Galaxy Z Flip và thách thức của smartphone gập

Smartphone màn hình gập đã thực sự trở thành sản phẩm dành cho mọi người?

Tại triển lãm CES diễn ra hồi tháng 1, hàng loạt thiết bị công nghệ màn hình gập như smartphone, tablet, laptop... được trình làng. Trong sự kiện Unpacked 2020 ngày 12/2 vừa qua, Samsung đã giới thiệu mẫu smartphone màn hình gập thứ 2 với tên Galaxy Z Flip.

Tại Việt Nam, Galaxy Z Flip có giá 36 triệu đồng. Đây được xem là một trong những lựa chọn phù hợp nếu muốn trải nghiệm smartphone màn hình gập, cấu hình mạnh với nhiều công nghệ đi kèm.

 Galaxy Z Flip có thiết kế bóng bẩy phù hợp với người dùng nữ. Ảnh: Samsung.

Galaxy Z Flip có thiết kế bóng bẩy phù hợp với người dùng nữ. Ảnh: Samsung.

Galaxy Z Flip bán ra với 3 màu sắc: Mirror Purple (tím), Mirror Black (đen) và Mirror Gold (vàng). Ngoài thiết kế gập vỏ sò sang trọng, mặt lưng kính của Z Flip được xử lý đặc biệt để tạo ra nhiều góc phản chiếu khác nhau khi người dùng gập máy. Với chiều rộng 73,6 mm, người dùng có thể cầm máy dễ dàng bằng một tay, nằm gọn gàng khi bỏ vào túi quần hay giỏ xách.

Bên cạnh màn hình chính 6,7 inch Full HD+, Galaxy Z Flip còn có màn hình phụ bên ngoài với kích thước 1,1 inch để hiện ngày giờ, thậm chí sử dụng như ống ngắm nếu bạn muốn chụp selfie bằng cụm camera góc rộng 12 MP và góc siêu rộng 12 MP.

2020 được dự đoán là năm bùng nổ của smartphone màn hình gập, tuy nhiên vẫn còn đó những thách thức dành cho nhà sản xuất nếu muốn những thiết bị này trở nên phổ biến.

Khác với Galaxy Fold, Galaxy Z Flip có thiết kế gập vỏ sò nên rất nhỏ gọn, dễ dàng bỏ vào túi quần, giỏ xách. Ảnh: Xuân Tiến, Quốc Huy.

Theo Taejoong Kim, Phó chủ tịch mảng di động Samsung, nhu cầu của người dùng smartphone ngày càng đa dạng, họ muốn một thiết bị với màn hình lớn nhưng vẫn đảm bảo tính di động, do đó màn hình gập là công nghệ được chú trọng.

"Dòng Galaxy Z mang đến làn gió mới cho smartphone màn hình gập, bao gồm thiết kế thời trang cho cuộc sống thường ngày của người dùng", ông Kim chia sẻ.

Carolina Milanesi, nhà phân tích từ Creative Strategies lại đưa ra góc nhìn khác, đó là người dùng cần một thứ thực sự mới mẻ khiến họ phấn khích và chịu bỏ tiền nâng cấp sản phẩm. Smartphone màn hình gập là một trong số đó, tuy nhiên một vấn đề lớn mà chúng đang mắc phải nằm ở độ bền.

Kính cường lực và chống nước là 2 tính năng rất khó xuất hiện trên smartphone màn hình gập. Ảnh: Xuân Tiến, Quốc Huy.

Người dùng đã quen với việc làm rớt điện thoại hết lần này đến lần khác hay sử dụng dưới trời mưa. Smartphone màn hình gập chưa phục vụ thói quen này. Chúng không có chuẩn chống nước IP vì không thể có thiết kế kín hoàn toàn như smartphone thông thường, ít nhất là trong thời điểm này.

Khi ra mắt Galaxy Z Flip, Samsung tuyên bố máy trang bị màn hình kính siêu mỏng (Ultra Thin Glass). Đây được xem là bước đột phá khi những chiếc smartphone màn hình gập trước đây chỉ sử dụng màn hình nhựa, linh hoạt nhưng rất dễ trầy xước. Chuyển sang màn hình kính sẽ giúp máy bền hơn, phù hợp để sử dụng lâu dài. Điều này có thể cần thời gian để kiểm chứng từ người tiêu dùng.

Các nhà sản xuất thường rất "mạnh miệng" khi nói về độ bền của màn hình gập. Lenovo thử nghiệm chiếc laptop ThinkPad X1 Fold bằng cách thả cát vào bản lề màn hình, Samsung thì quảng cáo Z Flip có thể gập mở 200.000 lần. Thế nhưng trong bài thử nghiệm của CNET, chiếc Motorola Razr đã hỏng màn hình sau chưa đầy 27.000 lần gập mở.

Độ bền vẫn là yếu tố cản trở người dùng đến với smartphone màn hình gập: Ảnh: Xuân Tiến, Quốc Huy.

Sau khi Galaxy Fold bị hoãn bán vào năm ngoái do lỗi màn hình và những thử nghiệm trên Galaxy Z Flip hay Motorola Razr, có thể khẳng định độ bền vẫn là điểm yếu cần khắc phục càng nhanh càng tốt của smartphone màn hình gập, nếu muốn có chỗ đứng trên thị trường thay vì chỉ dừng lại ở dạng xu hướng.

Nhà phân tích từ Creative Strategies cho rằng độ bền không phải mục tiêu cuối cùng của smartphone màn hình gập, song nếu chúng quá dễ hỏng, người dùng sẽ e dè khi chọn mua. Smartphone màn hình gập hiện chưa có nhiều ứng dụng thực tiễn ngoài ưu thế về thời trang so với dạng thanh đã nhàm chán. Các hãng có thể đang thử nghiệm để xem người dùng thực sự cần gì ở những thiết bị có màn hình gập.

Theo Milanesi, sẽ rất thú vị để theo dõi những chiếc smartphone màn hình gập hoặc 2 màn hình như Surface Duo ra mắt trong tương lai. Thực tế, nếu một hãng di động lớn nhất thế giới như Samsung không liều lĩnh thử nghiệm với Galaxy Fold hay Flip, hoặc Motorola ra mắt chiếc Razr, cuộc đua smartphone sẽ cực kỳ nhàm chán.

"Nhiều người cho rằng 2 màn hình là bước đệm cho màn hình gập, và màn hình gập là bước đệm tiến tới AR và VR", Milanesi nhận định.

Ngoài smartphone màn hình gập, Samsung cũng hy vọng công nghệ mạng 5G sẽ thúc đẩy người dùng nâng cấp smartphone. Công ty Hàn Quốc tự tin 20% smartphone bán ra trong năm 2020 sẽ hỗ trợ 5G, tăng mạnh so với 1% của năm ngoái.

Milanesi cho rằng tác động của 5G lên thị trường sẽ rất nhỏ so với kỳ vọng của người dùng về một chiếc smartphone cao cấp. Tuy nhiên nếu Apple trình làng iPhone với 5G ngay trong năm nay, mọi chuyện có thể thay đổi.

Đánh giá nhanh Galaxy Z Flip tại Việt Nam - màn hình gập có tiện dụng? Chỉ vài tiếng sau khi được giới thiệu tại sự kiện Unpacked 2020, Samsung đã ra mắt mẫu Galaxy Z Flip ở thị trường Việt Nam. Model này có giá 36 triệu đồng.

Phúc Thịnh
Theo The Sydney Morning Herald

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/galaxy-z-flip-va-thach-thuc-cua-smartphone-gap-post1050133.html