'Gái già' và 'Bố già' - phim nào đậm chất ngôn ngữ điện ảnh?

Hai tác phẩm cùng thuộc nhóm phim chính kịch, tâm lý đan xen với hài hước, cùng nói về gia đình. Nhưng phim nào mới thực là ngôn ngữ điện ảnh?

Tháng 3 hiếm khi là thời điểm vàng để phim Việt ra rạp. Song, do không thể công chiếu vào dịp Tết Nguyên đán, bộ đôi Nam Cito và Bảo Nhân đành ấn định ngày chính thức ra rạp của Gái già lắm chiêu V - Những cuộc đời vương giả là 12/3.

Ngay sau đó, Trấn Thành thông báo cũng đưa tác phẩm điện ảnh được chờ đợi của mình mang tên Bố già ra rạp cùng thời điểm.

Từ ngày 5/3, cả hai tác phẩm đều tổ chức những suất chiếu sớm trên toàn quốc. Về thời điểm tổ chức sneakshow, Gái già chậm hơn Bố già khoảng một tiếng. Tuy nhiên, chỉ sau hơn hai ngày trình chiếu, bộ phim của Trấn Thành đã sớm bỏ xa đối thủ tại phòng vé.

Nội dung khác biệt, nhưng vẫn gặp ở một điểm

Bố giàGái già lắm chiêu V cùng có chữ “già” trong tựa đề, cùng thuộc nhóm phim chính kịch, tâm lý đan xen với hài hước, cùng nói về gia đình, và có thời lượng không mấy cách biệt. Nhưng nội dung, bối cảnh, màu sắc và diễn viên lại khác nhau hoàn toàn, thậm chí đối lập.

Gái già lắm chiêu V vương giả bao nhiêu, Bố già đói nghèo bấy nhiêu. Nếu bối cảnh của Gái già là “gác tía lầu son”, “cung vàng điện ngọc”, là những cảnh đẹp nhất, lộng lẫy của cố đô; Bố già lại diễn ra trong một con hẻm chật chội và ngập nước ở TP.HCM.

Một bên kể về chốn xa hoa, thượng lưu, quý tộc; một bên khắc họa một xóm lao động bộn bề ồn ã, tranh cãi không ngừng. Nơi có chiếc phượng hoàng tam vĩ mà giới giàu có tranh nhau 50 triệu USD cũng không mua được; nơi kia lại đối nghịch với cảnh ông bố già tiết kiệm bằng cách đổ thêm nước vào chai dầu gội đầu. Một phim tồn tại một Lý Lệ Hà kiêu kỳ, chỉ cho người khác hôn mu bàn tay, một phim lại sẵn sàng để cả bát nước mắm văng vào mặt nhân vật.

 Kaity Nguyễn diễn xuất tốt trong Gái già lắm chiêu V.

Kaity Nguyễn diễn xuất tốt trong Gái già lắm chiêu V.

Gái giàBố già mang đến quá nhiều những khác biệt. Song, điểm đáng khen là cả hai đều được thực hiện chỉn chu, có thông điệp và câu chuyện với những nhân vật đầy ắp số phận.

Phải nói là giữa sự ngao ngán với những thảm họa điện ảnh Việt gần đây, từ Cậu vàng đến Kiều @, hai tác phẩm đến từ Nam Cito - Bảo Nhân và Trấn Thành - Vũ Ngọc Đãng đáng để khán giả bỏ tiền đi xem.

Hai phim đều chứa đựng những chi tiết và trường đoạn có khả năng lấy nước mắt của một bộ phận khán giả, mà vẫn có những mảng miếng hài hước, giải trí, gây cười. Mặt khác, dù chẳng tương đồng về màu sắc, bối cảnh, ngôn ngữ kể chuyện, Gái già lẫn Bố già lại gặp nhau ở giá trị của tình thân, của gia đình trong thông điệp phim.

Dù là hào nhoáng, xa xỉ, lấp lánh bạc tiền hay ẩm ướt, hỗn tạp, cũ kỹ, dù là những cuộc đời vương giả hay những cảnh đời lam lũ thường nhật, hai phim đều đề cao nghĩa máu mủ, tình thương và cuối cùng là hướng đến cái đích của sự gắn kết giữa tình mẫu tử và phụ tử.

Nhưng trên hành trình tạo ra thông điệp chạm nhau đó, một trong hai phim đã nổi bật, xét về cấu trúc và ngôn ngữ điện ảnh.

Gái già nhỉnh hơn về đặc trưng điện ảnh

Trong cuốn Teach Yourself Screenwriting, tác giả Ray Frensham chỉ ra những đặc trưng để phân biệt giữa phim truyền hình và phim điện ảnh. Một trong những yếu tố đó là thoại. Nếu thoại của điện ảnh luôn phải đi kèm với hình ảnh, thậm chí đặt sau hình ảnh để “chia sẻ nhiệm vụ truyền tải câu chuyện và hành động”, thoại phim truyền hình thường “có xu hướng dẫn dắt câu chuyện và hành động”.

Nếu Gái già lắm chiêu V đảm bảo được tính chất của thoại điện ảnh, thoại bám theo hình ảnh, Bố già của Trấn Thành mang màu sắc thoại truyền hình hơn khi nam chính thoại quá nhiều và dẫn dắt cảm xúc. Phim do vậy thiếu độ lắng của ngôn ngữ điện ảnh.

Trấn Thành là trung tâm, là linh hồn của Bố già.

Phim Bố già còn giống phim truyền hình vì mạch phim lê thê, cấu trúc chương hồi chưa chặt chẽ, có những biến cố không mang đặc trưng điện ảnh. Tạo hình vốn cũng được xem là đặc trưng của ngôn ngữ điện ảnh, nhưng bản thân tạo hình của nam chính lại mắc lỗi, giống nhân vật sân khấu.

Về cuộc đấu diễn xuất, ở Bố già, đa số diễn viên diễn xuất dễ chịu và tròn vai. Nhưng không có diễn xuất ngôi sao, ngay cả Trấn Thành. Nam nghệ sĩ trong Bố già không hay hơn và cũng không mới hơn nam nghệ sĩ của web drama Bố già trước đó.

NSND Ngọc Giàu, Lê Giang hay Lan Phương cũng không mang đến những bất ngờ trong thể hiện. Người có bước tiến về diễn xuất trong phim có lẽ là Tuấn Trần, dù đúng ra vai diễn của anh vẫn cần làm tốt hơn thế.

Gái già lắm chiêu V, có những màn diễn xuất đối kháng ấn tượng hơn, nhất là trường đoạn giữa NSND Lê Khanh và Kaity Nguyễn. Có thể nhìn thấy sự trưởng thành hơn nữa của Kaity trong diễn xuất, trong cách cô đối kháng, song hành và tung hứng với NSND Lê Khanh.

Lần này, Lê Khanh xuất hiện với dáng vẻ như một quý bà danh giá và sang chảnh, nhưng thực chất cũng chỉ là sự vẽ vời hào nhoáng, tưởng tiết hạnh, cao quý nhưng thực chất lại là “tiểu tam”.

Nữ diễn viên biến hóa từ đầu đến cuối, gắn chặt với những nút thắt của bộ phim, như khi Lý Lệ Hà cắt mái tóc cho nham nhở, khi bước nhanh chân đến bên tượng Chúa để hối lỗi và bỏ lại đằng sau tiếng gọi xưng danh của Lệ Linh.

Song, khi đặt trong cuộc đua trên thị trường với Trấn Thành - cái tên với sức hấp dẫn bậc nhất showbiz hiện nay, Lê Khanh hay Kaity Nguyễn khó có thể tạo nên độ phủ sóng tương đương.

Quang Đức

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gai-gia-hon-bo-gia-ve-ngon-ngu-dien-anh-post1190516.html