'Gallery' đặc biệt giữa Sài Gòn

Đó không hẳn là một gallery như các các phòng tranh hay gallery chuyên nghiệp để trưng bày, bán tranh hoặc tổ chức hoạt động nghệ thuật của các nghệ sĩ.

"Gallery” ấy là của doanh nhân Phan Minh Thông, nhà sáng lập và CEO của công ty nông sản hàng đầu Việt Nam: CTCP Phúc Sinh.

Doanh nhân Phan Minh Thông - Nhà sáng lập và CEO của CTCP Phúc Sinh.

Doanh nhân Phan Minh Thông - Nhà sáng lập và CEO của CTCP Phúc Sinh.

Không gian nghệ thuật thị giác vô giá ở một công ty nông sản…

Tôi không gọi đó là phòng tranh, bởi nơi ấy, cũng chính là văn phòng mà công ty này hoạt động - Một trong những văn phòng có thể nói là sở hữu “view” đẹp nhất nhì khu vực trung tâm quận I. Và đáng giá không thua kém bức tranh tự nhiên bên ngoài của Sài Gòn sát bờ sông, dọc dòng đại lộ Võ Văn Kiệt vô cùng sôi động, là không gian thị giác bên trong, nơi trưng bày những bức tranh vô giá của họa sĩ Trần Lưu Hậu, Đặng Xuân Hòa, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Đào Hải Phong… cùng nhiều tên tuổi khác.

Trong nhiều bài viết dành riêng cho DĐDN/Doanh Nhân về mỹ thuật Việt Nam và kinh doanh nói chung, CEO Phúc Sinh từng chia sẻ niềm đam mê chơi tranh. Đam mê ấy có thể ví như một duyên nợ mỗi ngày mỗi sâu đậm thêm qua thời gian tính bằng hàng năm, và số lượng tranh trong bộ sưu tập của anh cũng mỗi ngày một nhiều hơn, “tinh” hơn.

Nó như sức mạnh trường kỳ để anh duy trì thói quen trích các khoản thu hàng năm từ công việc kinh doanh, thay cho đầu tư vào những thú chơi xa xỉ khác, là tự đặt mình vào khoảnh khắc âm thầm trong cuộc cuộc chiến cùng bóng tối trên những bức tường trống, nơi mà thói thường các công ty kinh doanh thường sẽ ít quan tâm hoặc sẽ chỉ chọn “décor” sao cho tối giản chi phí và tiết kiệm không gian nhất có thể.

Với anh Thông, văn phòng là nơi anh cùng các cộng sự làm việc mỗi ngày. Các đối tác quốc tế từ khắp năm châu mỗi năm đổ về thăm 6 nhà máy của Phúc Sinh, điểm đến đầu tiên sẽ là văn phòng. Do đó, bóng tối trên những bức tường rỗng sẽ không chỉ là sự hoài phí những khoảng không, mà còn là sự hoài phí những cảm xúc có thể bồi đắp, những thăng hoa có thể đẩy cao hơn, những nguồn năng lượng cho mỗi người đặt chân đến đây có thể dồi dào hơn. Anh bắt đầu để rồi miệt mài tiếp sức cho tất cả từ những bức tranh, những tác phẩm nghệ thuật.

Hoa Thủy tiên, sơn dầu trên vải bố, 70 x 90 cm, Đặng Xuân Hòa.

Tại Võ Văn Kiệt quận I, Phúc Sinh có 2 không gian liền kề nhau để làm văn phòng- gallery. Mỗi một tầng từ dưới lên trên, từ bậc cầu thang đến ô cửa nhỏ, đều được treo những tác phẩm nghệ thuật có kích cỡ phù hợp. Lại có cả tầng không gian rộng, được bày riêng những bức tranh tuyển chọn, theo chuẩn gallery.

Khiêu vũ với Đào, acrylic trên vải bố, 120x180cm, Liêu Nguyễn Hướng Dương.

Chuẩn từ đèn, kỹ thuật đánh đèn, lên khung tranh, dây treo, chuẩn từ những nhấn nhá nội thất sắp đặt cũng là tác phẩm nghệ thuật. Ở một không gian chỉ để “treo tranh và ngắm”, Phan Minh Thông cũng sắp đặt “Đôi giày” với rất nhiều màu sắc trên mặt phẳng “điểm màu” của Liêu Nguyễn Hướng Dương, họa sĩ duy nhất của Việt Nam được Apple chọn tác phẩm treo tại các iphone Store trên toàn thế giới.

Và chuẩn hơn nữa là những bộ sưu tập được treo theo dạng chủ đề hoặc ngẫu hứng. Từ “Hoa”, “Cát Bà” hay hàng loạt tranh phong cảnh theo trường phái biểu hiện và biểu hiện-trừu tượng của Trần Lưu Hậu, người mà họa sĩ Thành Chương gọi là “danh họa”. Bậc thầy hiện đại của nền mỹ thuật cách mạng -hiện đại Việt Nam vừa mới giã từ thế giới vô minh của chúng ta, từ giã cọ vẽ, palet và để lại là những tác phẩm nghệ thuật để đời, ngay trong tháng 3 này.

“Hành trình chống bóng tối trên những bức tường”

Trong các bộ sưu tập tranh của Phan Minh Thông, có lẽ nhiều nhất, không thể một lúc đếm xuể, số lượng nhiều tới con số hàng trăm, vẫn là tranh của họa sĩ Trần Lưu Hậu.

Như một cơ duyên ngay từ khi “khởi nghiệp” chơi tranh, Phan Minh Thông đã “chấm” một tác phẩm của lão
họa sĩ này tại một gallery trên phố Nguyễn Thiệp. Từ đó về sau, anh trở thành “fan cứng” của vẻ đẹp mạnh mẽ, cứng cáp, lấy nét làm nền, lấy màu làm nét để tạo nên không gian thị giác riêng trong từng ô vuông in dấu hoa tay người nghệ sĩ. Thông có cơ duyên để sưu tập được nhiều tranh của ông đến đến mức “kết thân” cùng con trai của họa sĩ– một người đang nối nghiệp cha tại Trường Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu – để “check” những bức tranh từ gallery mà nhà sưu tập còn lăn tăn nghi ngại về thời gian, xuất xứ, nguồn gốc bức tranh…

Ấy thế, nhưng anh cũng chưa bao giờ mua tranh trực tiếp từ nhà Trần Lưu Hậu. Quan điểm của một nhà kinh doanh tôn trọng mỗi mắt xích trong “chuỗi cung ứng” khiến dù có thể tiết kiệm hơn, mua được tranh gốc giá rẻ hơn, Thông cũng chọn tranh ở các gallery uy tín, về làm “giàu” hơn cho bộ sưu tập tại gallery của mình.

Khi được hỏi chính xác anh có bao nhiêu bức tranh của họa sĩ Trần Lưu Hậu, và anh có định giá lại kho tàng đồ sộ của mình khi lão họa sĩ mất đi và trên thị trường, tranh của ông đang tăng giá vùn vụt mỗi ngày? CEO Phúc Sinh, nhà sưu tập Phan Minh Thông suy nghĩ và… gãi đầu: “Thực sự không thể đếm được. Ngoài gallery bày tranh tại văn phòng, mình còn kho tranh ở nhà.

Còn về chuyện giá tranh của cụ Trần Lưu Hậu đang tăng, mình cũng chưa nghĩ tới. Đầu tư tranh, nếu xác định đầu tư, đó là một cuộc chơi dài hạn. Đầu tư đúng, bạn có thể nhân lên tài sản nhiều lần. Nhưng Thông đầu tư tranh hơn cả ý nghĩa tài sản, là tài sản vô giá, bởi đó là nghệ thuật”.

Ngoài gallery văn phòng mang đến nhiều cảm xúc, nói không quá là một không gian giáo dục thẩm mỹ hết sức
tự nhiên, còn có cả thái độ trân trọng nghệ thuật và lan tỏa giá trị, tình yêu nghệ thuật – đặc biệt tình yêu với nghệ thuật, niềm tự hào những giá trị văn hóa hữu hình của Việt Nam – đến các cộng sự, nhân viên, đối tác, tranh còn theo Thông và các thành viên gia đình về với đời sống cá nhân. Ngôi biệt thự xinh ấm áp của gia đình anh tại khu phố Phú Mỹ Hưng cũng dành nhiều không gian để treo tranh, là một “địa chỉ” mà “dân chơi nghệ thuật” rất mong được chiêm ngưỡng.

Dù vậy, ở tất cả các địa chỉ trên, Thông không lựa chọn mở cửa chào đón tất cả mọi người. Anh cho biết nhiều người vẫn nói mình ích kỷ, có tác phẩm nghệ thuật đẹp nhưng không chia sẻ cho tất cả. “Có lẽ phần nào đó mọi người nói đúng. Nhưng Thông vẫn không phải nhà kinh doanh gallery. Hơn nữa, nghệ thuật, nếu không phải là “hàng hóa đặc biệt” với đơn vị kinh doanh đơn thuần, vẫn nên được trân trọng như trước hết đó chính là nghệ thuật.

Thông mong bắc được những nhịp cầu đến với những đôi mắt thẩm mỹ, tinh tế, thấu hiểu, có cảm nhận và trân trọng nghệ thuật, chứ cũng không tự mang vác sứ mệnh to tát gì như phổ cập hay đại chúng với nghệ thuật.

Tuy nhiên, khi những nhịp cầu tương cảm gặp nhau, dĩ nhiên, Thông cũng không hạn hẹp. Gặp một ai đó thật sự yêu một tác phẩm nào đó của anh sưu tập được, anh vẫn cân nhắc để có thể san sẻ, nhượng lại. Sự lan tỏa tình yêu nghệ thuật theo cách “tinh hơn đa” của anh, nhờ đó, mới có điểm kết tụ để lưu giữ được những tác phẩm đã, đang, ngày càng vô giá với thời gian. Và vì vậy mà gallery – văn phòng của CEO Phúc Sinh ngày càng trở nên đặc biệt.

Nó như nét chấm phá riêng trong bức tranh của hệ thống phòng tranh chính thống ngày càng thu hẹp, trong sự ngổn ngang của các phố tranh chép, nhái tràn lan, và trong cả sự thầm lặng theo “tuyến riêng” của những phòng sưu tập tư nhân mang tên Đức Minh, Trần Hậu Tuấn…

May sao, những sưu tập tư nhân như của Phan Minh Thông, cũng đang tiếp tục được anh chăm chút, theo cách riêng, theo khẩu vị và phong cách của một nhà kinh doanh tâm huyết cùng sáng tạo. Anh vẫn chưa có ý định hài lòng hay dừng lại trong hành trình chống bóng tối của những mảng tường rỗng…

LÊ MỸ Ý

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/gallere-dac-biet-giua-sai-gon-169554.html