Gala phát động Cuộc thi 'Biến đổi khí hậu với Cuộc sống' – Chủ đề 'Hạn hán và xâm nhập mặn' tại TP. Hồ Chí Minh

Sáng ngày 28/10, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống phối hợp cùng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh tổ chức Gala phát động cuộc thi 'Biến đổi khí hậu với cuộc sống' – Chủ đề 'Hạn hán và xâm nhập mặn' tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh.

Ông Phan Văn Việt – Trưởng cơ quan Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường tại phía Nam, GS. TS Phan Đình Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống – Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi (Theo thứ tự từ phải sang)

Ông Phan Văn Việt – Trưởng cơ quan Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường tại phía Nam, GS. TS Phan Đình Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống – Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi (Theo thứ tự từ phải sang)

Tham dự chương trình, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có sự hiện diện của ông Phan Văn Việt – Trưởng cơ quan Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường tại phía Nam.

Ông Nguyễn Văn Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống – Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi phát biểu tại chương trình

Về phía Tạp chí Môi trường và Cuộc sống có sự hiện diện của ông Nguyễn Văn Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống – Trưởng ban Tổ chức Cuộc thi, ông Nguyễn Hùng Thắng – Tổng thư ký tòa soạn, Trưởng văn phòng Đại diện khu vực phía Nam.

GS. TS Phan Đình Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại gala

Về phía trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh có GS. TS Phan Đình Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh.

Tiết mục văn nghệ của sinh viên ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh mở đầu chương trình

Tiếp nối thành công của Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với Cuộc sống” năm 2017 – Chủ đề: “Lũ lụt, hạn hán và hành động của chúng ta”, được sự đồng ý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống đã quyết định tổ chức Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” năm 2018 nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ về biến đổi khí hậu.

Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh là ngôi trường thứ tư trong hành trình phát động cuộc thi “Biến đổi khí hậu với cuộc sống” năm 2018.

Theo đánh giá của tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), TP. Hồ Chí Minh là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Ông Nguyễn Hùng Thắng – Tổng thư ký tòa soạn, Trưởng văn phòng Đại diện khu vực phía Nam và các vị đại biểu

Với diện tích hơn 2.000 km2 và dân số hơn 10 triệu người, TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, trong nhiều năm qua luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng của cả nước. Thành phố cũng đóng góp 23% tổng sản phẩm quốc nội, 30% tổng thu ngân sách, hơn một phần tư kim ngạch xuất khẩu và thu hút 44% tổng số dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Năng suất lao động của thành phố bằng 3 lần năng suất lao động bình quân cả nước.

Bên cạnh những con số tăng trưởng nêu trên, chất thải sinh hoạt, nhu cầu nước sinh hoạt và mật độ giao thông trên 1km2 ở thành phố hiện gấp 17 lần cả nước. Đây là thách thức lớn cho việc đảm bảo môi trường sống tốt cho người dân và làm cho thành phố nhạy cảm hơn với tác động của biến đổi khí hậu.

Tại buổi lễ phát động Cuộc thi, ông Nguyễn Văn Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống, Trưởng ban tổ chức Cuộc thi cho biết: “Theo kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nếu mực nước biển dâng thêm 1m thì hơn 17% diện tích TP. Hồ Chí Minh sẽ bị ngập; trong đó, có tỷ lệ ngập cao là các quận ven và ngoại thành, như quận 2 ngập khoảng 26,6%, Hóc Môn ngập 31,7%, Bình Chánh ngập 36,4%..., nặng nhất là quận Bình Thạnh ngập hơn 80,8% diện tích. Vành đai kéo dài từ huyện Nhà Bè, quận 7 về huyện Hóc Môn, Củ Chi. Trùng hợp là vùng ven và các huyện ngoại thành cũng chính là khu vực dân số tăng nhanh và là nơi phân bố của người dân di cư đến TP. Hồ Chí Minh”.

Tiết mục văn nghệ đến từ phía Ban Tổ chức

Chính vì vậy, Ban tổ chức chúng tôi, lựa chọn trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh là điểm trường tiếp theo trong chuỗi chương trình Gala phát động Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với Cuộc sống” năm 2018, với mong muốn lực lượng sinh viên tham gia chương trình ngày hôm nay và sinh viên đang học tập tại trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh sẽ làm tốt công tác truyền thông về biến đổi khí hậu, cung cấp cho cộng đồng những kiến thức nhất định để họ tự ứng phó với biến đổi khí hậu trong thực tiễn cuộc sống.

Các đại biểu tham gia phát động Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với Cuộc sống” – Chủ đề “Hạn hán và xâm nhập mặn” tại Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh

Bày tỏ niềm vui khi lễ phát động cuộc thi được tổ chức tại Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, thay mặt cho Ban Giám Hiệu trường GS. TS Phan Đình Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường phát biểu: Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh là trường đại học công lập lớn nhất phía Nam trực thuộc Bộ tài nguyên và Môi trường. Trải qua hơn 35 năm hình thành và phát triển, trường đã từng bước khẳng định là một trong những trường đại học đầu ngành của cả nước đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ, quản lý tài nguyên, đảm bảo môi trường sạch cho phát triển bền vững, cùng thế giới ứng phó với các vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Các đại biểu cùng sinh viên tham gia chương trình gây quỹ “Chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu”

Hôm nay, hòa trong bầu không khí nhiệt huyết và sôi động của toàn bộ sinh viên, Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh rất hân hạnh được Ban tổ chức Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với Cuộc sống” - Chủ đề: “Hạn hán và xâm nhập mặn” lựa chọn là trường Đại học thứ 4 để tổ chức chương trình Gala phát động cuộc thi.

Đây là vinh dự, niềm tự hào cũng là trọng trách của nhà trường phải giúp đỡ, quan tâm các em sinh viên tìm hiểu, nghiên cứu để có những tác phẩm dự thi chất lượng với những ý tưởng, mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu sáng tạo, thiết thực, có tính ứng dụng cao trong cuộc sống.

Đồng chí Lê Minh Chiến - Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. hồ Chí Minh phát biểu kêu gọi các bạn sinh viên tham gia cuộc thi

Cũng tại Lễ phát động, đồng chí Lê Minh Chiến - Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh phát biểu kêu gọi các bạn sinh viên tham gia cuộc thi.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã tác động tiêu cực đến sản xuất, tàn phá hạ tầng, đời sống của nhân dân ở nhiều nơi gây thiệt hại nhiều về người và tài sản. Xu hướng bão lũ, hạn hán, nước biển dâng gây sạt lở đất, đá ngày càng có cường độ mạnh hơn ở nhiều nơi trên phạm vi cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền núi, ven biển và đồng bằng sông Cửu Long.

BTC trao học bổng cho 5 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chịu ứng phó của biến đổi khí hậu.

Ứng phó với biến đổi khí hậu không thể chỉ là công việc của riêng Chính phủ mà mọi công dân, đặc biệt là thế hệ thanh niên, phải tiếp tục nâng cao tiếng nói của mình bởi để được sống cuộc sống trong một thế giới sạch hơn, lành mạnh hơn và bền vững hơn.

Vì vậy, các bạn trẻ hãy xây dựng một phong cách sống mới là phong cách sống “xanh”, ít phát thải và truyền cảm hứng cho những người xung quanh mình.

Tại lễ phát động, các bạn sinh viên trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cũng được tham gia giao lưu tìm hiểu kiến thức về môi trường và biến đổi khí hậu qua chùm câu hỏi đố vui có thưởng.

Các đại biểu tham gia “Ngày đi bộ vì môi trường” hưởng ứng Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với Cuộc sống” theo lộ trình Lê Văn Sỹ - Phạm Văn Hai – Nguyễn Văn Trỗi – Nguyễn Trọng Tuyển và ngược lại.

Đại biểu tham gia chương trình cùng xây dựng quỹ “Chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Tại lễ phát động, BTC cuộc thi Biến đổi khí hậu với cuộc sống – Tạp chí Môi trường và Cuộc sống kết hợp cùng trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh xây dựng quỹ “Chung tay ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Kết thúc lễ phát động, các đại biểu tham gia “Ngày đi bộ vì môi trường” hưởng ứng Cuộc thi “Biến đổi khí hậu với Cuộc sống” theo lộ trình Lê Văn Sỹ - Phạm Văn Hai – Nguyễn Văn Trỗi – Nguyễn Trọng Tuyển và ngược lại.

GS. TS Phan Đình Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh phát biểu sau chương trình đi bộ

Tham gia chương trình “Ngày đi bộ vì Môi trường GS. TS Phan Đình Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh hào hứng chia sẻ: "Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động cực đoan nhất của BĐKH. Hạn hán, nước biển dâng, sự gia tăng tần suất mưa và bão lớn năm nào cũng gây ra những thiệt hại lớn về con người, tàn phá nền kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cũng phải giải quyết vấn đề phát thải khí nhà kính vốn gây nên tình trạng BĐKH. TP. Hồ Chí Minh là một trong những địa phương chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Tình trạng nước triều cường đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và các cơ sở hạ tầng ven biển. Đây là vinh dự, niềm tự hào cũng là trọng trách của nhà trường phải giúp đỡ, quan tâm các em sinh viên tìm hiểu, nghiên cứu để có những tác phẩm dự thi chất lượng với những ý tưởng, mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu sáng tạo, thiết thực, có tính ứng dụng cao trong cuộc sống".

Sinh viên Trần Thị Cẩm Vân – Sinh viên lớp 04QTKT3, khoa Kinh tế Tài nguyên Thiên nhiên chia sẻ cảm nhận sau chương trình gala và Ngày đi bộ vì môi trường

Tham gia Chương trình “Ngày đi bộ vì Môi trường”, Sinh viên Trần Thị Cẩm Vân – Sinh viên lớp 04QTKT3, khoa Kinh tế Tài nguyên Thiên nhiên, chia sẻ: “Cuộc thi biến đổi khí hậu với cuộc sống là một chương trình thực sự ý nghĩa. Sau khi tham gia chương trình “Ngày đi bộ vì Môi trường”, bản thân em tự nhận thấy mình phải có trách nhiệm hơn trong công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, là sinh viên của trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh thì tụi em có những hành động cụ thể để bảo vệ môi trường như: Nhặt rác xung quanh trường, hạn chế sử dụng túi nilong, tái sử dựng các chai lọ nhựa”.

P.V

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/moi-truong/gala-phat-dong-cuoc-thi-bien-doi-khi-hau-voi-cuoc-song-chu-de-han-han-va-xam-nhap-man-tai-tp-ho-chi-minh-47631