'Gái giết chồng, đàn ông ai giết vợ'

Tục ngữ Việt Nam có câu: Gái giết chồng, đàn ông ai giết vợ, dị bản: Gái giết chồng, đàn ông ai nỡ giết vợ; Gái giết chồng chứ, đàn ông không ai giết vợ; Đàn bà mới hay giết chồng; chứ đàn ông ít ai lại nỡ giết vợ; Gái giết chồng chứ, đàn ông không ai giết vợ.

Tuy có khác nhau chút ít về từ ngữ diễn đạt nhưng những dị bản trên đều đồng nghĩa. Vấn đề là tại sao dân gian lại có sự nhận định mang tính đúc kết này?

- Sách "kho tàng tục ngữ người Việt" (Nguyễn Xuân Kính - Nguyễn Thúy Loan - Phan Lan Hương) chỉ thu thập các dị bản, chứ không trích dẫn giải thích hoặc đưa ra lời giảng giải nào.

- "Từ điển tục ngữ Việt" (Nguyễn Đức Dương) có thu thập nhưng thận trọng xếp câu tục ngữ này vào diện "chưa rõ nghĩa": "Đàn bà mới hay giết chồng; chứ đàn ông ít ai lại nỡ giết vợ. Chưa rõ nghĩa".

- "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" và "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" của GS Nguyễn Lân giải thích giống nhau: "Gái giết chồng, đàn ông ai giết vợ. Lời nhận định thiên về đàn ông và có ác ý với phụ nữ".

Thực tế trong nhiều vụ án giết chồng (đặc biệt là xưa kia) cho thấy đàn bà ngoại tình thường lập mưu giết chồng để được sống tự do với kẻ gian phu hoặc tự giải phóng mình; trong khi đàn ông, theo chế độ "đa thê", lại được phép và có tâm lý thích "năm thê bảy thiếp" hoặc có điều kiện thì ưa thích sống "già nhân ngãi, non vợ chồng" với nhiều phụ nữ khác, nên thường không nảy sinh ý định giết vợ để sống với người tình.

Luật Gia Long quy định "Tội thông gian và giết chồng, vợ cả" tại điều 254: "Phàm thê thiếp nhân vì việc thông gian mà đồng mưu với gian phu trong việc giết chết chồng của mình thì bị xử tội lăng trì, gian phu thì bị xử trảm giam hậu." ("Định chế pháp luật và tố tụng triều Nguyễn" - TS Huỳnh Công Bá - NXB Thuận Hóa). Trường hợp nếu chính kẻ gian phu đã giết chết người chồng và cho dù kẻ gian phụ (người vợ) không hề biết được tình ý về chuyện giết người của tên gian phu thì gian phụ đó vẫn bị khép vào tội xử thắt cổ. Nhà làm luật giải thích vì kẻ gian phu giết chết người chồng là do chính sự gian dâm ấy mà ra.

Với người vợ, cho dù bất cứ lý do gì thì việc "tự giải phóng bản thân" không hề là chuyện đơn giản. Trong "Mô tả Vương quốc Đàng Ngoài", Samuel Baoron cho biết như sau:

"Luật pháp ở đây cho phép đàn ông ly dị vợ nhưng phụ nữ thì không được phép ly dị chồng, cũng khó mà ly thân, trừ khi bà ta xuất thân từ gia đình có thế lực và có thể dùng thế lực đó để can thiệp thì mới đuổi được người chồng đi".

Về tội ngoại tình, Samuel Baron cũng cho biết: "Nếu người chồng có địa vị phát hiện vợ ngoại tình, anh ta có thể tự tay kết liễu kẻ lăng loàn đó cùng với tình nhân một cách tự do. Nếu không tự tay giết, người chồng có thể đem vợ ra cho voi giày, còn kẻ tình lang kia không sớm thì muộn cũng sẽ bị xử tử". Điều này phù hợp với những gì quy định trong Luật Gia Long:

"Phàm thê thiếp ăn nằm với đàn ông khác mà chồng y bắt được cả gian phu và dâm phụ ngay tại nơi diễn ra sự gian dâm và người chồng đã giết chết cả hai tên thông gian đó thì luật không bắt tội; còn nếu chỉ giết chết có tên gian phu thì tên gian phụ kia sẽ bị khép vào tội hòa gian và xử chém không tha." (sách đã dẫn).

Trong khi đó, không thấy có điều luật quy định về xử tội người chồng thông gian với người đàn bà khác nói chung, mà là quy định cụ thể đối với những trường hợp thông gian trái thuần phong mỹ tục như: Tội người thân thuộc thông gian; tội tăng đạo, tang nhân thông gian; tội quan chức phạm về thông gian; tội thông gian trái đẳng cấp…

Cũng không thấy có điều luật về trường hợp chồng vì gian dâm, thông dâm mà giết vợ. Điều này không có nghĩa luật pháp thiên vị, bỏ qua tội trạng của đàn ông, chỉ xử nặng tay với đàn bà, mà chứng tỏ chuyện đàn ông giết vợ để được sống với người tình hoặc "tự giải phóng bản thân" dường như không xảy ra trong thực tế, nên nhà làm luật đã không có mục quy định riêng về tội này. Dĩ nhiên, trong trường hợp người đàn ông giết vợ vì lý do nào đó, sẽ bị xử vào tội giết người.

Từ những sở cứ như trên, chúng tôi thấy "Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam" của Nhóm Vũ Dung - Vũ Thúy Anh - Vũ Quang Hào, cơ bản là đúng: "Gái giết chồng, đàn ông ai giết vợ - phản ánh một thực trạng xã hội thời phong kiến: đàn ông được quyền bỏ hoặc lấy nhiều vợ, ngược lại người đàn bà phải chịu nhiều ràng buộc khắt khe, muốn tự giải phóng khỏi người chồng không phù hợp, họ thường phải có những hành động tội ác".

Như vậy, câu tục ngữ "Gái giết chồng, đàn ông ai giết vợ" xuất phát từ một thực tế trong xã hội Việt Nam thời phong kiến, chứ không phải "nhận định thiên về đàn ông và có ác ý với phụ nữ", như GS Nguyễn Lân đã giảng.

Hoàng Tuấn Công

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/gai-giet-chong-dan-ong-ai-giet-vo-20191012193506907.htm