Gạch không nung - nhìn từ chất lượng từ các công trình tại Lào Cai

Trong những năm qua, việc tăng tỷ lệ gạch không nung (GKN) trong ngành vật liệu xây dựng được quan tâm về chủ trương cũng như đường lối chính sách. Tuy nhiên thực tế từ các công trình xây dựng có sử dụng GKN đang bộc lộ rất nhiều yếu điểm, khó có thể khắc phục.

Từ tháng 02 năm 2018, sau khi có quyết định bắt buộc sử dụng GKN trong các công trình xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách của nhà nước, tỉnh Lào Cai đã triển khai quy định về sử dụng vật liệu không nung trong xây dựng các công trình trên địa bàn.

Theo đó, đối với công trình được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài Ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn Nhà nước lớn hơn 30% trên địa bàn tỉnh Lào Cai buộc phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong tổng số vật liệu xây dựng: Tối thiểu 80% (công trình xây dựng từ 09 tầng trở lên), tối thiểu 70% (công trình tại thành phố Lào Cai), tối thiểu 50% (công trình tại các huyện còn lại). Trong trường hợp công trình có yêu cầu kỹ thuật đặc thù không thể sử dụng vật liệu xây dựng không nung thì phải được UBND tỉnh Lào Cai xem xét chấp thuận cụ thể. Tỉnh Lào Cai đặc biệt khuyến khích tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân sử dụng vật liệu xây dựng không nung vào các công trình không phân biệt nguồn vốn và quy mô.

Nhìn từ các công trình xây dựng tại Lào Cai

Thông qua khảo sát của nhóm phóng viên trên địa bàn Lào Cai, một số công trình sử dụng GKN như: Chung cư cho người thu nhập thấp Nam Tiến, các khối trụ sở cơ quan trên trục đường 58, khối cơ quan số 6, số 7, khu Lâm Viên, trụ sở Viện kiến trúc, Trung tâm kiểm định chất lượng xây dựng sở GTVT – XD đều có hiện tượng rạn nứt, tách khối ở nhiều điểm. Sự cố này không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong khi sử dụng.

Vết nứt dài ở Trụ sở khối 7 Lào Cai

Vết nứt dài ở Trụ sở khối 7 Lào Cai

Ông Vũ Hoàn Long - Chi cục trưởng Chi cục giám định chất lượng xây dựng, sở Xây dựng – GTVT Lào Cai cho biết: “Ngay tại khối cơ quan văn phòng sở cũng xuất hiện rạn nứt, nhiều điểm tách khối do vấn đề co ngót của GKN dẫn đến hiện tượng thấm nước từ ngoài vào, gây ẩm mốc, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của tòa nhà. Hiện tại sở XD – GTVT cũng chưa có đợt thanh kiểm tra để đánh giá chất lượng của GKN”. Ông Hoàng cũng trao đổi thêm, tỉnh vẫn ưu tiên phát triển vật liệu xây dựng không nung trong đó có GKN, tuy nhiên trước thực tế GKN có nhiều hạn chế trong xây dựng nên ít được người dân lựa chọn, dẫn đến các doanh nghiệp cũng không mặn mà đầu tư công nghệ dây chuyền sản xuất loại vật liệu này. Nhiều doanh nghiệp bỏ dở do không bán được sản phẩm, có chăng chỉ còn các hộ cá thể sản xuất ở mức độ nhỏ lẻ. Gạch đỏ truyền thống hay còn gọi là Gạch Tuynel hiện nay vẫn được người dân ưu tiên lựa chọn trong các công trình mang tính bền vững.

Những hạn chế dễ nhận biết của gạch không nung

Bên cạnh những điểm tích cực thì GKN còn bộc lộ một số hạn chế khó có thể bỏ qua, mà chúng ta vẫn hay nhầm lẫn là ưu thế của chúng.

Theo báo cáo của Vụ vật liệu xây dựng, sau 3 năm thực hiện Chương trình theo Quyết định số 567/QĐ- TTg kết quả như sau: Tổng công suất đầu tư vào 3 loại sản phẩm chính (gạch xi măng cốt liệu, gạch AAC, gạch bê tông bọt) đạt 4,2 tỷ viên/năm. Hiện nay gạch xi măng cốt liệu đang đạt khoảng 70%, gạch nhẹ khoảng 28,6% so với tổng số gạch xây không nung. GKN chiếm 10% thị phần gạch xây dựng, 90% thị phần là gạch nung.

Vết nứt dài ở Trụ sở khối 7 Lào Cai

Với việc tăng mạnh về số lượng, GKN đòi hỏi một khối lượng xi măng khổng lồ. Đây mới thực sự là vấn đề cần quan tâm. Bởi quá trình tạo ra xi măng tác động rất lớn đến môi trường. Việc gia tăng sản xuất để đáp ứng cung cấp nguyên liệu cho phát triển GKN sẽ kéo theo hàng loạt những hệ lụy bởi các nguyên liệu đầu vào để sản xuất ximăng gồm đá vôi giàu CaCO3, đất sét, quặng sắt, thạch cao, than đá...

Ngoài ra, cốt liệu để tạo ra các sản phẩm GKN còn có đá dăm, cát. Đây là tài nguyên khoáng sản hữu hạn, nếu khai thác lâu dài dễ dẫn đến cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Chưa nói đến giá thành sản phẩm còn cao hơn so với các sản phẩm cùng loại.

Mặt khác, GKN gây ra tình trạng tường bở nên khi khoan hoặc dóng lên tường gặp nhiều khó khăn. Đồng thời nếu không xử lý ép tốt trong quá trình thi công sản xuất sẽ gây ra hiện tượng ẩm mốc, rạn nứt công trình.

Tuy chưa có kết luận chính xác về ảnh hưởng tới môi trường nhưng vì những hạn chế kể trên mà liệu xây dựng không nung nói chung và GKN nói riêng đã khiến cho người tiêu dùng e ngại.

DUY ĐẠI

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/gach-khong-nung-nhin-tu-chat-luong-tu-cac-cong-trinh-tai-lao-cai-6567/