhí 2016.

Khuê Tú

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/game-show-am-nhac-co-con-hai-ra-tien-tren-song-gio-vang-post1122957.html